Câu chuyện cuộc sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Dạy con ứng phó sự cố – Kỹ năng không thể bỏ qua; Tinh thần bứt phá trong công việc; Học cách đối mặt với áp lực tài chính.
Dạy con ứng phó sự cố – Kỹ năng không thể bỏ qua
Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta không lường trước được sự cố hoặc những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra đặc biệt đối với trẻ em. Do đó, việc trang bị cho các em một kỹ năng cơ bản để ứng phó với sự cố không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn giúp các em rèn luyện sự tự tin và khả năng đối phó với những tình huống nguy hiểm.
Chị Nguyễn Thị Trúc (TP. HCM) cho biết: “Ban đầu tôi rất lo lắng khi dạy con mình gọi điện thoại khẩn cấp vì sợ bé còn nhỏ không ghi nhớ được số điện thoại. Nhưng khi tình huống xảy ra thì bé đã làm theo những gì tôi dạy một cách kịp thời, nhờ vậy mà chúng tôi đã tránh được những tổn thất đáng tiếc”.
Anh Trần Bá Dũng (TP. HCM) cho biết: “Tôi có một cậu con trai 6 tuổi, vào một ngày đi du lịch với gia đình thì con trai tôi bị lạc ở một nới rất đông người, nhờ sự dạy dỗ khi bé còn nhỏ nên bé đã tự động tìm đến chỗ an toàn, tìm bảo vệ và nhờ bác bảo vệ liên hệ với số điện thoại của tôi. Điều này tôi rất tự hào về con vì đã biết cách giữ bình tĩnh, không hoảng loạn và xử lý tình huống một cách thông minh”.
ThS Trần Hương Thảo (Chuyên gia Tâm lý) chia sẻ khi con độ khoảng 6 tuổi trở lên đã được đi học, quá trình đi học cũng như tiếp xúc nhiều hơn thì trẻ sẽ có được những kinh nghiệm để xử lý tình huống. Khi trẻ càng lớn thì các kỹ năng phòng vệ sẽ trở nên phức tạp hơn bởi vì những mối nguy hiểm với trẻ sẽ trở nên khó lường hơn. Vì vậy việc dạy cho trẻ từ lúc còn nhỏ và mình phải tăng dần mức độ phức tạp lên theo độ tuổi của trẻ là một điều vô cùng cần thiết, cần có những giáo án rõ ràng theo từng giai đoạn, độ tuổi để phù hợp với sự tiếp nhận của trẻ.
Các chuyên gia khuyến cáo ngoài việc dạy trẻ cách ứng phó với sự cố trong các tình huống thực tế, các bậc phụ huynh nên thường xuyên dành thời gian đưa các em đến những buổi diễn tập hoặc giả lập tình huống khẩn cấp để trẻ có thể luyện tập và có được phản xạ nhanh chóng.
Tinh thần bứt phá trong công việc
Trong cuộc sống bất kể làm việc ở môi trường nào thì tinh thần bứt phá luôn là yếu tố then chốt để mỗi người không ngừng vươn lên. Nó không chỉ thể hiện ở việc đặt ra những mục tiêu lớn lao mà còn nằm trong những thay đổi nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, đó là dám thử thách bản thân, dám làm điều mới mẻ, không ngừng tìm cách tối ưu hóa công việc và học hỏi mỗi ngày.
Chị Trần Thị Cẩm Tú (TP. HCM) cho biết: “Hiện tại tôi đang làm sáng tạo nội dung tự do. Tinh thần bứt phá bất cứ ai cũng cần phải có vì nó giúp cuộc sống mình có sự phát triển. Nó có thể xuất phát tự việc mình dám nhận một thử thách lớn hoặc một deadline gấp hoặc là tự bắt bản thân mình phải học một kĩ năng trong vòng một tháng. Đó là cách để mình làm mới chính mình”.
