Sức khỏe

Bệnh viện FV nói gì khi bị tố ‘tắc trách’ với thai phụ?

Bệnh viện FV đã có phản hồi chính thức về khiếu nại việc sai sót chuyên môn và vi phạm quy định khám chữa bệnh đối với sản phụ H.A.H (quận 7, TP.HCM).

Thông tin sản phụ H.A.H (SN 1990, tạm trú tại phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh) mang thai ở tuần thứ 39, chị H. được gia đình đưa đến Bệnh viện FV (số 6, Nguyễn Lương Bằng, quận 7) để đặt thuốc giục sinh theo ngả âm đạo. Đến 19 giờ tối, bác sĩ sản khoa đặt thuốc và yêu cầu chị H. nằm chờ theo dõi. Và đến 21 giờ tối cùng ngày, chị H. được bác sĩ cho về phòng nghỉ ngơi, chờ sinh. Trong khoảng thời gian này, chị H. thấy đau, cơ thể run rẩy, và bị máu chảy không ngớt. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra nữ hộ sinh kết luận chỉ H. bị đau đẻ như những sản phụ khác.

Đến 1 giờ sáng ngày 15/5/2021, bác sĩ Võ Triều Đạt thăm khám thấy tình hình nguy cấp vì tim thai giảm, họ đã đưa tôi đi mổ cấp cứu bắt con” – chị H. kể lại.

Hai ngày sau đó chị H. bất tỉnh và được điều trị tại phòng ICU của Bệnh viện FV. Khi tỉnh lại, chị H. được thông báo đã sinh con, nhưng vì băng huyết sau sinh nên phải truyền 4,5 lít máu. Đến ngày 24/5, trước khi xuất viện, một bác sĩ đến khám và khẳng định chị H. bị đau là do bị viêm đài bể thận. Đồng thời, đề nghị chị ở lại bệnh viện thêm 15 ngày để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, khi chị yêu cầu đại diện bệnh viện giải đáp khiếu nại về việc chị bị băng huyết và bị viêm đài bể thận sau sinh thì lại không được hồi đáp.

Phải đến ngày 17/6/2021, sau nhiều lần khiếu nại, Bệnh viện FV phúc đáp chị H. rằng bệnh viện không có sai sót trong các dịch vụ cung cấp.

Đến ngày 31/12/2021, khi con trai chị H. được 7 tháng tuổi, một tai nạn bất ngờ khiến bé bị bỏng ở bàn tay tay. Vì nhà rất gần Bệnh viện FV, gia đình chị H. quyết định đưa con đến Phòng cấp cứu của bệnh viện này để điều trị bỏng. Tuy nhiên, sau điều trị, chị H. tố bác sĩ của Bệnh viện FV đã kê sai đơn thuốc dẫn đến vết bỏng của con trai chị trở nặng, phá hủy bàn tay trái của bé.

Liên quan đến những phản ánh của chị H., ngày 10/3, Bệnh viện FV đã chính thức có Thông cáo báo chí về vụ việc. “Hội đồng chuyên môn kết luận bệnh viện FV không có sai sót chuyên môn; không vi phạm quy định khám chữa bệnh” – Phía bệnh viện FV đưa ra khẳng định trong thông cáo báo chí vừa được công bố.

Trong thông cáo báo chí, bệnh viện FV cho biết, ngày 10.3.2022, FV đã tổ chức cuộc họp Hội đồng chuyên môn với sự tham dự của chuyên gia độc lập về sản khoa tại TP.HCM nhằm đưa ra những kết luận chính xác và khách quan về vụ việc trên, để giải quyết khiếu nại của bà H., đồng thời báo cáo cho Sở Y tế TP.HCM cũng như cung cấp thông tin kịp thời cho quý báo đài tường tận sự việc và đưa tin đa chiều, trung thực.

Sau khi xem xét chi tiết toàn diện quy trình khám chữa bệnh và chăm sóc sản phụ H.A.H, chất vấn các bác sĩ liên quan…, Hội đồng chuyên môn kết luận như sau:

– Bệnh viện FV và bác sĩ Võ Triệu Đạt không có vi phạm quy định khám chữa bệnh, không có sai sót chuyên môn.

– Chỉ định khởi phát chuyển dạ theo yêu cầu bệnh nhân ở sau tuần 39 là phù hợp đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19.

– Bác sĩ Võ Triệu Đạt đã chỉ định mổ lấy thai kịp thời.

– Bệnh viện FV đã chẩn đoán kịp thời băng huyết sau sinh và xử trí phù hợp để cứu chữa cho bệnh nhân. Đây là một biến chứng có thể xảy ra ở bất cứ ca sinh nở nào và cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu ngay cả ở các nước phát triển.

– Bác sĩ Võ Triệu Đạt đã theo dõi hậu sản cho bệnh nhân hơn 2 tháng sau sinh (6 tuần hậu sản) và bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục.

