Giải trí TVshow

NSƯT Kim Phương cảm ơn Võ Ngọc Tân nói thay nỗi lòng người nghệ sĩ ‘về chiều’

Tập 9 chương trình Tinh hoa hội tụ chủ đề Dưới ánh đèn màu vừa khép lại với ba tiết mục đầy xúc động và sâu lắng đến từ nghệ sĩ Thy Nhung, diễn viên Võ Ngọc Tân và ca sĩ Lê Thu Uyên.

Mở màn đêm thi đầu tiên chủ đề Dưới ánh đèn màu là nhạc cảnh Cung tơ hòa điệu do nghệ sĩ Thy Nhung thể hiện. Trong tiết mục này, nữ nghệ sĩ hóa thân thành một cô đào hát đa tài, đảm nhiệm được nhiều vai diễn kinh điển khó nhằn. Qua đây, nghệ sĩ Thy Nhung thể hiện lòng tri ân sân khấu và tình yêu nghệ thuật mãnh liệt như câu nói “Đã mang lấy cái thân tằm, Không vương tơ nữa cũng nằm trong tơ”. Dù cho nghệ sĩ khỏe mạnh hay đau ốm, dù vui hay buồn thì vẫn gác lại tất cả để bước lên sân khấu cống hiến cho nghệ thuật cũng như phục vụ khán giả.

Nhạc cảnh Cung tơ hòa điệu do nghệ sĩ Thy Nhung thể hiện.

Trước chất giọng đầy ngọt ngào và nội lực của nghệ sĩ Thy Nhung, nhạc sĩ Hoài An nhận xét: “Thật sự anh bị cuốn hút vào trong tiết mục, giống như được kéo về thời xưa. Điểm hay mà anh nhận thấy đó là em đã tận dụng sân khấu để thay đổi phục trang và chuyển vai trò từ người kể chuyện đến người nghệ sĩ và là nhân vật trong đó. Anh rất thích cách em đem những vai diễn như vậy lên sân khấu và lồng trong một tiết mục. Thật sự anh bị cuốn hút vào vở diễn. Chúc mừng em”.

Riêng NSND Hồng Vân khuyên nghệ sĩ Thy Nhung thay vì ca vọng cổ thì chỉ cần hát bài ca tri ân tổ nghề sân khấu thì đã đủ thuyết phục và làm bật lên được sự đa tài của nữ nghệ sĩ. Giám khảo Hồng Vân nhận xét: “Ý của Thy Nhung là muốn cảm ơn ánh đèn sân khấu rọi sáng cho các diễn viên được tỏa sáng. Nhân vật của Thy Nhung là một cô đào đa năng, nay diễn vai nay, mai diễn vai khác. Nếu Thy Nhung đừng xuống vọng cổ mà tách ra thành bài ca nhạc tri ân tổ nghề sân khấu thì sẽ thấy rõ sự đa tài hơn. Cô Vân chỉ hơi tiếc chút xíu chỗ đó”.

Nếu như Thy Nhung mang đến nhạc cảnh về những nghệ sĩ miệt mài cống hiến cho nghệ thuật thì Võ Ngọc Tân tái hiện câu chuyện đằng sau những ánh đèn màu qua vở kịch Tạ từ. Trong vở kịch này, diễn viên Võ Ngọc Tân hóa thân thành ông Sáu, một người nhắc tuồng lâu năm trong một rạp hát cũ.

Võ Ngọc Tân tái hiện câu chuyện đằng sau những ánh đèn màu qua vở kịch Tạ từ.

Trước khi rạp hát bị tháo dỡ một ngày, ông Sáu nhắc tuồng rủ bà Hai phục trang (Hồng Trang trợ diễn) về lại rạp hát xưa để nhặt nhạnh những món đồ kỷ niệm quý giá. Tại đây, cả hai gặp lại Vĩnh Thành (Phúc Bằng trợ diễn) là cháu nội của kép hát Ba Mạnh lẫy lừng ngày trước và cùng ôn lại những câu chuyện cũ, từ lúc mới vào nghề ôm bao khát khao hoài bão cho đến thời điểm hiện tại.

Tiếc thay, tình yêu nghệ thuật của ông Sáu và bà Hai vẫn còn đó những rạp hát lại không còn vì sắp bị phá bỏ. Đáng chú ý, tình tiết vở kịch ngày càng đẩy lên cao trào khi ông Sáu và bà Hai biết được người yêu cầu phá bỏ rạp hát đó không ai khác chính là Vĩnh Thành. Hóa ra, Vĩnh Thành chỉ muốn xây lại rạp hát mới nên mới dỡ bỏ rạp hát cũ. Như vậy sau cùng những nỗ lực và tình yêu sân khấu của ông Sáu và bài Hai cũng được thế hệ trẻ tiếp nối và lưu truyền.

