Giải trí Phim ảnh

‘Nàng thơ’ Ngọc Xuân tái xuất trong phim ngắn ‘Niên hoa’

Tối 18/4, dự án phim ngắn nghệ thuật ‘Niên hoa’ chính thức được ra mắt. 

Giữa nhịp sống hiện đại tất bật, “Niên hoa” như một làn gió nhẹ đưa người xem trở về với vẻ đẹp bình dị mà sâu lắng của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long những năm đầu thế kỉ 20. Đây không chỉ là một dự án phim ngắn nghệ thuật, mà còn là tâm huyết của những người con yêu mến văn hóa Việt Nam nói chung, yêu mến văn hóa Nam Bộ nói riêng, mong muốn lưu giữ và lan tỏa những giá trị truyền thống quý báu thông qua những nét đẹp bình dị, tưởng như quen thuộc mà cũng vô cùng mới la trong cách tiếp cận và khai thác

Phim ngắn đậm chất thơ, “Niên hoa” mang đến bầu không khí đầy dịu dàng của miền Nam

“Niên hoa” là lát cắt trong cuộc sống của những con người trong căn nhà xây theo lối cũ xinh đẹp, nằm giữa rừng dừa xanh mướt của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. 

Bộ phim lấy cảm hứng và phái sinh từ trang phục và kiến trúc độc đáo của người dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long trong thuở giao thời: mưa Á – gió Âu đầy biến động. Thời kỳ này chứng kiến sự giao thoa văn hóa phong phú, khi những yếu tố truyền thống Việt Nam hòa quyện với ảnh hưởng phương Tây, vừa có sự tiếp nối, dung hợp, lại vừa có những xung đột,… tất cả tạo nên một bản sắc văn hóa đặc trưng rất riêng biệt cho vùng đất phương Nam.

Những rung cảm trước vẻ đẹp đó được đặt để trong những lát cắt về cuộc sống bình dị của những nhân vật chính, qua đó thêm yêu, thêm cảm được vẻ đẹp của vùng đất Phương Nam. Phim ngắn đã khéo léo lồng ghép những sinh hoạt đời thường, những khoảnh khắc đẹp đẽ của con người miền Tây sông nước, phần âm nhạc “chạm” vào từng khung hình, tạo nên một bức tranh sống động về văn hóa Nam Bộ.

Một trong những yếu tố làm nên thành công của “Niên hoa” chính là bối cảnh quay phim đặc biệt. Ekip sản xuất đã may mắn tìm được căn nhà hết sức phù hợp – Phủ thờ họ Trần tại Thị Trấn Mỏ Cày, Bến Tre, và nhận được sự đồng ý nhiệt tình từ gia chủ là anh Trần Hữu Phú – “Họa sĩ xứ Dừa”. Căn nhà của anh Trần Hữu Phú cùng phim ngắn “Niên hoa”  đều có chung một tinh thần: Những thế hệ tiếp nối luôn tri ân những thế hệ đi trước theo cách của riêng mình.

Phủ thờ họ Trần không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp mắt mà còn là một địa danh được yêu mếntrong cộng đồng yêu văn hóa miền Nam nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung. Thông qua những nét đẹp được người gia chủ lưu giữ và tái hiện lại không gian của gia đình ngày trước – Phủ Thờ Họ Trần mang một không gian tuyệt đẹp. Từ những cột gỗ đen bóng, những bức hoành phi, câu đối cho đến những vật dụng sinh hoạt hàng ngày, tất cả đều mang đậm dấu ấn của một thời kỳ lịch sử.

Từng góc nhỏ trong phủ thờ đều trở thành những khung cảnh lý tưởng cho “Niên hoa”. Ánh sáng tự nhiên len lỏi qua những khe cửa gỗ, xuyên qua những tán lá dừa xanh mướt bên ngoài, tạo nên những dải sáng-tối đầy nghệ thuật. Không gian rộng lớn với sân trong, hành lang, và những căn phòng được bài trí theo phong cách truyền thống cũng mang đến nhiều góc quay đa dạng cho đoàn làm phim.

Ngọc Xuân tái xuất đầy chất thơ 

Vai nữ chính trong “Niên hoa” được giao cho nữ diễn viên trẻ tài năng Ngọc Xuân. Sinh năm 1999, gốc Tiền Giang, Ngọc Xuân nổi tiếng với vai nữ chính Miền trong bộ phim điện ảnh “Ngày Xưa Có Một Chuyện Tình” – tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh.

Nét đẹp người phụ nữ Nam Bộ trong chiếc áo Bà Ba, Áo Dài, mái tóc đen bới sau đầutrở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng trong văn hóa Việt Nam. Và hình ảnh này được nàng thơ của Hoa Niên – nữ diễn viên trẻ Ngọc Xuân thể hiện không thể nào phù hợp hơn. Gương mặt thanh tú với đôi mắt to tròn đen láy, nụ cười hiền hậu và phong thái dịu dàng, đằm thắm của cô đã mang đến cho nhân vật chính một sức sống đặc biệt. Bên cạnh đó, lối bới tóc bánh lái độc đáo của thời trước cũng được tái hiện đầy ấn tượng, thể hiện sự chăm chút của ekip trong việc tạo hình nhân vật bám sát với cảm hứng lịch sử.

Ngọc Xuân không chỉ sở hữu vẻ đẹp ngoại hình mà còn có khả năng diễn xuất tinh tế. Cô đã thành công trong việc khắc họa hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ với đầy đủ nét đẹp truyền thống: mềm mại nhưng không kém phần mạnh mẽ, giản dị mà vẫn thanh lịch, hiền hòa nhưng luôn có chính kiến riêng. Qua từng ánh mắt, nụ cười và cử chỉ nhỏ, Ngọc Xuân đã làm sống dậy hình ảnh người phụ nữ miền Nam thuở xưa, khiến người xem không khỏi xao xuyến. 

Nam diễn viên Duy Luân cũng có phần thể hiện đầy ấn tượng trong thước phim ngắn nghệ thuật, với cái kết đầy gợi mở, khắc khoải, phảng phất chút nét liêu trai huyền bí. 

Bên cạnh trang phục truyền thống, “Niên hoa” còn khéo léo lồng ghép những yếu tố hiện đại, thể hiện sự giao thoa văn hóa trong thời kỳ giao thời. Đây không chỉ là cách để làm phong phú hơn hình ảnh của bộ phim, mà còn là thông điệp sâu sắc về sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, cũng như nói lên những tâm tình của những con người đứng trước “ngã ba đường” của buổi giao thời, giữa Đông và Tây, Cổ và Kim.

“Niên hoa” không chỉ đơn thuần là một bộ phim ngắn nghệ thuật, mà còn là lời nhắc nhở về việc trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, thông qua những hình ảnh đẹp mắt, những khung cảnh thơ mộng của miền Tây sông nước, “Niên hoa” mong muốn gửi gắm đến khán giả những nét đẹp đằm thắm, hết mực dịu dàng của vùng sông nước Đồng Bằng Sông Cửu Long đến với đông đảo khán giả trong và ngoài nước. 

“Niên hoa” không chỉ là một dự án phim ngắn nghệ thuật, mà còn là tâm huyết, là tình yêu của đội ngũ Hoa Niên – ROOFIM dành cho quê hương miền Nam. Qua từng khung hình, từng âm thanh, từng cử chỉ nhỏ của nhân vật, “Niên hoa” đã vẽ nên một bức tranh đẹp đẽ về vùng đất Phương Nam, khiến người xem không khỏi xao xuyến, thổn thức và tự hào.