Chân dung – tập truyện ngắn song ngữ Việt-Anh của nhà văn Nguyễn Quang Thân gồm có năm truyện ngắn đặc sắc, thể hiện rõ nét bút pháp điêu luyện của nhà văn.
Góc nhìn độc đáo về sự thật và cuộc đời
Truyện Chân dung mở đầu bằng cách tả lại cảnh mộng mị khiến họa sĩ Phát – nhân vật chính – bị đau đầu khi vừa thức dậy; nối tiếp sau đó là một loạt những câu văn có nhịp điệu dồn dập, chứa đựng nhiều thông tin khi thuật lại lịch trình hoạt động trong một ngày của ông Phát. Nhịp điệu dồn dập đó chỉ tạm lắng dịu khi tác giả đề cập đến một sự kiện diễn ra vào buổi chiều – cũng là nguyên cớ chính cho truyện ngắn này: họa sĩ Phát sẽ vẽ chân dung cho Huấn – một người bạn của ông.
Chân dung xây dựng Phát là một họa sĩ bậc thầy nhưng ít khi vẽ tranh chân dung cho người khác vì một sự kiện đau lòng trong quá khứ đã ám ảnh suốt cuộc đời ông. Thông qua tác phẩm này, tác giả đưa ra một quan điểm đáng chú ý về sự thật từ góc nhìn của ông Phát đối với việc vẽ tranh chân dung:
“Đối với ông, vẽ là dùng ánh sáng của trái tim mình soi sáng người được vẽ. Ngược lại, ánh sáng của tâm hồn người mẫu đã giao thoa cùng cái nhìn của họa sĩ mà làm nên bức tranh. Sự thật hiện ra, màu và vải bỗng có linh hồn, những đường nét ước lệ bề ngoài giả dối, cái hình thể vẫn dùng để ăn, để uống, để nói những lời ngon ngọt hay cay độc rơi xuống. Sự thật của đám mây chính là cơn mưa”.
Từ đó, độc giả hiểu được rằng sự thật không nằm trong chính bản thân sự vật mà nằm trong thứ phái sinh từ nó. Vào những ngày nắng, ta không thể nào biết được sự thật của những đám mây vì chúng dường như quá xa vời khi ở trên cao, riêng một cõi trời, tách biệt hẳn với người quan sát bằng mắt trần ở dưới mặt đất, chỉ biết ngước nhìn lên mà ngưỡng vọng. Thế rồi, một cơn mưa đến và khoảng cách ấy bỗng chốc xóa mờ như một điều kì diệu; bởi lẽ, mưa chính là những giọt nước mắt từ mây – và do đó, mưa mang những sự thật đau buồn, tăm tối của mây. Con người cũng giống như thế. Trong những hoàn cảnh thuận lợi như một ngày nắng đẹp, ta sẽ khó lòng biết được tâm tư của người đối diện; và ngược lại, những ngày tăm tối thực chất lại là điều kiện lí tưởng để ta hiểu rõ hơn về một người. Đó cũng chính là cách Nguyễn Quang Thân đã dùng ngòi bút của mình để những nhân vật trong tập truyện ngắn này được cất lên tiếng nói từ nơi vực sâu tăm tối của linh hồn, từ những điều tưởng chừng chỉ là thứ phái sinh của sự thật – nhưng thực chất, lại chính là sự thật.
Nghệ thuật dẫn dắt và xây dựng tình tiết đặc sắc của Nguyễn Quang Thân
Người đàn bà đợi ở bến xe là một truyện ngắn gợi nhiều tò mò, cảm giác hiếu kỳ nơi người đọc ngay từ phần mở đầu. Trái ngược hẳn với tiêu đề – vốn có đàn bà hiện hữu – câu chuyện lại mở đầu bằng một tình huống không có/ không còn đàn bà: “Sau khi li dị, Toản quyết định không lấy vợ nữa.” Không mào đầu vòng vo, câu văn ngắn gọn này như một cú đấm trực diện vào bức tường hiện thực đông cứng những đau buồn, tẻ nhạt của nhân vật. Tuy vậy, Toản không muốn phá vỡ bức tường đó, anh lựa chọn cách trang hoàng lại cho dẫu quyết định đó có khiến anh trở nên túng thiếu:
“Anh không thổ lộ ý tưởng ấy với ai, gom tiền mua một căn hộ trong khu chung cư ‘hác lem’. Sắm sửa các thứ tối thiểu trong nhà xong, anh thành tay trắng. Nhưng Toản tự thấy được an ủi là từ nay trong nhà anh không có đàn bà.”
Dù là như thế, anh vẫn “mừng là căn hộ mới của anh không có đàn bà.” Nguyên nhân Toản trở nên ghét đàn bà như thế là vì những tổn thương trong cuộc hôn nhân với vợ cũ: sau những ngày đầu ngọt ngào ngắn ngủi là cả một quãng thời gian dài chị luôn khinh miệt anh vì việc anh làm chỉ có vài đồng lương còm cõi, chị dần lạnh nhạt khi quan hệ với anh; và đỉnh điểm sau cùng là chị ngoại tình, có con với người khác. Đó là quá khứ của Toản.