Trước vở kịch đầy xúc động về những người hậu đài của Võ Ngọc Tân, NSƯT Kim Phương gửi lời cảm ơn đến nam diễn viên vì đã nói lên nỗi lòng của những người nghệ sĩ về chiều. Giám khảo Kim Phương bày tỏ: “Những người nghệ sĩ về chiều như rạp hát vậy đó, tới một lúc nào đó thì người ta sẽ đập bỏ nhưng lớp trẻ hôm nay nhìn nhận được tinh túy của nghệ thuật, vốn liếng của dân tộc để dựng nên lại nhà hát. Đó là niềm khao khát của những người nghệ sĩ và của những người đồ hội, nhắc tuồng. Con đã nói lên được điều đó, rất cảm ơn con. Tính nhân văn rất cao, bởi vì đó là nỗi khao khát của những người đang đứng trước ánh đèn sân khấu”.

Đối với giám khảo Hoài An, nam nhạc sĩ tiết lộ nhân vật nhắc tuồng và phục trang là hai người làm anh cuốn hút từ đầu đến cuối vở kịch. Đặc biệt, nam giám khảo xúc động nhất là khi bảo vệ (Trọng Phúc trợ diễn) bảo rằng những món đồ còn lại của sân khấu chỉ là rác. Trong khi những món đồ ấy lại là gia tài, là kỷ niệm rất quý giá và thiêng liêng đối với ông Sáu nhắc tuồng lẫn bà Hai phục trang. Do đó, giám khảo Hoài An khẳng định đây là một tiết mục tuyệt vời với nam nhạc sĩ.

Tiết mục cuối cùng trong đêm tranh tài đầu tiên – chủ đề Dưới ánh đèn màu là ca khúc Mẹ ơi do ca sĩ Lê Thu Uyên thể hiện. Trong tập trước, nữ ca sĩ kể câu chuyện đời mình khi còn là một cô sinh viên nghèo khó, vì công việc mà bỏ lỡ cuộc hẹn cuối cùng với người cha đã khuất.

Ca khúc Mẹ ơi do ca sĩ Lê Thu Uyên thể hiện.

Đến tập này, Lê Thu Uyên tiếp tục kể về câu chuyện sau khi mất cha của bản thân. Cụ thể, Lê Thu Uyên giờ đây đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng và chỉ còn mẹ bên cạnh. Thế nhưng số phận cuộc đời vẫn tiếp tục thử thách nữ ca sĩ một lần nữa khi mẹ cô mắc căn bệnh hiểm nghèo. Ca sĩ Lê Thu Uyên tâm sự: “Đây là một câu chuyện có thật và mẹ em may mắn đã vượt qua căn bệnh hiểm nghèo”.

Lắng nghe câu chuyện của Lê Thu Uyên, NSƯT Kim Phương không khỏi xúc động. Nữ giám khảo nhận xét: “Bài hát có minh họa, kịch tính như thế rất tốt. Ca sĩ hóa thân vào lời bài hát, cốt chuyện rất xúc động. Xin chúc mừng em, một tiết mục rất dễ thương và cảm động”.

Riêng nhạc sĩ Hoài An bày tỏ sự lo lắng khi xem Lê Thu Uyên trình diễn bởi nam giám khảo sợ cô sẽ bị cuốn vào cảm xúc của bài hát. Đây vừa là điểm thuận lợi nhưng cũng là bất lợi đối với một ca sĩ. Bởi những tiếng nấc vì cảm xúc sẽ chạm đến trái tim của khán giả nhưng nếu ca sĩ bị cảm xúc kéo đi xa thì sẽ gây tác dụng ngược.

Bên cạnh đó, nhạc sĩ Hoài An cũng góp ý Lê Thu Uyên nên chọn tone bài hát phù hợp. Nếu chọn tone có quãng rộng thì cần phải rèn luyện thêm hoặc hạ xuống một tone để phù hợp với chất giọng. Vì với tone bài này, các nốt cao của Lê Thu Uyên còn phần bị chới với.

Tập 10 Tinh hoa hội tụ 2024 phát sóng lúc 21h thứ Tư ngày 6/11 trên kênh THVL1.