Anh La Vĩnh Nguyên (nhân viên văn phòng quận 11, TP. HCM) cho biết: “Theo tôi, tinh thần bứt phá trong công việc không chỉ là một sự nỗ lực để đạt được thành tích, mà còn phải cố gắng để phát triển và học hỏi. Doanh nghiệp hiện nay rất đề cao sự linh hoạt trong công việc, đề cao tinh thần tự chủ của nhân viên đặc biệt là sự sáng tạo”.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Chuyên gia xã hội học) chia sẻ xã hội hiện đại 4.0 ngày càng phát triển, sự bứt phá có một giá trị rất lớn, nó không phải là ưu điểm mà đã trở thành một điều tất yếu. Một người có tư duy mở và sáng tạo, họ không bao giờ dừng lại. Trong bất kì hoàn cảnh nào cũng phải nuôi dưỡng tinh thần bứt phá, mỗi ngày cần phải đầu tư cho bản thân. Không nên đặt mục tiêu quá cao cho bản thân, nên chia nhỏ mục tiêu, chia nhỏ kế hoạch và có sự chuẩn bị chu đáo thì khi thực hiện sẽ chắc chắn hơn.
Để tinh thần bứt phá trở thành một nguồn động lực lâu dài thì mỗi người chúng ta cần học cách quản lý năng lượng, đặt mục tiêu phù hợp để duy trì tinh thần bứt phá bền vững. Thay vì chỉ trông chờ vào sự thúc đẩy của môi trường thì chúng ta cũng cần phải chủ động tạo cơ hội cho mình từ việc trao dồi kĩ năng đến việc nuôi dưỡng tinh thần.
Học cách đối mặt với áp lực tài chính
Tài chính cá nhân có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày. Trong nhiều trường hợp, áp lực tài chính khiến chúng ta lo lắng, căng thẳng, thậm chí ảnh hưởng đến tinh thần, các mối quan hệ trong gia đình. Không ít người cảm thấy bế tắc khi phải xoay sở trong những ngày tháng khó khăn, đặc biệt là khi hoàn cảnh thay đổi theo chiều hướng xấu, gánh nặng tài chính lại càng trở nên nặng nề hơn.
Chị N.C (TP.HCM) chia sẻ: “Trước đây tôi hay mua sắm theo cảm hứng, đến cuối tháng thì lại cháy túi. Từ khi biết lập bảng chi tiêu và để dành mỗi tháng, tôi thấy nhẹ nhõm hơn hẳn”.
Anh B.T.A (TP.HCM) cho biết: “Tôi làm văn phòng, lương tháng cũng tương đối ổn, nhưng khi lập gia đình và có con thì mọi thứ thay đổi. Các khoản chi tiêu dồn dập khiến tôi lúc nào cũng trong trạng thái lo lắng, hồi hộp. Thậm chí có tháng phải mượn bạn bè để xoay sở. Tôi biết mình cần thay đổi cách quản lý tiền bạc, nhưng áp lực cứ đè nặng, nhiều lúc không biết bắt đầu từ đâu”.
Thạc sĩ Trần Công Danh (chuyên gia tài chính cá nhân) chia sẻ: “Trước hết, mọi người nên xem lại tất cả các khoản chi tiêu của mình, rà soát xem khoản nào thực sự cần thiết và khoản nào không, từ đó có thể điều chỉnh một cách phù hợp với nhu cầu sống. Thứ hai, cần xem xét các nguồn thu nhập để tìm cách tối ưu và gia tăng thu nhập, nhằm bù đắp những khoản chi phí hoặc phát sinh do điều kiện sống tăng giá hiện nay. Khi đó, chúng ta sẽ có thể cân bằng được giữa thu nhập và chi tiêu”.
Ông cũng nhấn mạnh, quản lý tài chính bao gồm quản lý thu nhập, chi tiêu và đầu tư. Ba yếu tố này rất quan trọng. Đầu tiên, cần lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Thứ hai, cần quan tâm đến việc tối ưu hoá thu nhập. Và cuối cùng, khi đã có khoản tiền dư, chúng ta có thể sinh lời thông qua các hoạt động như gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc đầu tư.
Cuộc sống không thể tránh khỏi những thay đổi, đặc biệt là về tài chính. Vì vậy, điều quan trọng là cách chúng ta đối mặt để vượt qua. Một kế hoạch chi tiêu hợp lý, tinh thần vững vàng và sự đồng hành của những người thân thiết sẽ là chìa khóa để vượt qua áp lực tài chính.
Câu chuyện cuộc sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.