Để tạo nên những bộ trang phục bắt mắt trong các vở diễn tại sân khấu kịch Idecaf, nhà thiết kế Ngọc Tuấn không chỉ sáng tạo hình ảnh mà còn tìm tòi những nét văn hóa đặc trưng của từng quốc gia để định hình phong cách trang phục. Ngoài ra, anh còn phải quan sát, tìm kiếm những chất liệu phù hợp để tạo nên những trang phục cầu kỳ, hoành tráng.
Đằng sau những bộ trang phục lộng lẫy và độc đáo trong các vở kịch ở sân khấu Idecaf, đặc biệt là trong chương trình Ngày xửa ngày xưa, đều do bàn tay tài hoa của nhà thiết kế phục trang Ngọc Tuấn “phù phép”.
Trong chương trình “Kính đa chiều”, nhà thiết kế phục trang Ngọc Tuấn tiết lộ bản thân đến với công việc này một cách tình cờ. Anh xuất thân là một nghệ sĩ – biên đạo múa và cũng là đạo diễn sân khấu. Nhờ kinh nghiệm từ những công việc này đã giúp anh rất nhiều trong việc hiểu rõ sự uyển chuyển của diễn viên, từ đó tạo ra những bộ trang phục vừa đẹp mắt vừa thoải mái cho người mặc.
Đồng thời, nam khách mời “Kính đa chiều” không quên gửi lời cảm ơn đến đạo diễn Đoàn Khoa vì đã truyền cảm hứng và chìa khóa để mở ra cánh cửa đến với công việc thiết kế phục trang. Trong đó, nam đạo diễn giúp anh nhận ra tầm quan trọng của điểm nhấn để làm tổng thể trang phục nổi bật và thu hút hơn.
Nhân vật “truyền lửa” thứ hai cho nhà thiết kế phục trang Ngọc Tuấn chính là NSƯT Thành Lộc. Nhắc đến NSƯT Thành Lộc, nhà thiết kế Ngọc Tuấn bày tỏ sự may mắn khi được làm việc cùng nam nghệ sĩ trong loạt vở diễn nổi tiếng như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử ,… và gần nhất là vở nhạc kịch Tiên Nga.
Để tạo nên những bộ trang phục bắt mắt trong các vở diễn tại sân khấu kịch Idecaf, nhà thiết kế Ngọc Tuấn không chỉ sáng tạo hình ảnh mà còn tìm tòi những nét văn hóa đặc trưng của từng quốc gia để định hình phong cách trang phục.
Khác với người mẫu mặc trang phục biểu diễn trên sàn catwalk chỉ trong vài phút, diễn viên sân khấu kịch phải khoác lên mình trang phục biểu diễn suốt nhiều giờ đồng hồ. Do đó, trang phục sân khấu kịch đòi hỏi sự thoải mái và thuận tiện để diễn viên có thể hoàn toàn nhập vai.
Theo khách mời “Kính đa chiều”, hiện nay tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, vẫn chưa có trường đào tạo chính thức cho ngành nghề thiết kế phục trang sân khấu. Thay vào đó, chỉ có những ngành thiết kế thời trang công nghiệp, còn thiết kế phục trang sân khấu phần lớn là truyền nghề và tự học từ các kinh nghiệm thực tế. Nhà thiết kế phục trang Ngọc Tuấn bộc bạch: “Thiết kế thời trang sân khấu thì gần như là nghề dạy nghề và truyền nghề cho nhau từ cảm hứng. Thật sự không trường lớp nào cho mình kiến thức”.
Để tiếp thêm cảm hứng trong việc thiết kế phục trang sân khấu, nhà thiết kế Ngọc Tuấn thường dành thời gian đi xem các đoàn khác biểu diễn. Thậm chí, anh còn sang nước ngoài để học hỏi. Tuy nhiên vì lĩnh vực thiết kế phục trang sân khấu trong nước còn hạn chế về chất liệu nên anh phải luôn quan sát mọi thứ xung quanh để có thể tận dụng làm thành trang phục.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình thiết kế phục trang sân khấu của Ngọc Tuấn là khi tạo hình chú tôm cho NSƯT Thành Lộc trong vở Nàng tiên cá. Khi ấy, nhà thiết kế phục trang Ngọc Tuấn trăn trở chuyện tìm vật liệu để tạo hình chú tôm khổng lồ. Cuối cùng anh đã sáng tạo ra trang phục từ mút xốp dùng trong máy lạnh. Sau khi hoàn thành trang phục, đến cả NSƯT Thành Lộc phải tấm tắc khen ngợi vì sự hoành tráng và bắt mắt.
