Giải trí TVshow

Thần tài gõ cửa: Rời giảng đường, theo đuổi ước mơ làm vườn

Từng là giảng viên chuyên ngành Điện – Điện tử, anh Nguyễn Lâm Duy (SN 1980, ngụ xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đã có một quyết định lớn vào năm 2019. Đó là nghỉ dạy, về quê làm vườn để chăm lo cho gia đình. 

Từng là giảng viên chuyên ngành Điện – Điện tử, nhưng từ năm 2019, anh Nguyễn Lâm Duy (sinh năm 1980) quyết định rẽ hướng, trở về quê nhà tại xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre để làm vườn. Những chậu kiểng bonsai, kiểng lá do anh tỉ mỉ chăm sóc là nơi anh gửi gắm hy vọng về một tương lai bớt nhọc nhằn hơn cho gia đình.

Trong chương trình Thần Tài Gõ Cửa số 777, Thần Tài (diễn viên Đình Toàn) và Thổ Địa Bến Tre (diễn viên Lâm Thắng) đã tìm đến nhà anh Duy để lắng nghe câu chuyện đầy nghị lực của một gia đình đặc biệt.

Anh Nguyễn Lâm Duy (sinh năm 1980) quê nhà tại xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre

Kể về hoàn cảnh của mình, anh Duy chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi trước đây đều bị sốt bại liệt lúc ba tuổi. Chân phải của tôi bị teo cơ, liệt dây thần kinh số 6, giơ lên được nhưng hạ xuống thì không nổi. Vợ tôi bị cả hai chân nên yếu hơn, chỉ có thể đi bộ. Tôi cố gắng tập chạy xe máy loại 50 phân khối để có thể chở con đi học”.

Từ năm 2004 đến 2010, anh giảng dạy tại Trường Cao đẳng Đồng Khởi, sau đó chuyển sang Trường Trung cấp Công nghệ Bến Tre, vẫn với chuyên ngành Điện – Điện tử. Đến năm 2019, khi vợ chuẩn bị sinh con thứ hai, vì nhà ở Chợ Lách quá xa trường nên anh quyết định nghỉ việc. Anh tâm sự: “Tôi ưu tiên việc chăm sóc con, đưa rước con đi học. Thực sự cũng muốn đi làm nhưng giữa công việc với gia đình thì mình chọn gia đình”.

Suốt nhiều năm đồng hành bên chồng, chị Trần Thị Hồng Linh (sinh năm 1977) luôn cảm phục trước tinh thần làm việc bền bỉ của anh. Chị kể: “Tôi chỉ học tới lớp 7 rồi nghỉ vì đường đi học khó khăn quá. Tới 18 tuổi mới lên TP.HCM học nghề may gia công. Lúc đó lương thấp lắm, chỉ 400.000–500.000 đồng mỗi tháng, đủ chi tiêu cho bản thân. Ảnh học điện tử, tôi học may, chung một khóa. Thấy ảnh hiền lành, chăm chỉ, làm tới tối khuya cũng không nghỉ nên cảm động. Chúng tôi kết hôn năm 2013, lúc đó còn ở phòng trọ, ảnh vừa đi dạy vừa mở tiệm điện, tôi thì bán mấy vật dụng điện. Sau đó không đủ tiền thuê trọ nên chuyển về sống ở cái chòi trong vườn của dì Hai ở xã Vĩnh Hòa. Một thời gian sau, mẹ cho miếng đất nhỏ nên mới cất được căn nhà để ở”.

Căn chòi nhỏ được dựng tạm trên nền đất gồ ghề, vách và mái lợp từ những tấm tôn cũ xin được từ hàng xóm. Anh Duy mua thêm vài tấm bạt để vá chỗ dột. Thế nhưng khi chị Linh sinh bé gái thứ hai vào năm 2020, những tấm bạt cũng mục nát dần, mái nhà không còn đủ che chắn trong những đêm mưa lớn.

