Văn hóa

Chuyện chiếc loa 20 năm ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM

Hộp thư âm nhạc, Radio cảm xúc, FM Sinh viên…, những thanh âm có lẽ đã thân thuộc với nhiều thế hệ sinh viên tại khu A ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM 20 năm qua. Người làm nên những bản tin, chương trình ấy là những thế hệ sinh viên của ‘Nhà phát thanh’.

Loa phát thanh tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, nơi phát đi những bản tin, chương trình thú vị do sinh viên “Nhà phát thanh” thực hiện (Ảnh: KTX)

20 năm trước, ngày 6.12.2003, “Nhà phát thanh” hay CLB Phát thanh sinh viên ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM ra đời.

“Ngôi nhà” ấy, sau này, và đến tận bây giờ có tên đầy đủ là CLB Phát thanh-Truyền hình sinh viên ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Ngày ngày, CLB vẫn mang những sản phẩm phát thanh, truyền hình góp phần nâng cao đời sống tinh thần, truyền thông về văn hóa, pháp luật cho hàng ngàn sinh viên. 20 năm lan tỏa tiếng nói sinh viên, với những thế hệ người từng gắn bó với “Nhà phát thanh” là biết bao kỷ niệm.

Những ngày gian khó

Anh Lại Thế Tuân, Trưởng phòng tổng hợp Trung tâm quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết trong những năm đầu thành lập, cơ sở vật chất còn khó khăn, thành viên non trẻ, CLB gặp không ít khó khăn. Ngày ấy, CLB chỉ dừng lại phát thanh một số/tuần, từ 30-45 phút, chủ yếu phát tin tức và các khúc âm nhạc theo yêu cầu từ băng, máy cassette thu đi, thu lại nhiều lần…

Những hình ảnh không thể quên của “Nhà phát thanh” ngày ấy… (Ảnh: KTX)

Ông Tăng Hữu Thủy, Giám đốc Trung tâm quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng là một trong những người chủ chốt khởi dựng, thành lập và chứng kiến quá trình CLB phát thanh sinh viên hình thành.

“Năm 2003 – sau 3 năm thành lập, Trung tâm quản lý ký túc xá có chưa đến 2.000 sinh viên nội trú, nằm ở một khu vực biệt lập, đời sống văn hóa, vật chất lẫn tinh thần của sinh viên còn đặc biệt khó khăn. Và như thầy Hồ Tấn Phong, nguyên Giám đốc đầu tiên của Trung tâm quản lý ký túc xá, từng nói đây là nơi hẻo lánh, xa xôi của TP.HCM ngày ấy. Chính vì vậy, việc thành lập CLB phát thanh sinh viên có ý nghĩa rất lớn, mang đến rất nhiều giá trị cho sinh viên cũng như ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM lúc bấy giờ. CLB vừa mang đến sân chơi giải trí tinh thần, hoạt động văn hóa, văn nghệ bổ ích cho sinh viên tạo môi trường sinh hoạt, học tập, rèn luyện, phát triển khả năng, sở thích, sự sáng tạo cho các bạn”, ông Thủy hồi tưởng.

Ông Thủy còn nhớ những khó khăn ngày đầu, từ chiếc loa rè đến âm ly cũ, micro tận dụng lại, hay CLB phải dùng chung với loa phóng thanh mời sinh viên ra cổng lấy thư hay bảo lãnh người nhà đến thăm… Dần dần, có doanh nghiệp đã tài trợ bộ máy tính và hệ thống loa phóng thanh đầu tiên thì CLB mới có nhiều điều kiện để phát triển…

Thành viên CLB Phát thanh sinh viên ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM ngày đó… (Ảnh: KTX)

Dần dần, số lượng thành viên tăng dần, có thời điểm với hơn 50 thành viên. Từ một chương trình chỉ phát một số/tuần, sau 3 năm, CLB đã dần tăng lên thành rồi 6 chương trình/tuần.

