Ở đỉnh cao sự nghiệp, Frances Farmer trượt dốc vì nghiện rượu, rối loạn lưỡng cực, phải điều trị trong viện tâm thần.
Thập niên 1930, Frances Farmer là một trong những người đẹp được săn đón, xuất hiện trong 15 bộ phim như Son of Fury: The Story of Benjamin Blake, South of Pago Pago, Come and Get It, Exclusive. Nhiều tờ báo nói bà là thiên thần nhờ vẻ đẹp quý phái và dịu dàng. Thời đó, truyền thông gọi Frances Farmer là “ngôi sao sáng nhất Hollywood trong nhiều thập niên”.
Frances Farmer năm 1940. Ảnh: vintag.es
Diễn viên bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, từng học thanh nhạc và piano. Theo tờ The Seattle Daily Times, năm 14 tuổi, bà lần đầu xuất hiện trên sân khấu trong vở opera The Pirate’s Daughter. Sau đó, bà học ngành báo chí tại Đại học Washington nhưng rẽ hướng sang sân khấu kịch và gặt hái nhiều thành công.
Năm 1935, Farmer chuyển đến New York để theo đuổi ước mơ, ký hợp đồng bảy năm với Paramount Pictures. Năm sau, bà gây tiếng vang trong Rhythm on the Range và Come and Get It. Tạp chí Photoplay nói bà có màn trình diễn xuất sắc. Đạo diễn Howard Hawks cho biết bà là diễn viên tuyệt vời nhất ông từng hợp tác.
Đối diện những cám dỗ trong ngành, diễn viên từ chối bởi muốn được tôn trọng và nhìn nhận nghiêm túc. Khác nhiều minh tinh cùng thời, Farmer hiếm khi mặc hở hang.
Năm 1937, diễn viên tham gia casting ở nhà hát và được biên kịch kiêm đạo diễn Clifford Odets chú ý, mời đóng chính Golden Boy. Vở kịch gây tiếng vang, khẳng định tên tuổi của Farmer trên sân khấu kịch và màn ảnh.
Khi đang là “viên ngọc sáng”, Farmer trượt dốc vì nghiện rượu và suy nhược thần kinh, nhiều năm phải điều trị trong bệnh viện tâm thần. Kể từ năm 1942, Farmer liên tục gặp biến cố. Tháng 6 cùng năm, Farmer và Leif Erickson – chồng đầu tiên – ly hôn. Ba tháng sau, Farmer bị bắt vì lái xe khi say rượu và phải nộp phạt 250 USD.
Theo hồi ký Will There Really Be A Morning?, khoảng thời gian cô độc và đau khổ đó khiến bà dần sa lầy. Để duy trì vóc dáng, diễn viên còn sử dụng amphetamine (Benzedrine) – thuốc ức chế thèm ăn, có khả năng gây nghiện và khiến người dùng xuất hiện các triệu chứng như bệnh tâm thần phân liệt.
Frances Farmer năm 1940. Ảnh: Wikimedia Commons
Năm 1943, khi ghi hình No Escape, diễn viên bị sa thải vì tát thợ làm tóc trên trường quay, khiến người này trật khớp hàm. Sau đó, tòa án ra lệnh bắt giữ Farmer vì tội hành hung và chưa trả hết khoản tiền phạt. Cùng tháng, cảnh sát tìm thấy bà khỏa thân và say xỉn tại khách sạn Knickerbocker.
Diễn viên bị kết án 180 ngày tù. Hết phiên tòa, bà có nhiều hành động bạo lực như đẩy ngã một cụ già, mắng sĩ quan. Gia đình Farmer nói bà nên điều trị tại bệnh viện tâm thần hơn vào tù. Cuối cùng, bà được chuyển đến khoa tâm thần của bệnh viện Los Angeles General trong gần tám tháng. Theo New York Daily News, các bác sĩ cho biết diễn viên mắc rối loạn lưỡng cực và có dấu hiệu bị điên.
Hết thời gian đó, tòa án trao quyền giám hộ Farmer cho mẹ. Cả hai về Seattle nhưng bệnh tình của bà không thuyên giảm. Tháng 3/1944, mẹ Farmer đưa con vào bệnh viện tâm thần Western State.
