360 độ Giải trí Văn hóa

Trăm năm đờn ca tài tử: Lần giở tuồng cải lương xưa

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống Nam bộ Võ Trường Kỳ (Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Long An), ngoài việc biên soạn quyển sách Cầm ca tân điệu và truyền dạy âm nhạc, nhạc sư Lê Văn Tiếng còn soạn khá nhiều tuồng cải lương, nhưng hiện nay phần nhiều bị mai một, chỉ sưu tầm được ấn phẩm 10 tuồng cải lương còn lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Pháp. Đó chính là món quà mà tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên đã cất công photo (cả bìa lẫn ruột) từ Trung tâm nghiên cứu dân tộc nhạc học thuộc Viện Bảo tàng con người tại Paris (Pháp), mang về nước.

Nói là 10 bản nhưng không biết đã thất lạc ở đâu 1 bản, còn lại 9 bản tuồng cổ của Lê Văn Tiếng là: Miêu Ly hoán chúa (lược theo truyện Vạn huê lầu, in tại Sài Gòn năm 1925), Quách Hòe tráo chúa (diễn theo truyện Vạn huê lầu, in lần thứ nhất tại nhà in Đức Lưu Phương, 158 Rue d’Espagne Sài Gòn – không ghi năm in), Quách Hòe mưu sát thái tử (diễn theo truyện Vạn huê lầu, in lần thứ ba, tại nhà in Xưa – Nay, 60-64 Boulevard Bonard, Sài Gòn 1930), Án Trầm-Quấc-Thanh (theo truyện Vạn huê lầu, in lần thứ nhất tại nhà in Thành Thị Màu, 12G đường D Espagne – Sài Gòn, không ghi năm in), Nghĩa bộc minh oan (diễn theo truyện Anh hùng náo, in lần thứ nhất năm 1927 tại Sài Gòn, không ghi nhà in – cuốn này dưới hình bìa, có chú thích một câu khá ngộ nghĩnh: “Thừa tướng bị cầm nhà đá/Anh hùng toan phá vườn huê”), Cửu Nhĩ mạo châu kỳ (in lần thứ nhất 1927 tại Lê Văn Phụng, 98 Rue de Louvain – Sài Gòn), Ác bộc thọ hình (dịch theo truyện Quần anh kiệt, in tại nhà in J. Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn 1928), Án Bàng Quí Phi (in lần thứ nhất 1926 tại Sài Gòn, không ghi nhà in), Quang Công thất thủ Hạ Bì (cuốn này do Trần Phong Sắc và Lê Văn Tiếng hợp soạn, diễn theo truyện Tam quốc, in tại nhà in Xưa – Nay Nguyễn Háo Vĩnh, 60-64 Boulevard Bonard, Sài Gòn 1929).

Bản in tuồng cải lương Án Bàng Quí Phi in năm 1926 (ảnh 1), có bài ca mở đầu là quốc ca Pháp (ảnh 2) – tư liệu Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên cung cấp

Ở Lời đầu trong cuốn Miêu Ly hoán chúa, ông Cử Thiện (tên tự của Lê Văn Tiếng) viết như sau (người viết đã sửa lỗi chính tả): “Cải lương – hát cải lương mới phát minh ra năm, sáu năm nay mà xem thể thiên hạ hoan nghinh nhiều hơn hát bội. Là vì cải lương có vẻ nghiêm trang, bộ tịch tự nhiên, lời ăn tiếng nói thanh tao, đi đứng tề chỉnh, y phục gọn gàng; người làm trò sạch sẽ, đồ chưng dọn theo kim thời, sơn thủy, màn trướng… Tuy là chỗ mua vui, chớ chính là nơi cổ động. Nếu diễn điều tồi phong bại tục, thì chỉ cho khỏi những kẻ óc non, trí cạn trông vào mà tưởng điều ấy vui, ngộ, đáng bắt chước rồi ghi nhớ vào lòng, thâm nhiễm theo sự quấy, thì hại biết bao nhiêu. Bởi vậy nên tuồng hát phải lựa theo lối chánh phong thì mới nên, đem mà trương bày nơi muôn ngàn tai mắt…”.

Như đã nói, vì những tác phẩm kể trên được soạn vào đầu thế kỷ 20 – thời kỳ mới sử dụng chữ quốc ngữ nên văn phong của ông Lê Văn Tiếng rặt âm hưởng Nam bộ hoặc cổ ngữ và rất nhiều lỗi chính tả (hỏi, ngã, phụ âm cuối…) như: Quang Công (Quan Công), Liêu quấc (quốc), khải hoàng (hoàn), ra mắc (mắt), hí tràng (hí trường), nặng máu (nặn), Cổ bảng (bản)… điều này chúng ta hoàn toàn thông cảm, đọc và… hiểu! Điều đáng khen là mỗi tác phẩm đều có hình bìa (hoặc tranh vẽ) khá mỹ thuật. Tựa đề ở 5 tác phẩm có ghi thêm chữ Nôm. Ở 4 tác phẩm, trang đầu có liệt kê những bài ca trong vở tuồng, chẳng hạn tuồng Ác bộc thọ hình ghi “Phân làm 6 màn, 45 bài ca: Vọng cổ hoài lang (4 bản), Hành vân (7), Tứ đại oán (2), Văn thiên tường (1), Lưu thủy tẩu mã (3), Tây Thi (2), Long hổ hội (4), Cổ bản (1), Phú lục (1), Bình bán vắn (1), Khốc hoàng thiên (2), Ngũ điểm mai (1), Giang nam (1), Kim tiền (6), Bài tạ (2), Thủ bình bán (3), Xuân tình (1), Nam ai (1), Bài hạ (1), Lưu thủy đoản (1)”.

Đặc biệt, tuồng Án Bàng Quí Phi cũng ở mục “Những bài ca trong tuồng này” (gồm 39 bài) có bài mở đầu là Marseillaise (quốc ca Pháp), người viết tưởng rằng trước khi diễn cả nghệ sĩ lẫn khán giả phải… chào cờ (cũng hợp lý thôi, vì nửa đầu thế kỷ 20 Nam bộ vẫn còn là thuộc địa của Pháp), nhưng không phải, “Khi vén màn lên thấy binh tướng của Địch Thanh kéo đi nơi đường lộ. Binh tướng đồng ca bài Marseillase, và (vừa) đi và ca: “Rày mừng trừ an, một phang Liêu quấc (quốc)/Hết lo xông chốn chiến trường/Phỉ, bấy lòng quân/Ban sư hết chiến đấu, chúc câu khải hoàng (hoàn)/Cầu đặng an muôn năm, chúng dân lạc nghiệp/Vui hôm nay, đặng về thăm/Viến (viếng) quê nhà, vì lâu nay xa cách…” (bài này còn một đoạn khá dài và chắc chắn đây là bản “nhạc ngoại quốc lời Việt” đầu tiên trong lịch sử âm nhạc VN).

(còn tiếp)

Theo Hà Đình Nguyên/Thanhnien.vn