Thể thao

Cơn bĩ cực của bóng đá Hà Lan

Cuộc chia tay đột ngột của Koeman cùng việc khan hiếm những tài năng lớn khiến bóng đá Hà Lan không còn duy trì vị thế.

Trận thua 2-4 trước Thổ Nhĩ Kỳ là lần đầu tiên sau gần 3 thập niên, tuyển Hà Lan mới lại thua trận khai màn vòng loại World Cup.

Việc Hà Lan thua Thổ Nhĩ Kỳ, đối thủ vốn được xem là chiếu dưới không chỉ đơn thuần như một tai nạn. Nó phản ánh sự sa sút trong thời gian dài của nền bóng đá xứ sở hoa tulip.

Bóng ma hiện về

Năm 1992, Hà Lan từng thua Na Uy trong trận đầu tiên ở vòng loại World Cup 1994. Tuy nhiên, thất bại đó đến cuối cùng vẫn chỉ được xem như một tai nạn. Hà Lan xếp sau Na Uy ở bảng 2 vòng loại World Cup 1994 khu vực châu Âu, nhưng vẫn vượt qua Anh, Ba Lan và chính Thổ Nhĩ Kỳ để giành 1 trong 2 tấm vé đến Mỹ.

Năm đó, Hà Lan của những Frank Rijkaard, Ronald Koeman, anh em nhà De Boer hay Dennis Bergkamp,… vẫn thể hiện một phong độ ấn tượng. Họ đánh bại Thổ Nhĩ Kỳ trong cả hai lượt trận với tỷ số 3-1, hạ tuyển Anh ở trận lượt về (hai đội hòa ở lượt đi) để tước đi tấm vé dự World Cup của “Tam sư”.

Gần 3 thập niên sau, mọi thứ thay đổi. Hà Lan thua toàn diện trước Thổ Nhĩ Kỳ ở trận mở màn vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Âu.

Hà Lan đã chơi một trận đấu tồi tệ trước Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty.

Hà Lan của năm 2021 không giống Hà Lan của năm 1992. Dù chỉ mới chơi trận đầu tiên, nỗi sợ vắng mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đang trở lại.

Từng là khán giả ở EURO 2016 và World Cup 2018, người Hà Lan biết nỗi lo của họ không thừa. Chỉ đội đứng đầu mỗi bảng ở khu vực châu Âu giành vé vào thẳng vòng chung kết World Cup. Những đội đứng nhì các bảng đấu sẽ kết hợp với 2 đội được chọn từ bảng xếp hạng Nations League để tạo ra vòng đấu knock-out chọn 3 đội giành vé vớt dự World Cup.

Đó là lý do người Hà Lan sợ hãi. Ở bảng G, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ được xem là hai đối thủ cạnh tranh cho ngôi vị đầu bảng với Hà Lan. Việc thua trước một đối thủ cạnh tranh trực tiếp đẩy Hà Lan vào thế khó, khi các đối thủ còn lại như Latvia, Gibralta và Montenegro đều có trình độ chênh lệch với ba ứng viên kể trên.

Thậm chí Hà Lan còn có thể mất vị trí thứ 2 vào tay Na Uy nếu không chơi tốt trong giai đoạn còn lại.

Và người ta cứ nhìn vào cái cách tuyển Hà Lan thua bạc nhược trước Thổ Nhĩ Kỳ, nhìn vào những cái tên ra sân trong đội hình xuất phát, mọi lo lắng về việc “Cơn lốc màu da cam” không thể dự World Cup là có cơ sở.

“Đội tuyển này khiến chúng ta nhớ lại những thời khắc đen tối nhất nhiều năm trước”, De Telegraaf viết. “Để tóm gọn lại, chỉ có hai từ: ‘Thảm họa’”.

Tờ báo thể thao hàng đầu Hà Lan muốn nhắc lại giai đoạn đen tối nhất lịch sử nền bóng đá. Mới vài năm trước, Hà Lan đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên lỡ hẹn ở hai giải đấu lớn là EURO 2016 và World Cup 2018.

Bóng ma đang quay trở lại, dù chỉ sau một trận đấu. Daley Blind chơi một trận đấu như thể sắp giải nghệ. Những cái tên hiếm hoi trong đội hình Hà Lan ở đẳng cấp thế giới như Frankie de Jong hay De Ligt không thể gánh nổi một tập thể trung bình và chơi rệu rã.

Tim Krul bị chỉ trích vì có lỗi trong các bàn thua của tuyển Hà Lan. Nhưng anh cũng không phải sự lựa chọn số 1 của đội bóng. Krul chỉ đóng thế thay Jasper Cillessen khi thủ thành này dính chấn thương. Người ta không thể trông chờ gì nhiều vào Krul, một thủ môn đang bắt chính ở giải hạng Nhất Anh cho Norwich.

Và người ta cũng khó có thể đặt nhiều kỳ vọng vào Frank de Boer, một HLV đã liên tục thất bại trong những năm qua.

Frank de Boer nhận nhiều nghi ngờ khi trở thành HLV trưởng Hà Lan vào năm ngoái. Ảnh: Getty.

Thất vọng Frank de Boer

Frank de Boer từng bị Jose Mourinho nhạo báng là HLV tệ nhất lịch sử Ngoại hạng Anh. Nhận xét đó của “Người đặc biệt” đến sau giai đoạn ngắn làm việc tại nước Anh của De Boer.

