Đồng hành cùng cuộc thi Thiết kế trang phục diễu hành – Carnival Costume là hội đồng giám khảo gồm những gương mặt uy tín trong lĩnh vực thời trang và nghệ thuật trình diễn, hứa hẹn mang đến những đánh giá sắc sảo và truyền cảm hứng. Đi cùng đó, các sáng tạo mới nhất được công bố đều thể hiện sự giao thoa giữa câu chuyện văn hoá và tinh thần lễ hội sống động.
Không chỉ là sân chơi dành cho những nhà sáng tạo trẻ, cuộc thi Thiết kế Trang phục Diễu hành – Carnival Costume là nơi tinh thần lễ hội hòa quyện cùng nghệ thuật trình diễn. Với chủ đề “Sắc Màu Lễ Hội”, cuộc thi năm nay hứa hẹn trở thành điểm hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, nơi các nhà thiết kế trẻ khai thác chất liệu văn hóa để tạo nên những thiết kế đậm bản sắc và giàu tính trình diễn.
Sau thời gian phát động, cuộc thi đã thu hút gần 200 bài dự thi đến từ khắp mọi miền. Vào ngày 08/05/2025, vòng thuyết trình để lựa chọn ra 45 thiết kế xuất sắc nhất sẽ chính thức diễn ra tại Cosmo Academy – Học viện Kỹ năng và Tư Duy, lầu 4 Tòa nhà Cosmo Tower số 600 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TP. HCM. Tại đây, các thí sinh có cơ hội trình bày ý tưởng sáng tạo, câu chuyện và kỹ thuật thiết kế trước Hội đồng Ban giám khảo chuyên môn.
Thuyền rồng tranh hội của NTK Trần Đình Tám đã tái hiện một sân khấu ngập tràn âm hưởng lễ hội sông nước. Thiết kế mô phỏng hình ảnh thuyền rồng uy nghi trong những ngày hội làng truyền thống, hòa quyện cùng gam màu rực rỡ và chuyển động mềm mại như sóng nước, tạo nên một màn trình diễn sống động, bừng khí thế.
Lấy cảm hứng từ nghi lễ dân gian quen thuộc, Phượng thắm cau xanh của NTK Nguyễn Lan Anh khơi gợi ký ức về hình ảnh trầu cau, một biểu tượng cho tình duyên bền chặt và phong tục cưới hỏi Việt Nam. Tác phẩm nổi bật bởi sự phối hợp tinh tế giữa sắc màu truyền thống, chất liệu bay bổng và phom dáng hiện đại, đưa người xem bước vào không gian lễ hội đậm chất văn hóa nhưng đầy tính thời trang.
NTK Lê Nhật Huy đưa nghệ thuật dân gian vào sàn diễn bằng Vũ hội Thần Long, tái hiện tinh thần sôi động của lễ hội múa rồng Việt Nam. Thiết kế là một màn trình diễn thực thụ với nhịp điệu rộn ràng, màu sắc rực rỡ và cấu trúc chuyển động mạnh mẽ, như một phần linh hồn của hội hè đang sống dậy trên sân khấu.
Nàng Mị du xuân của NTK Nguyễn Hoàng Sang là cuộc diễu hành kể chuyện bằng ngôn ngữ dân tộc H’Mông. Lấy cảm hứng từ nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ, thiết kế kết hợp tông hồng thổ cẩm, họa tiết hoa ban và chi tiết quả Pao dân gian như một hành trình xuân của khát vọng sống mãnh liệt và vẻ đẹp tự do giữa núi rừng đại ngàn.
Đậm chất huyền thoại và sắc màu cổ tích, Vũ thủy tề của NTK Nguyễn Hoàng Huân thổi vào không gian trình diễn một làn gió nhiệm màu. Tái hiện hình ảnh công chúa thủy tề hiện thân của biển cả và sự bảo hộ linh thiêng, trang phục sử dụng hình khối uốn lượn, gam màu biển khơi và hiệu ứng lấp lánh để tạo nên một màn xuất hiện huyền bí. Trên sân khấu, từng chuyển động nhẹ của tà áo như nhấn nhá từng đợt sóng, dẫn dắt khán giả vào một thế giới huyền thoại đậm chất lễ hội, nơi cổ tích được kể lại bằng ngôn ngữ thị giác đương đại.