Theo đó, Bệnh viện FV cho biết, quá trình sinh con của chị H. tại Bệnh viện FV từ ngày 14/5/2021 đến ngày 25/5/2021. Cụ thể, chị H. đã theo dõi toàn bộ quá trình thai kỳ với bác sĩ Võ Triệu Đạt của FV. Tuy nhiên, vào lúc chị H. nhập viện để sinh thì bác sĩ Đạt đang thực hiện một ca sinh khác. Bác sĩ Nam là bác sĩ trực Khoa Sản lúc đó đã cùng nữ hộ sinh thăm khám và chăm sóc cho chị H. Sau đó nữ hộ sinh tiếp tục theo dõi sát sao quá trình chuyển dạ của bà H. theo đúng quy trình, đồng thời liên tục cập nhật diễn tiến cho bác sĩ Đạt trong phòng sinh. Việc có cơn gò tử cung đau và vỡ ối là hiện tượng thông thường sau khi đặt thuốc giục sinh và theo quy trình, nữ hộ sinh sẽ theo dõi cho đến khi cổ tử cung mở 3-4cm thì đưa vào phòng sinh để theo dõi tiếp và báo bác sĩ.

Trong trường hợp của chị H., nữ hộ sinh theo dõi thấy có dấu hiệu suy thai trên biểu đồ ghi tim thai và cơn gò (CTG), cổ tử cung mới mở 2cm, nên đã báo bác sĩ Đạt và bác sĩ Đạt cho chỉ định mổ lấy thai khẩn cấp cho chị H. Quá trình mổ lấy thai đã diễn ra tốt đẹp và em bé chào đời trong tình trạng khỏe mạnh” – Thông cáo báo chí của FV nêu rõ.

Cũng theo Bệnh viện FV, việc băng huyết sau sinh do cổ tử cung bị đờ là một biến chứng sản khoa có thể xảy ra sau sinh do tử cung không thể co hồi sau khi em bé ra đời, và gây băng huyết. Trường hợp của chị H. cũng vậy. Bác sĩ phải thực hiện thủ thuật thắt động mạch và truyền một lượng máu lớn cho chị H. và cứu sống tính mạng của chị, giữ được tử cung để bảo toàn khả năng sinh đẻ sau này cho bệnh nhân.

Về phản ánh trường hợp điều trị bỏng bàn tay trái cho con trai của chị H., theo FV, bác sĩ Diệu, bác sĩ trực Khoa Nhi là người đã thăm khám vết bỏng của bé, vết bỏng không có dấu hiệu nghiêm trọng và bác sĩ đã phân loại vết bỏng thuộc độ 1 với một số chỗ ở độ 2. Kế hoạch chăm sóc cho bé như sau: Làm sạch vết bỏng bằng dung dịch Natrichloride isotonic 0.9%; Băng bó riêng từng ngón tay với gạc và bôi kem Silvirin 1% (Silver sulfadiazine); Thuốc Paracetamol điều trị giảm đau; Thuốc Alphachymotrypsine.

Tuy nhiên dường như ai đó đã nói với gia đình chị H. rằng thuốc Alphachymotrypsine có thể gây loét dạ dày cho trẻ em và gia đình cho rằng đây là nguyên nhân gây ra tình trạng nôn ói kéo dài của bé cho nên chị H. đã đến bệnh viện để than phiền, cho rằng bác sĩ Diệu chỉ định sai thuốc điều trị bỏng” – Bệnh viện FV nói thêm.

Liên quan đến việc chị H “tố” bác sĩ khám bằng mắt để đưa ra chẩn đoán bà bị viêm đài bể thận? Phía Bệnh viện FV cho hay, trong quá trình thăm khám, quả thực bác sĩ Bình lo ngại chị H có thể bị viêm đài bể thận cấp nên có đề nghị bà tiếp tục nằm viện để điều trị thêm một đợt kháng sinh trong 14 ngày. Việc bác sĩ Bình lo ngại xuất phát từ tiền sử chị H đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu tương tự với vi khuẩn đa kháng vào khoảng 4 tháng trước đó và đã phải dùng ống thông tiểu khi nằm trong phòng Chăm sóc đặc biệt chuyên sâu (ICU) trong đợt nhập viện này. Tuy nhiên, chị H đã từ chối kế hoạch điều trị này và xuất viện vào ngày hôm sau.

“Bác sĩ Bình có thể đã lo ngại quá mức nhưng chúng tôi tin tưởng rằng bác sĩ hoàn toàn trung thực trong việc đề nghị kế hoạch điều trị chăm sóc cho chị H” – phía Bệnh viện FV lý giải.

Liên quan đến việc điều trị cho con chị H, Bệnh viện FV cho biết, rất lấy làm tiếc vì gia đình đã cảm thấy việc điều trị cho bé là không phù hợp. Tuy nhiên trên thực tế việc điều trị đã được thực hiện đúng và hoàn toàn không có thiết sót.

Chúng tôi khẳng định rằng không có sai sót chuyên môn trong cả quá trình sinh con của bà Hậu cũng như quá trình điều trị bỏng cho con trai của bà tại Bệnh viện” – phía FV thông tin.

Xem chi tiết thông cáo báo chí của bệnh viện FV tại đây

AC