Cứ ngỡ mọi chuyện đã đâu vào đấy nhưng không ngờ bộ trang phục lại là một cơn ác mộng đối với NSƯT Thành Lộc và nhà thiết kế Ngọc Tuấn. Nhà thiết kế trang phục kể lại: “Suất diễn đầu tiên đúng là thảm họa vì chất liệu cách nhiệt nên anh Thành Lộc không thể thoát mồ hôi. Khi cởi trang phục ra thì anh Thành Lộc ướt đẫm cả người. Đó là một tai nạn nghề nghiệp của tôi trong thời điểm đó. Vì vậy sau này tôi cố gắng ra ngoài thị trường tìm kiếm chất liệu nhẹ nhàng hơn để diễn viên có thể thoải mái hơn và quan trọng phải thoát hơi được”.
NSƯT Thành Lộc ướt đẫm mồ hôi vì bộ trang phục thảm họa.
Theo nhà thiết kế phục trang Ngọc Tuấn, nghề thiết kế phục trang sân khấu cần có một môi trường để hoạt động và phát triển. Anh may mắn khi hiện nay được làm việc trong đơn vị nghệ thuật, góp phần sản xuất chương trình dành cho trẻ em lớn nhất Việt Nam.
Chương trình Ngày xửa ngày xưa đến nay kéo dài hơn 20 năm, cũng là chừng ấy thời gian Ngọc Tuấn theo nghề thiết kế trang phục cho nhân vật trong vở diễn. Cả chừng ấy năm, Ngọc Tuấn đi qua bao nhiêu quốc gia Đông Nam Á, trải nghiệm mọi điều để tạo nên trang phục mang đậm nét đặc trưng của từng đất nước, nhằm định hình và truyền tải văn hóa đến các khán giả nhí trong từng vở kịch. Vì phục trang cho chương trình Ngày xửa ngày xưa không chỉ bắt mắt mà còn phải phù hợp với thị hiếu và thẩm mỹ của các bé.
Nhà thiết kế phục trang sân khấu Ngọc Tuấn cho biết: “Tiêu chí làm cho chương trình Ngày xửa ngày xưa mang màu sắc cho trẻ con, hướng cho các bé cái nhìn thẩm mỹ về phong cách của từng quốc gia. Vì nếu làm không khéo thì sẽ định hình sai hướng, các cháu sẽ có cái nhìn lệch lạc”.
Do đó, mỗi khi bắt tay thực hiện vở kịch mang màu sắc nước ngoài thì nhà thiết kế Ngọc Tuấn luôn tìm hiểu sâu sắc về văn hóa của quốc gia ấy. Chẳng hạn khi thiết kế trang phục cho vở kịch Huyền thoại nữ thần Lee Kim Chi thì Ngọc Tuấn liên hệ với đại sứ quán Hàn Quốc để xem những tư liệu cần thiết phục vụ cho công việc của anh.
Hay trong vở kịch mang màu sắc phương Tây – Ba người lính ngự lâm, Ngọc Tuấn còn trực tiếp làm việc cùng nhà thiết kế của nhà hát ở Paris (Pháp) khi đoàn nhà hát này sang Việt Nam hỗ trợ. Từ đó, nhà thiết kế phục trang Ngọc Tuấn học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu trong nghề.
Nhà thiết kế phục trang Ngọc Tuấn khẳng định công việc mà bản thân đang theo đuổi vô cùng thú vị vì được thỏa sức sáng tạo và chứng kiến sự hào hứng, mong chờ các diễn viên được khoác lên mình trang phục do anh chuẩn bị. Cũng chính nhờ những góp ý phản hồi từ các diễn viên giúp bộ trang phục của anh ngày càng hoàn hảo hơn.
“Kính đa chiều” – chủ đề tiếp theo Mạo danh trên không gian mạng của host Lê Hoàng và Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 7/6 trên kênh VTV9.