Hồng vũ thiên không của NTK Nguyễn Hà Ngọc Hân là bản hoan ca giữa không trung, nơi thiên thần mang cánh ombre hồng tím tung bay giữa bầu trời lễ hội. Chất liệu pha lê được xử lý tua rua đi cùng vải xuyên thấu, thiết kế vừa mộng mơ vừa kiêu hãnh, tôn vinh tinh thần tự do và bản lĩnh của người phụ nữ trong nhịp bước diễu hành rực rỡ.
Trong khi đó, Non nước Việt của NTK Nguyễn Ngọc Khang là một bản giao hưởng sân khấu mang sắc màu cung đình. Lấy cảm hứng từ phượng hoàng biểu tượng cao quý của văn hóa Á Đông, trang phục bừng sáng với sắc đỏ, vàng và những chuyển động của đôi cánh rực rỡ. Giữa không gian trình diễn mang màu sắc thiêng liêng, người mẫu như hoá thân thành nữ thần bản sắc, sải bước kiêu hãnh trong âm thanh rộn ràng, đưa vẻ đẹp người phụ nữ Việt tỏa sáng trên nền lễ hội văn hóa dân tộc.
Với Lam hải đến từ NTK Võ Tuấn Anh hóa thân hình ảnh đại dương thành một bữa tiệc thị giác nơi sóng nước cuộn trào qua từng lớp vải mềm mại. Trang phục không chỉ đẹp trong tĩnh mà còn đầy mê hoặc khi chuyển động, như chính một nghi thức lễ hội miền biển huyền bí, uyển chuyển và đầy nội lực.
NTK Nguyễn Hiếu Đức với Thiên ngư hộ biển làm sống lại không khí lễ hội Nghinh Ông bằng hình tượng huyền thoại cá Ông, hòa quyện giữa yếu tố linh thiêng và cảm hứng trình diễn. Thiết kế như một nghi lễ được kể bằng thời trang, gợi lên niềm tin và lòng biết ơn của người dân miền biển qua từng bước catwalk.
Vũ điệu hoàng kim của NTK Trần Đức Duy mang đến hình ảnh chim công kiêu hãnh trong vũ khúc ánh sáng, nơi sự diễm lệ, sang trọng được nâng tầm nhờ cách xử lý chất liệu lấp lánh, đường cắt bay bổng biến buổi diễu hành thành một đại tiệc sắc màu.
Em sen của NTK Nguyễn Phúc Hậu là bản tuyên ngôn lễ hội dành cho loài hoa biểu tượng của người Việt. Với phom dáng tinh tế, sắc trắng hồng nhã nhặn và chi tiết gợi liên tưởng đến văn hoá dân gian, trang phục trở thành một bước diễu hành của ký ức, vươn mình từ bùn đất để tỏa sáng thanh khiết giữa đời thường như chính phẩm chất người Việt bao đời nay.
Dừa của NTK Lý Thành Long là một màn trình diễn mang đậm tinh thần miền Tây sông nước. Từ lá dừa đan tay đến tông màu xanh vàng bắt sáng, thiết kế tái hiện không gian đậm chất carnival qua hình ảnh cổng cưới dân gian và kỹ thuật thủ công tinh xảo. Đây là lời tôn vinh vẻ đẹp đời thường mộc mạc nhưng sống động, mềm mại mà vẫn bừng sức sống trong nhịp điệu lễ hội đường phố.
NTK Lý Thành Long mang đến lễ hội carnival bộ trang phục Cờ đỏ sao vàng thiết kế lấy cảm hứng từ quốc kỳ Việt Nam, là tuyên ngôn đầy tự hào về bản sắc dân tộc. Với gam đỏ chủ đạo kết hợp chất liệu ánh kim, trang phục tạo hiệu ứng rực rỡ như ngọn lửa cháy mãi của lòng yêu nước.
Điểm nhấn là ngôi sao vàng trên ngực biểu tượng thiêng liêng của lý tưởng, niềm tin và tinh thần đoàn kết. Không chỉ là trang phục trình diễn, Cờ đỏ sao vàng còn là khúc ca thị giác tôn vinh niềm tự hào Việt trong không khí lễ hội sôi động.