Trong màu áo Crystal Palace, cậu em nhà De Boer trở thành HLV tại vị ngắn nhất lịch sử giải đấu (cầm quân tổng cộng 450 phút tại Ngoại hạng Anh trước khi bị sa thải). Palace của De Boer cũng là đội duy nhất trong gần 100 năm qua, đá 4 trận đầu tiên ở giải VĐQG Anh mà không ghi được một bàn nào.

De Boer trước đó cũng bị Inter Milan sa thải chỉ sau 3 tháng. Rời Italy và Anh, De Boer đến Mỹ để dẫn dắt Atlanta United. Tại đây, ông cũng bị đánh giá là không đáp ứng kỳ vọng.

LĐBĐ Hà Lan (KNVB) coi De Boer là phương án chữa cháy, khi Ronald Koeman từ chức. Quyết định dẫn dắt Barca và bỏ trống ghế tuyển Hà Lan của Koeman từng bị chỉ trích là thiếu trách nhiệm. Nhưng Koeman từng thừa nhận rằng “cơ hội làm HLV Barca đôi khi chỉ đến một lần trong đời”.

Sự ra đi của Koeman, một HLV đã gầy dựng tuyển Hà Lan trở lại từ đổ nát, khiến nền bóng đá nước này thêm một lần loay hoay. Koeman có thể không xuất chúng như Pep Guardiola hay Jurgen Klopp, nhưng ông đủ khả năng và sự am hiểu để giúp một tập thể không nhiều sao số của bóng đá Hà Lan chơi tốt.

Nếu khán giả đại chúng nhìn vào đội hình xuất phát của Hà Lan trong trận thua Thổ Nhĩ Kỳ, họ sẽ thấy nhiều cái tên lạ lẫm. Donyell Malen, Owen Wijndal hay Kenny Tete chỉ là những cái tên còn tiềm năng. Depay, Georginio Wijnaldum, Steven Berghuis hay Marten de Roon không thuộc hàng ngũ những cầu thủ hàng đầu thế giới.

Hà Lan chỉ có De Jong hay De Ligt – hai cầu thủ trẻ – là được châm chước ở đẳng cấp thế giới. Với đội hình khan hiếm tài năng lớn này, Koeman đã giúp Hà Lan dự EURO 2020 và chơi một thứ bóng đá chắc chắn. De Boer chưa làm được như thế.

4 trận đầu tiên dẫn dắt tuyển Hà Lan, HLV này không thắng một lần. De Boer là người đầu tiên trong lịch sử nền bóng đá có thành tích tệ như vậy. Voetbal International thậm chí còn mỉa mai “De Ligt đọc trận đấu còn tốt hơn Frank de Boer” sau trận thua Thổ Nhĩ Kỳ.

De Boer không để lại dấu ấn chiến thuật nào hiệu quả trong trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyển Hà Lan chơi một thứ bóng đá rời rạc, tấn công vô hồn và dễ dàng để thủng lưới.

De Boer không thay đổi nhiều nhân sự và cách chơi so với thời Koeman, nhưng kết quả thì kém hơn. Cựu HLV Inter Milan không thể hiện được triết lý bóng đá của mình, hay giúp các cầu thủ thi đấu tốt lên.

Tất nhiên lỗi không chỉ nằm ở một mình De Boer. Việc KNVB chọn một HLV liên tục thất bại trong nhiều năm qua để thay Koeman cho thấy sự lúng túng.

Hà Lan từng là nền bóng đá sản sinh ra những HLV tài năng cho thế giới. Họ từng có những nhà phát minh như Rinus Michels hay Johan Cruyff, những bậc thầy chiến thuật trong giai đoạn đỉnh cao của mình như Guus Hiddink, Dick Advocaat, Frank Rijkaard hay Louis van Gaal.

Hà Lan giờ hiếm HLV giỏi. HLV được đánh giá cao nhất lúc này của Hà Lan là Erik ten Hag, người đang dẫn dắt Ajax. Nhưng làm tốt tại Ajax là chưa đủ để Ten Hag tiến vào hàng ngũ những HLV giỏi nhất châu Âu. Peter Bosz, tiền nhiệm của Ten Hag tại Ajax từng thất bại thảm hại ở Dortmund và mới bị Leverkusen sa thải.

Đó có lẽ là lý do KNVB phải tìm đến De Boer, dù HLV này liên tục thất bại những năm qua. Trong khi đó, các nền bóng đá khác như Pháp, Đức hay Tây Ban Nha liên tục sản sinh ra các thế hệ HLV trẻ và tài năng.

Hà Lan giờ cũng khan hiếm cầu thủ giỏi. Cái thời mà các HLV đau đầu khi chọn hàng công tuyển Hà Lan đã qua đi. Tiền đạo giỏi nhất của bóng đá Hà Lan hiện tại là Depay, người không thể so với Marco Van Basten, Patrick Kluivert, Robin van Persie hay Ruud van Nistelrooy về tài năng lẫn các danh hiệu.

Van de Beek liên tục ngồi dự bị tại Man Utd. De Jong hay De Ligt cũng được đánh giá cao, nhưng cả hai còn trẻ và phải học hỏi nhiều. Virgil van Dijk đang là cầu thủ duy nhất của bóng đá Hà Lan có thể cạnh tranh cho danh hiệu Quả bóng vàng.

Chỉ Van Dijk hay De Jong là không đủ để giúp bóng đá Hà Lan lấy lại vị thế. Bóng đá của quê hương cối xay gió và hoa tulip đang thụt lùi so với các nền bóng đá lớn khác.

Theo Hồng An/Zing.vn