‘Lời cảnh báo’ tiếp tục cập nhật những vấn đề nóng hổi, được dư luận quan tâm gần đây, bao gồm: Cảnh báo lừa đảo từ ‘bẫy’ đăng ký tích xanh – Mất tiền oan vì chiêu trò tinh vi! và Nguy cơ khó lường khi trẻ em sử dụng AI – Phụ huynh cần biết!
Cảnh giác lừa đảo từ “bẫy” đăng ký tích xanh – Mất tiền oan vì chiêu trò tinh vi
Hiện nay, dấu tích xanh trên Facebook không chỉ là biểu tượng xác thực mà còn tượng trưng cho uy tín và độ tin cậy của tài khoản. Lợi dụng điều này, nhiều dịch vụ tự phát cung cấp tích xanh đã xuất hiện, hứa hẹn quy trình nhanh chóng, không đòi hỏi các điều kiện phức tạp mà Facebook đặt ra. Tuy nhiên, đây thực chất là những cái bẫy tinh vi.
Anh T.B (TP.HCM), một người kinh doanh bất động sản, vì muốn tăng độ uy tín cho tài khoản, đã tìm đến một dịch vụ làm tích xanh. Do không đáp ứng đủ điều kiện của Facebook, anh chấp nhận mức giá 10 triệu đồng theo thỏa thuận. Sau khi cung cấp sinh trắc học, căn cước công dân, hình ảnh và các giấy tờ liên quan, anh không nhận được bất kỳ phản hồi nào, thậm chí còn mất luôn tài khoản.
Thạc sĩ Lê Tấn Phước (chuyên gia an ninh mạng) cảnh báo: “Việc đăng ký tích xanh qua các dịch vụ không rõ ràng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ lộ thông tin cá nhân và mất quyền kiểm soát tài khoản. Ngoài ra, kẻ gian có thể chiếm đoạt tiền mà không thực hiện nghĩa vụ. Khi đăng ký tích xanh, người dùng chỉ nên thực hiện qua các nền tảng chính thức do mạng xã hội công bố. Tuyệt đối không cung cấp thông tin nhạy cảm như mật khẩu, mã OTP, tài liệu cá nhân. Cần kiểm tra kỹ lưỡng các chính sách và điều kiện đăng ký trên website”.
Luật sư Bùi Trọng Hiển (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhấn mạnh: “Nếu tổ chức hoặc cá nhân lợi dụng dịch vụ cung cấp tích xanh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, họ sẽ bị xử lý theo Điều 104 Bộ luật Hình sự”.
Nguy cơ khó lường khi trẻ em sử dụng AI – Phụ huynh cần biết
Minh Khang (TP.HCM) chia sẻ: “Em thấy AI rất hữu ích, đặc biệt là trong học tập. Em thường dùng AI để giải bài tập, viết luận, tìm tài liệu. Tuy nhiên, em nhận ra mình đang lạm dụng AI quá nhiều. Trước đây, em phải tự tìm kiếm đáp án, còn bây giờ chỉ cần AI là có ngay”.
Ông Nguyễn Quang Trường (Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM) nhận định: “Trẻ em cảm thấy thích thú khi tiếp cận thông tin mới lạ từ AI. Sau những giờ học căng thẳng, AI mang đến những hình thức giải trí mới. AI cung cấp thông tin đầy đủ, đa dạng, giải đáp nhiều câu hỏi của trẻ ở mức độ cơ bản. Tuy nhiên, thông tin từ AI có thể sai lệch, chưa được kiểm chứng, khiến trẻ tiếp nhận một chiều, thiếu khả năng phân tích. Mặc dù AI có thể tạo ra các biểu cảm cảm xúc, hình ảnh cảm xúc, nhưng không thể thay thế những tương tác ngoài đời thực. Việc tiếp xúc lâu dài với AI có thể ảnh hưởng đến khả năng định hình cảm xúc, kỹ năng xã hội, giao tiếp và tương tác của trẻ”.
Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên (Chuyên gia đào tạo AI, Giám đốc Học viện kỹ năng Vtalk) cho biết: “Tốc độ phản hồi nhanh chóng của AI có thể hạn chế tư duy logic và khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ. Một số tính năng của AI cũng làm giảm khả năng tưởng tượng và tư duy sáng tạo. AI là công cụ hữu ích cho việc học tập và khám phá thế giới, nhưng nhà trường và phụ huynh cần đồng hành cùng trẻ. Nên lựa chọn các kênh AI phù hợp, đặt ra giới hạn thời gian và khuyến khích trẻ giao tiếp, trải nghiệm thế giới thực”.
Lời cảnh báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.