Càng về sau, càng nhiều chuyên đề mới được mở, đáp ứng thị hiếu trẻ trung của các thế hệ sinh viên như Buffet âm nhạc, Ca nhạc theo chủ đề, Con đường âm nhạc, Âm nhạc cho bạn cho tôi và những năm sau này là các chương trình được yêu thích Nhịp sống ký túc xá, Radio đặc biệt, Radio cảm xúc…

Từng bước, “nhà phát thanh” dần sáng tạo, mở rộng sang lĩnh vực phát thanh trực tuyến từ năm 2010 và truyền hình từ năm 2015.

Đáng chú ý, trước 2015, CLB đã có kênh phát thanh riêng mang tên FM Sinh viên, phủ sóng rộng rãi và có hệ thống kỹ thuật hiện đại có khả năng giao lưu phát thanh trực tiếp đến các sinh viên ở ký túc xá Trường ĐH Cần Thơ…

CLB phát thanh sinh viên năm được nhận bằng khen của Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2009. Bìa trái là ông Tăng Hữu Thủy, bây giờ là Giám đốc Trung tâm quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM (Ảnh: KTX)
Những lần hội ngộ của các thành viên “Nhà phát thanh” (Ảnh: KTX)

Có một “Nhà” 20 năm lan tỏa tiếng nói sinh viên

Thu Hà, thành viên CLB Phát thanh-Truyền hình sinh viên ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay tự hào được là thành viên trong nhịp cầu nối giữa sinh viên và ký túc xá, để ở đó tất cả sinh viên sẽ có thể cùng trao đổi và cùng thấu hiểu hơn.

Những thế hệ của CLB phát thanh sinh viên trong những lần hội ngộ (Ảnh: KTX)

“Chúng tôi luôn tin rằng khi hết mình với công việc sẽ tạo ra nhiều ý nghĩa cho cuộc sống hơn. Mỗi sinh viên nội trú cũng có lúc buồn, lúc vui, ai cũng muốn được trở về nhà. Vì lẽ ấy, CLB phát thanh còn có tên gọi khác là “Nhà phát thanh” hay gọi tắt là “Nhà”. Chúng tôi đều cố gắng mỗi ngày, để tạo ra những sản phẩm chất lượng, để khi thanh âm được cất lên, sinh viên đã thấy mình đang được trở về “Nhà”, Hoàng Hải Linh, thành viên CLB Phát thanh-Truyền hình sinh viên ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay.

Ông Tăng Hữu Thủy, Giám đốc Trung tâm quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết hiệu quả, ý nghĩa, phát triển của “Nhà phát thanh” đã được thời gian kiểm chứng qua dấu mốc 20 năm. Nhà phát thanh vượt qua dấu ấn của một sân chơi, giúp sinh viên được nâng cao kỹ năng trong lĩnh vực phát thanh-truyền hình-truyền thông.

Ngoài ra, nhiều thế hệ thành viên CLB được phát triển thêm nhiều kỹ năng mềm khác như kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, tổ chức sự kiện, thuyết trình trước đám đông, giao tiếp, ứng xử… với các sự kiện được tổ chức tại CLB và tại ký túc xá. Ông Thủy khẳng định sự phát triển này góp phần xây dựng hình ảnh năng động, linh hoạt và toàn diện của sinh viên nội trú ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM.

Những thế hệ của CLB phát thanh sinh viên trong những lần hội ngộ

Nhà là nơi để về

20 năm qua, CLB Phát thanh-truyền hình sinh viên ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM đã đặt nền móng để nhiều thế hệ cựu thành viên phát triển, thành công. Nhiều bạn trẻ đã có chỗ đứng trong nghề, trở thành các MC được nhiều người yêu mến như MC Đoàn Ngọc Nhi, MC Thủy Tiên, MC Tôn Cát Tường, MC Tiêu Minh Sơn… Tới hôm nay, nhiều thế hệ vẫn trở về “Nhà”, giúp các sinh viên phát triển CLB, đào tạo các kỹ năng về phát thanh, truyền hình cho các thành viên mới…

Theo Thúy Hằng/Thanhnien.vn