Nhưng câu chuyện Người đàn bà đợi ở bến xe chỉ thực sự bắt đầu khi nhân vật trong tiêu đề xuất hiện vào một ngày mưa, ôm một đứa con nhỏ ngồi co ro ở bến xe – lúc bấy giờ chỉ có Toản và người đàn bà đó đang đợi chuyến xe cuối. Trong phân đoạn này, Nguyễn Quang Thân đã xây dựng được một tình huống oái oăm rất thú vị cho nhân vật: một người ghét cay ghét đắng đàn bà nay lại bị mắc kẹt với người đàn bà ôm con nhỏ khi trời lạnh mưa rơi ở bến xe. Cũng từ đây, một loạt những tình huống bất ngờ liên tiếp diễn ra khiến Toản buộc phải di chuyển khỏi bức tường mà anh đã cố gắng trang hoàng để có một góc nhìn khác về hiện thực.
Thông qua truyện ngắn Người đàn bà đợi ở bến xe, Nguyễn Quang Thân đã thể hiện bút pháp điêu luyện trong việc lựa chọn cách khởi đầu cũng như sự tài tình, khéo léo khi dẫn dắt câu chuyện một cách điềm đạm, mực thước mà vẫn khiến người đọc cảm thấy hấp dẫn, lôi cuốn.
Tiếng cười không khoan nhượng trước những thói hư, tật xấu của con người
Vũ điệu của cái bô có lẽ là truyện ngắn có tiêu đề gợi cảm giác khôi hài và tò mò nhất cho độc giả trong tập truyện Chân dung. Nhưng không chỉ dừng lại ở tiêu đề, cách mở đầu của truyện ngắn này cũng độc đáo không kém.
Bô là vật dụng biểu trưng cho việc tiếp nhận những thứ ắt phải xuất hiện sau một quãng thời gian cố định từ lúc con người thực hiện hành vi ăn uống. Nhưng truyện ngắn này lại mở đầu theo cách vừa chua xót vừa khôi hài khi miếng ăn – vốn là tiền đề của bô – lại có nguy cơ bị tước khỏi hoặc phải giảm thiểu đáng kể trong đời sống của Hảo – nhân vật chính trong Vũ điệu của cái bô.
Hảo là một phó tiến sĩ nhưng anh vừa bị mất việc do nhà máy đóng giày phá sản và có nguy cơ không thể tìm việc làm mới trong vòng một năm. Điều đầu tiên anh nghĩ đến khi phải đối mặt với chuyện này là việc ăn uống, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng:
“Vậy mà cũng phải ăn, phải gửi tiền cho con gái lên Hà Nội học thêm, phải nuôi cái xe đạp tàng, hễ mó đến là ăn vạ tiền nghìn. Rồi chén cà phê đen buổi sáng, quên nó một bữa là Hảo thấy mình đang mọc đuôi ra.”
Bạn đồng cảnh tương lân với Hảo là Tứ – người họa sĩ sống ở tầng dưới. Tứ cũng bị cái đói vây khốn: “Tứ thường không biết ngày mai mình ăn gì, ăn ở đâu. Tứ nói: ‘Đói là con hổ, đừng nhìn nó, nhìn là nó về ngay’.”
Tuy nhiên, chính Tứ là người đã mở ra cho Hảo cơ hội công việc mới: chăm trẻ ba tuổi với mức lương khá cao, vừa chăm vừa dạy tiếng Anh.
Khi Hảo đến gặp chị chủ nhà, Nguyễn Quang Thân đã có một câu văn miêu tả cực kì xuất sắc khi ông trình hiện trước mắt người đọc bức chân dung sống động về cả vẻ ngoài lẫn đời sống tinh thần của chị chủ nhà chỉ trong vài chữ ngắn gọn: “Chị đẹp, sang trọng và thừa thãi áo quần, mỡ phần, không gian và thời gian.”
Và đúng như cảm giác hài hước mà tên truyện đã gợi ra, Vũ điệu của cái bô là một khúc nhạc trào lộng với những từ ngữ sắc bén, được đặt đúng nơi đúng lúc tạo ra nhiều câu chốt hạ gãi đúng chỗ ngứa khiến người đọc bật cười giòn giã. Với truyện ngắn đóng vai trò kết thúc tập truyện Chân dung, Nguyễn Quang Thân đã cho người đọc có cơ hội chiêm ngưỡng một khía cạnh khác trong văn chương của ông: ẩn sâu dưới sự hài hước, ý nhị là một con người có tinh thần trách nhiệm với xã hội, luôn quyết liệt phơi bày và phê phán những thói đời xấu xa, mục ruỗng.