Anh Duy kể: “Từ khi có bé thứ hai, mấy tấm bạt đã mục hết, vào mùa mưa là dột, phải kiếm thau để hứng. Nhưng nó dột luôn cả chỗ ngủ, nên tôi vay mượn 30 triệu đồng mua tôn mới để lợp lại, làm mái tạm. Vô ở một thời gian thì cũng ráng làm hoa, nhưng khi được khi không vì vốn không còn nữa. Vẫn còn nợ lại 20 triệu. Lúc đó kinh tế rất khó khăn, tôi cố gắng làm thêm việc vườn như ghép cây, sửa cây. Mình nhìn những cây già cỗi, điều kiện sống khắc nghiệt mà vẫn vươn lên thì giống như cuộc đời của mình. Nhìn vào cây thấy có cảm xúc. Ví dụ như cây mai vàng rớt xuống ao rồi ngoi lên lại, sức sống của nó quá mãnh liệt. Nên tôi mới tìm cách tạo hình sao cho điểm nhấn của cây có sự vươn lên, phân tán cành cho nó đẹp”.

Anh Duy thực hiện thử thách của chương trình

Ngoài làm cây, anh Duy còn tranh thủ nhận sửa chữa điện – điện cơ cho bà con quanh xóm để kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học. Anh nói: “Tôi làm thêm nghề điện gia dụng: sửa động cơ bơm nước, bàn ủi, máy sấy, mô tơ. Có khi lắp quạt trần, tôi tự chế thang để leo lên sửa, cặp thêm cây vào để thang vững. Sửa điện dưới thấp thì được 10 ngàn, trên cao thì 20 ngàn, có thêm tiền mua sữa cho con. Làm điện cũng đỡ nhớ nghề dạy học”.

Dù làm nhiều việc nhưng thu nhập vẫn không ổn định do thiếu vốn. Không ít lần, chị Linh vừa giúp chồng làm vườn, vừa giấu nước mắt khi thấy những vết thương xước trên tay chân anh sau những lần đi bứng cây, sửa kiểng.

Chị nghẹn ngào: “Làm cây thì chỉ bán được vào mùa Tết. Lúc đó tôi ở nhà vì có con nhỏ, còn phải tưới cây. Cũng lo lắm, không biết ảnh đi bán có được không, rồi mưa gió, lạnh lẽo cận Tết. Ảnh đi cưa cây, bứng cây bị dao cắt vào chân, nhảy hố té, về ảnh mới kể. Nhìn vết trầy xước thì đau lòng lắm mà không biết làm sao. Nỗi lo lớn nhất vẫn là hai đứa con, kiếm tiền để tụi nó ăn học. Ảnh nói ráng sống ngày nào thì làm ngày đó”.

Anh Duy cũng đang thử nghiệm hướng đi mới: tạo dáng bonsai cho các cây ăn trái như mận, xoài, ổi – vừa để ngắm, vừa có trái để thưởng thức. Tuy nhiên, đây không phải cây chuyên kiểng nên dễ gãy, nách lá thưa, rất khó tạo dáng, thời gian nuôi kéo dài gấp đôi cây kiểng thông thường. Rủi ro cao, nếu không thành công thì cây không bán được, bị chôn vốn. Trong khi chờ cây lớn, anh trồng xen kẽ các loại cây ngắn ngày như hoa mười giờ, ớt, rau ăn để duy trì sinh hoạt.

Những năm gần đây, thời tiết ngày càng khắc nghiệt khiến công việc càng thêm gian nan. Cây dễ bị cháy lá vì nắng nóng, chi phí làm giàn lưới lại vượt khả năng chi trả. Tình trạng ngập mặn khiến nước tưới thiếu trầm trọng, trong khi gia đình không đủ điều kiện để mua bồn dự trữ, khiến nhiều cây chết khô.

Chương trình Thần Tài Gõ Cửa phát sóng lúc 19h10, Chủ nhật hàng tuần trên kênh THVL1.