Julie Yip-Williams (1976 – 2018) là một phụ nữ Việt Nam gốc Hoa, theo gia đình sang Mỹ từ nhỏ. Cô bị khiếm thị bẩm sinh nhưng đã vượt khó, sống một cuộc đời phi thường.
Quyển sách Tháo gỡ phép màu – Hồi ký về một cuộc đời phi thường từ sự sống đến cái chết là cách Julie Yip-Williams kể lại câu chuyện cuộc đời mình, từ một bé gái bị khiếm thị bẩm sinh và suýt chết dưới tay người thân, một luật sư thành công trên đất Mỹ, rồi cuối cùng trở thành một người vợ, người mẹ với nghị lực phi thường khi đối mặt và chống chọi với căn bệnh ung thư.
“Câu chuyện này bắt đầu ở điểm cuối. Nghĩa là nếu bạn đang đọc những dòng này, thì tôi đã không còn nữa. Nhưng không sao cả… Ở đây, tôi bắt đầu viết ra trải nghiệm của mình cả về cuộc đời tôi đã sống và những gian nan tôi đã chịu – cả hai đều không toàn diện, song cũng đủ để bạn thấy rõ quãng đường mà tôi đã đi và thế giới mà tôi đã tạo dựng suốt đời mình. Và thứ vốn ban đầu chỉ để ghi lại cái chết yểu chực chờ đã trở thành điều gì đó có ý nghĩa hơn nhiều: lời cổ vũ cho các bạn, những người vẫn đang sống.”
Julie Yip-Williams sinh vào tháng 1 năm 1976 tại Tam Kỳ, trước khi đất nước thống nhất. Cô bị khiếm thị bẩm sinh, và suýt bị tước đi mạng sống lúc 2 tháng tuổi bởi chính bà ruột của mình, coi cô như dị tật và ra lệnh giết cô.
Julie viết trong cuốn sách: “Tôi đã suy sụp. Tôi là gánh nặng và sự xấu hổ của gia đình.”
Cha mẹ đưa cô đến một thầy thuốc đông y ở Đà Nẵng, cho ông ta những thỏi vàng để đứa con gái ra đi bình yên. Họ cho cô mặc một bộ quần áo ố màu, vì họ không muốn lãng phí bộ đồ sạch sẽ cho một đứa bé sớm sẽ không còn trên thế gian.
“Đó thực sự là điều bạn muốn làm?” thầy thuốc hỏi. Cha mẹ Julie không trả lời mà nhìn chằm chằm vào sàn nhà, rồi ông thầy thuốc từ chối yêu cầu của họ. Khi gia đình 3 người trở về nhà, bà ngoại cuối cùng cũng mủi lòng, và rồi Julie sống sót.
Cuộc đời của Julie Yip sau đó là một biên sử.
Gia đình cô rời Việt Nam vào những năm 1970, đến Hong Kong trên một chiếc thuyền đánh cá. Việc gia đình Yip đến được Hong Kong một cách an toàn, chứ chưa nói đến Mỹ, đã là một điều kỳ diệu.
Sinh ra với căn bệnh đục thủy tinh thể nghiêm trọng ở một đất nước đang có chiến tranh, vượt biên đến Mỹ, chữa bệnh, và rồi leo lên đỉnh cao của xã hội xứ cờ hoa. Julie đã sống sót sau sự đe dọa từ cái chết ngay từ khi mới sinh ra, tất cả với cô như là một phép lạ. Tác giả tốt nghiệp ngành Luật tại đại học Harvard, làm việc ở một văn phòng luật danh tiếng và có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Cô sống cùng người chồng luật sư và hai con gái tại Brooklyn.
Cuộc sống tưởng chừng viên mãn thì ở tuổi 37, cô bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại tràng, khiến cuộc sống của cô hoàn toàn thay đổi. Julie Yip đối mặt với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối với quyết tâm không để nó định đoạt cuộc đời mình. Nhưng phép màu không xảy ra một lần nữa. Julie qua đời vào tháng 3 năm 2018 sau một thời gian chống chọi với căn bệnh.
Tháo gỡ phép màu bắt đầu như một trang blog, gồm các bài viết dành cho các con cô. Dần dần, đây trở thành cuốn nhật ký của riêng tác giả, nơi phản ánh hành trình cuộc đời cô với đầy đủ những cảm xúc trung thực, sâu sắc, và cả cái nhìn thẳng thắn của cô về sự sống – cái chết.
Cuốn hồi ký của Julie Yip-Williams về cái chết vì ung thư chân thực đến mức tàn nhẫn. Cô nói ra tất cả mọi thứ, từ nỗi lo lắng và đau lòng khi bỏ lại hai đứa con cho đến những mô tả về các chức năng cơ thể dần suy giảm. Tác giả ghi lại những cảm xúc xấu xí do căn bệnh ung thư gây ra và cả những niềm vui, niềm hân hoan đáng ngạc nhiên mà một góc nhìn tích cực về cái chết có thể mang lại.
Cách kể chuyện khéo léo, chân thành nhưng cũng rất mạnh mẽ của Julie mang đến nhiều cảm hứng, khơi gợi nơi người đọc sự tự chiêm nghiệm để cảm thấy trân quý cuộc sống hơn. Julie viết bằng ngôn ngữ tự tin, viết không để gây ấn tượng với bất kỳ ai, song có một thông điệp nhất định phải truyền tải.
Tháo gỡ phép màu được tác giả viết như một bức thư cho chồng và các con gái Mia và Isabelle. Song, nó cũng là cuốn sách dành cho tất cả chúng ta. Julie Yip-Williams đã viết ra một tác phẩm tồn tại lâu hơn sự tồn tại của chính cô. Tháo gỡ phép màu chắc chắn là một cuốn sách về cái chết, nhưng hơn cả, nó còn là một cuốn sách về cách trân trọng sự sống.
AC