Tuần này, chương trình ‘Lời cảnh báo’ tiếp tục cập nhật những vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây như lợi dụng tìm người thất lạc, mất tích qua mạng xã hội để lừa tiền và du lịch độc hành liệu có an toàn?
Lợi dụng tìm người thất lạc, mất tích qua mạng xã hội để lừa tiền
Một người phụ nữ đã thất lạc người quen nhiều ngày, sau quá trình tìm kiếm gần như không có tung tích, chị quyết định đăng bài lên mạng xã hội hình ảnh và đặc điểm của người thân. Sau nhiều ngày chờ đợi, gia đình chị lại trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội. “Họ chủ động liên lạc và yêu cầu tôi chuyển vào tài khoản của một người đàn ông 7 triệu đồng, hứa rằng chỉ cần vài ngày sau sẽ đưa người nhà của tôi trở về. Lúc đầu tôi băn khoăn, nhưng sau khi họ miêu tả chính xác đặc điểm của người thân của tôi và cả hoàn cảnh gia đình tôi, nên tôi liền chuyển tiền. Đến ngày hẹn thì tôi không thể liên lạc được với họ, lúc này mới biết mình đã bị lừa”, nạn nhân kể lại.
Đánh vào tâm lý lo lắng của các gia đình có người thân thất lạc, mất tích, nhiều đối tượng đã tìm cách liên lạc với những gia đình này, khai thác những thông tin mà người nhà đăng tải công khai lên mạng xã hội, biến họ trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo.
Theo Luật sư Phạm Thị Thanh Thúy (Giám đốc Cty Danh Trí Phát) cho biết, hành vi trên có thể căn cứ theo quy định pháp luật để xử phạt vi phạm hành chính từ 2 – 3 triệu đồng và tịch thu các tang vật phạm tội. Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến chung thân, tùy theo số tiền chiếm đoạt.
Việc chia sẻ thông tin để tìm kiếm thân nhân mất tích thông qua mạng xã hội là một cách làm hiệu quả, nhưng để thực hiện chúng một cách an toàn, hiệu quả, người dân cần hết sức cẩn trọng và đề phòng những kẻ xấu có thể giăng bẫy bất cứ lúc nào.
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu (Chuyên gia Tâm lý tội phạm) cho lời khuyên: “Chúng ta chỉ nên đăng những thông tin cốt lõi nhất, có thể cung cấp thông tin rõ ràng nhưng cần hạn chế công khai toàn bộ thông tin cá nhân. Khi nhận được những cuộc gọi như trên và đặc biệt là các giao dịch chuyển tiền, cần phải xác minh, đối chiếu thật kỹ”.
Du lịch độc hành liệu có an toàn?
Mệt mỏi sau khi giải quyết khối lượng công việc dày đặc, chị Hoàng Hằng đang là nhân viên văn phòng tại TP.HCM, đã lựa chọn mô hình du lịch độc hành, chuyến đi không có lịch trình cụ thể, chỉ dành toàn bộ thời gian cho những sở thích bất chợt của bản thân để lựa chọn điểm đến cho mình.
Hiện nay, du lịch độc hành không còn là điều quá mới mẻ, khi các điều kiện đi lại đều rất thuận lợi để mỗi người dân có thể đi du lịch bất cứ lúc nào, người chọn mô hình này có thể chủ động về thời gian lẫn lịch trình do chính bản thân mình kiểm soát.
Ths Đỗ Hồng Quân (Trường ĐH mở TP.HCM) cho biết, du lịch độc hành mang lại những trải nghiệm vô cùng mới mẻ, những thuận lợi có thể kể đến như tiết kiệm chi phí, dễ dàng giao lưu với các nền văn hóa và mối quan hệ mới, điều này tạo ra sự cuốn hút, thích thú đối với nhóm người thích mô hình này, đặc biệt là các bạn trẻ.
Tồn tại song song với những thuận tiện của du lịch độc hành, vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro. Mới đây, anh B.L.X.H khi đi du lịch một mình không may trượt ngã trên đèo Hải Vân. Thời điểm gặp nạn, anh H đã nhanh chóng gửi định vị về cho gia đình để cầu cứu. Sau khi nhận được cứu hộ từ Bộ chỉ huy – Bộ đội biên phòng TP. Đà Nẵng, anh đã được giải cứu thành công sau 7 ngày đêm bị mắc kẹt dưới vực sâu.
Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân khuyên mọi người trước khi tham gia hoạt động du lịch độc hành cần trang bị đủ kiến thức về văn hóa, địa lý, khí hậu nơi mà chúng ta sắp đặt chân đến. Thường xuyên chia sẻ, cập nhật thông tin lộ trình di chuyến đến người thân và bạn bè, tự chuẩn bị những trang thiết bị bảo hộ phù hợp với địa điểm mà chúng ta chọn trước, cuối cùng, có thể mua những gói bảo hiểm để có những bảo trợ tốt nhất phòng trường hợp rủi ro xảy ra.
Lời cảnh báo được phát sóng vào lúc 19h50 thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.