Năm 2022 bắt đầu với cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Đó là nỗi buồn khi nhớ về mất mát do đại dịch gây ra, lo lắng trước biến chủng mới hoành hành và hy vọng vào một năm mới khởi sắc.
Quảng trường Đỏ tại Nga năm nay trống trải hơn nhiều so với mọi năm do các hạn chế phòng dịch. Nước này đã báo cáo khoảng 10,5 triệu ca mắc Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát. Trong bài phát phát biểu trước năm mới, Tổng thống Vladimir Putin đã tưởng nhớ những người thiệt mạng vì Covid-19, ca ngợi sức mạnh của người Nga trong thời kỳ khó khăn và cảnh báo rằng đại dịch “vẫn chưa rút đi”. Dù vậy, bỏ qua nỗi lo dịch bệnh, người dân vẫn đón mừng năm mới trên đường phố Nikolskaya.
Australia là một trong những quốc gia đầu tiên bước sang năm mới 2022. Mặc dù ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục, chương trình bắn pháo hoa chào năm mới vẫn diễn ra tại thành phố Sydney. Hàng nghìn quả pháo hoa thắp sáng bầu trời trên Cầu Cảng Sydney và Nhà hát Opera vào lúc nửa đêm. Tuy nhiên, đám đông ít hơn nhiều so với những năm trước đại dịch.
Tại Paris, Pháp, các quan chức đã hủy bắn pháo hoa trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng cao. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn đổ ra đường, đón giao thừa trên đại lộ Champs Elysees. “Có lẽ năm 2022 sẽ là năm chúng ta thoát khỏi đại dịch. Tôi muốn cùng với các bạn tin tưởng rằng năm nay là năm mà chúng ta có thể nhìn thấy lối thoát”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.
Ở Madrid, Tây Ban Nha, chính quyền chỉ cho phép 7.000 người vào quảng trường trung tâm thành phố Puerta del Sol, một địa điểm tổ chức đón năm mới truyền thống và thường có đến 20.000 người đổ về vào những năm trước.
Tại New York, hàng nghìn người đứng kề vai nhau để chứng kiến quả cầu nặng 6 tấn, nạm gần 2.700 viên pha lê Waterford, được thả xuống ở Quảng trường Thời đại. Giới chức thành phố chỉ cho phép 15.000 người đã tiêm vaccine Covid-19 vào bên trong khu vực xung quanh Quảng trường Thời đại.
Pháo hoa đã thắp sáng bầu trời trên sông Chao Phraya trong lễ mừng năm mới ở Bangkok, Thái Lan.
Năm nay, Giáo hoàng Francis hủy truyền thống xuất hiện tại Quảng trường St Peter trong đêm giao thừa để tránh đám đông. Vị giáo hoàng 85 tuổi cũng đeo khẩu trang khi xuất hiện trong buổi lễ tối giao thừa. “Cảm giác mất mát đã tăng trên thế giới trong suốt đại dịch”, ông nói trước các tín đồ ở vương cung thánh đường St.Peter ở Vatican.
Tại Trung Quốc, chính quyền Thượng Hải đã hủy bỏ sự kiện trình diễn ánh sáng hàng năm dọc sông Hoàng Phố. Trong khi đó, nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở thành phố Nam Kinh, Hàng Châu và các thành phố lớn khác của Trung Quốc đã hủy bỏ nghi lễ “rung chuông cầu may” trong đêm giao thừa và đề nghị công chúng không đến chùa.
Giới chức Hàn Quốc đã đóng cửa nhiều bãi biển và các điểm du lịch khác dọc theo bờ biển phía đông, những nơi thường đông người tụ tập với mong muốn đón bình minh đầu tiên của năm mới. Trong ảnh, người dân đang đeo khẩu trang, tạo dáng chụp ảnh vào đêm giao thừa ở Seoul, Hàn Quốc.
Tại Nhật Bản, nhà văn Naoki Matsuzawa, sống ở Yokohama, phía tây nam Tokyo cho biết sẽ dành những ngày đầu năm mới 2022 để nấu ăn và giao đồ ăn cho người già vì một số cửa hàng sẽ đóng cửa. Ông nói rằng việc tiêm vaccine đã giúp mọi người bớt lo lắng hơn về đại dịch, mặc dù có biến chủng mới. Trong ảnh, một nhân viên bảo vệ đang giơ tấm biển thông báo không có sự kiện đếm ngược nào tại ngã tư Shibuya, một địa điểm đón giao thừa nổi tiếng.
Tại Ấn Độ, hàng triệu người đã đón năm mới 2022 tại nhà sau khi giới chức áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm và đặt ra các biện pháp hạn chế khác nhằm giảm tụ tập đông người ở New Delhi, Mumbai và các thành phố lớn khác. Trong ảnh, người Ấn Độ đeo khẩu trang tổ chức lễ đón giao thừa ở Ahmedabad vào ngày cuối cùng của năm.
Trong khi đó, gạt bỏ những mối lo ngại về dịch bệnh, ở phòng chăm sóc tích cực tại bệnh viện la Timone ở Marseille, miền Nam nước Pháp, các nhân viên y tế bật sâm panh để chúc mừng năm mới trong không khí hân hoan.
Theo Minh An/Zing.vn