Những án phạt sẽ không phải là điều tồi tệ cuối cùng đến với Ngô Hoàng Thịnh sau cú tắc bóng ngớ ngẩn làm gãy chân Đỗ Hùng Dũng.
“Tình huống ấy (cú tắc bóng làm gãy chân Aaron Ramsey của Arsenal – PV) ảnh hưởng đến tính cách của tôi trước công chúng. Bạn sẽ nhanh chóng bị gán cho biệt danh rất tồi tệ. Đôi khi, điều đó đeo bám sự nghiệp suốt cuộc đời”, cựu trung vệ Ryan Shawcross của Stoke City thổ lộ với Telegraph.
“Có rất nhiều bài báo viết về tôi sau này. Đa phần đều không đề cập đến việc tôi chơi tốt thế nào”, cầu thủ người Anh tiếp tục.
Bài học từ Shawcross
Tháng 2/2010, Shawcross làm gãy chân Ramsey. HLV Arsene Wenger của Arsenal khi ấy đã rất tức giận. Ông gọi pha tắc bóng mà Shawcross thực hiện “xứng đáng bị loại trừ khỏi bóng đá”.
Sau này, người ta cũng chỉ nhắc tới Shawcross với tình huống vào bóng làm Ramsey nghỉ dài hạn. Trung vệ người Anh cũng lận đận với sự nghiệp, dù rằng trước đó anh từng được giới chuyên môn đánh giá cao.
Ryan Shawcross vào bóng khiến Aaron Ramsey gãy chân. Ảnh: Getty.
Những ngày sắp tới với Hoàng Thịnh có thể giống như Shawcross. Án phạt của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) dành cho tiền vệ sinh năm 1992 đã được đưa ra, đó là nộp 40 triệu đồng, cấm thi đấu hơn 9 tháng cũng như đền bù chi phí điều trị cho Hùng Dũng.
Nhưng Hoàng Thịnh còn phải chịu “bản án vô hình” khác. Anh sẽ bị gán mác “Gã đồ tể”, người khiến Hùng Dũng, tiền vệ trung tâm quan trọng của CLB Hà Nội và ĐTQG Việt Nam, chấn thương nặng.
Cũng như trong cuộc sống, bóng đá luôn rất bất công. Người ta đôi lúc sẽ quên hết những chiến công và chỉ nhớ tới sai lầm.
Với Hoàng Thịnh, anh rồi sẽ trở lại sau khi hết hạn “treo giò” từ VFF. CLB TP.HCM có thể vẫn đón nhận cầu thủ này. Thế nhưng, người hâm mộ chưa chắc tha thứ và có lẽ không bao giờ quên cú tắc bóng ngớ ngẩn của tiền vệ 28 tuổi.
17 năm trước, trên đất Hà Lan, Rachid Bouaouzan thực hiện pha vào bóng thô bạo nhắm vào Niels Kokmeijer. Tình huống ấy trở thành khoảnh khắc mà không CĐV bóng đá nào của xứ sở hoa tu-líp quên được.
Bouaouzan bị cấm 10 trận, phải đền bù các chi phí điều trị cho Kokmeijer. Tệ hơn, mọi CLB Hà Lan cảm thấy sợ hãi khi được đề nghị ký hợp đồng với tiền vệ sinh năm 1984, dù rằng anh rất có tiềm năng.
Hoàng Thịnh đã phải trả giá đắt cho cú tắc bóng cẩu thả. Lời xin lỗi tiền vệ TP.HCM đưa ra, thế nhưng quá muộn màng. Mọi thứ có thể đã đóng sập lại ngay sau tiếng khóc nức nở của Hùng Dũng.
Trên sân Thống Nhất tối 23/3, Hoàng Thịnh phải nhận rất nhiều sự chỉ trích từ người hâm mộ. Những tờ báo quốc tế như Marca, AS, Sportbible… đều cho rằng pha tắc bóng ấy quá kinh khủng.
Nhà báo Kerry Hau của Goal nói với Zing: “Dù rằng cầu thủ phạm lỗi (Hoàng Thịnh – PV) không cố ý, cú vào bóng ấy vẫn không thể chấp nhận”.
“Ở Đức, chúng tôi hiếm khi thấy những tình huống như vậy. Nếu có, cầu thủ sẽ bị cấm thi đấu 6-8 trận. Tôi thấy cầu thủ phạm lỗi không hề có ý muốn triệt hạ đối phương. Tuy nhiên, ai có thể thông cảm cho cậu ấy?”, cây viết người Đức tiếp tục.
Bouaouzan từng thanh minh không hề muốn hủy hoại sự nghiệp ai khi trả lời báo chí. Chẳng có nhiều người cảm thông cho cầu thủ này.
Khi nhắc lại vụ việc, nhà báo Maarten Elst của ZuidWest TV (Hà Lan) nói với Zing: “Pha bóng rợn người của Bouaouzan là khoảnh khắc tôi không thể nào quên. Dù cho cậu ấy có thi đấu ra sao đi nữa, thì khi nhắc tới Bouaouzan, tất cả đều nói đến pha bóng cướp đi sự nghiệp Kokmeijer”.
Cú tắc bóng của Hoàng Thịnh khiến Hùng Dũng phải rời xa sân cỏ ít nhất 6 tháng. Ảnh: Quang Thịnh.
“Bản án vô hình” của Hoàng Thịnh
Trường hợp của Hoàng Thịnh có lẽ cũng giống như vậy. Anh sẽ mãi là “Gã đồ tể” trong mắt người hâm mộ. Một vết xước đã được tạo ra trong sự nghiệp tiền vệ sinh năm 1992, và không bao giờ có thể sửa chữa.
Năm 2016, khi chia sẻ với Standard, cựu trung vệ Shawcross của Stoke từng bộc bạch: “Càng lớn tuổi, tôi lại nhận ra nếu bản thân biết suy nghĩ nhiều hơn, tôi sẽ không thực hiện những pha tắc bóng cẩu thả như trong quá khứ”.
Hoàng Thịnh không phải cầu thủ trẻ. Anh đã có thời gian khoác áo ĐTQG. Vì vậy, chẳng ai cảm thông cho tiền vệ này với pha vào bóng đáng bị lên án.
Với cựu tiền vệ Thanh Hóa, mức án nặng nhất bản thân phải nhận không phải việc bị treo giò hay phạt tiền. Mà đó chính là những ánh mắt thiếu thiện cảm từ người hâm mộ.
Ở tuổi 28, đó chưa phải hoàng hôn sự nghiệp của cầu thủ. Làng bóng đá thế giới từng chứng kiến nhiều trường hợp “nở muộn”, khi trên 30 tuổi mới thành công ở CLB lẫn ĐTQG. Hoàng Thịnh hẳn là vẫn muốn khoác áo ĐTQG.
Nhưng sau khoảnh khắc làm Hùng Dũng khóc nức nở trên sân Thống Nhất, đồng thời trước mắt HLV Park Hang-seo, đó giống như dấu chấm hết với tiền vệ này. Chỉ một pha bóng thiếu suy nghĩ, Hoàng Thịnh đã tự hủy hoại sự nghiệp và cả danh tiếng.
Theo Nguyên Trí/Zing.vn