Frances Farmer bị bắt năm 1943. Ảnh: Wikimedia Commons
Trong 5 năm sau, vài lần bà được thả tự do nhưng hầu hết thời gian bị giam giữ tại bệnh viện. Theo hồi ký, Farmer nói bị các nhân viên y tế cưỡng hiếp, chuột cắn, ngộ độc thực phẩm, xích, trói bằng áo, suýt chết đuối trong bồn tắm.
Cuốn sách Shadowland (1978) – tác giả William Arnold viết về cuộc đời của Farmer – làm dấy lên thông tin diễn viên bị phẫu thuật thùy não trong thời gian ở bệnh viện. Phương pháp xuất hiện từ năm 1936 nhằm điều trị bệnh tâm thần, sử dụng vật nhọn xuyên từ hốc mắt vào não, không còn áp dụng trên thế giới từ thập niên 1980 vì tàn nhẫn và thiếu khoa học.
Câu chuyện thu hút sự chú ý của giới truyền thông và người hâm mộ, khiến họ bàn luận trong nhiều năm. Edith Elliot – chị gái Farmer – kể ở cuốn tự truyện Look Back In Love (1979) rằng bệnh viện đã xin cha mẹ Farmer cho bà phẫu thuật thùy não song họ không đồng ý, dọa sẽ kiện nếu họ thí nghiệm trên con gái. Tại phiên tòa năm 1983, Arnold thừa nhận đã nói dối chuyện Farmer từng phẫu thuật thùy não.
Frances Farmer thời mới vào nghề. Ảnh: Flickr
Năm 1950, Farmer rời bệnh viện tâm thần. Bà yêu cầu hủy bỏ quyền giám hộ. Ba năm sau, thẩm phán nhận định bà có khả năng tự chăm sóc bản thân. Sau khi cha mẹ qua đời, Farmer chuyển đến Eureka, California và làm thư ký, sống ẩn dật. Năm 1957, bà chuyển đến San Francisco với sự giúp đỡ của giám đốc truyền hình Leland Mikesell – người chồng thứ hai – và tái xuất trên chương trình The Ed Sullivan Show.
Trên Modern Screen cùng năm, Farmer nói: “Tôi đã vượt qua tất cả thử thách để mạnh mẽ hơn. Tôi đã chiến thắng trong cuộc chiến kiểm soát bản thân”. Bà tham gia nhiều dự án kịch và phim trước khi trở thành MC tại đài truyền hình địa phương. Thời điểm đó, bà có thu nhập ổn định.
Trong một bức thư gửi cho chị gái năm 1962, Farmer cho biết tận hưởng quãng thời gian yên bình và ổn định. Năm 1964, bà được vinh danh là Nữ doanh nhân của năm tại Indiana sau khi ly hôn người chồng thứ hai. Dù vậy, bà vẫn đấu tranh với chứng nghiện rượu, vài lần bị xử phạt vì lái xe khi say. Cùng năm, diễn viên bị sa thải vì say xỉn khi lên sóng và tính cách nóng nảy.
Sau khi mất việc, Farmer hai lần thử kinh doanh nhưng thất bại. Không nản lòng, Farmer tiếp tục theo đuổi diễn xuất, tham gia các vở kịch tại Đại học Purdue. Trong tự truyện, Farmer viết về khoảnh khắc cuối cùng diễn trên sân khấu: “Một khoảng lặng dài khi tôi đứng đó, sau đó là tiếng vỗ tay nồng nhiệt nhất tôi từng được nhận trong sự nghiệp. Khán giả đã mặc kệ scandal mà vỗ tay cho màn trình diễn tốt nhất của tôi”.
Tháng 8/1970, trong khi đang viết hồi ký, bà qua đời ở tuổi 57 vì bệnh ung thư. Jean Ratcliffe – bạn thân của Farmer – hoàn thiện tác phẩm. Khi đó, vài tờ báo đưa tin Ratcliffe đã phóng đại nhiều chi tiết khiến nội dung kịch tính hơn.
Tuy còn thắc mắc bị bỏ ngỏ, cuộc đời diễn viên trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều dự án âm nhạc và phim. Ban nhạc Nirvana từng sáng tác bài Frances Farmer Will Have Her Revenge On Seattle dựa trên cuộc đời đen tối của bà. Kurt Cobain – guitar kiêm giọng ca chính của nhóm – hát: “Farmer sẽ trở lại như một ngọn lửa, đốt cháy tất cả lời nói dối”.
Theo Thanh Giang/Vnexpress.net