Lừa đảo bằng hình thức chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để nhắn tin hỏi mượn vay tiền đã khiến nhiều người sập bẫy. Với thủ đoạn ngày càng tinh vi, hiện nay các đối tượng lừa đảo còn tạo lập các ngân hàng trùng tên, nhằm tăng độ tin tưởng để lừa tiền.
Lợi dụng tâm lý của nhiều người tin tưởng khi chuyển tiền đến tài khoản mang tên người quen, các nhóm lừa đảo sau khi trong tay có tài khoản ngân hàng nào đó sẽ săn tìm tài khoản xã hội có tên tương tự để làm mồi nhử. Sau khi hack tài khoản mạng xã hội, chúng còn nghiên cứu rất kĩ danh tính, thói quen, phong cách sử dụng ngôn ngữ của người thân chủ tài khoản để làm tăng sự tin tưởng, liên hệ với những người thường xuyên liên lạc trong danh sách bạn bè của nạn nhân để yêu cầu chuyển tiền.
Chị N.T.P đến từ TP.Thủ Đức chia sẻ: “Dạo trước tôi có nhận một tin nhắn đến từ nick Facebook của bạn tôi, hỏi mượn 30 triệu để trả lãi ngân hàng. Ban đầu tôi thấy cung cấp tên ngân hàng trùng với tên của bạn tôi nên cũng đã chuẩn bị một số thao tác để chuyển tiền, nhưng do người này cứ nhắn tin hối thúc tôi liên tục nên tôi đã sinh nghi, thấy không đúng với cách nhắn tin thường ngày của bạn, nên đã gọi điện cho bạn, xác minh lại mới biết bạn không nhắn tin mượn tiền, rất may là tôi chưa chuyển tiền”.
Không được may mắn như chị P, anh Đ.T ngụ tại TP.HCM đã bị mất hàng chục triệu đồng với thủ đoạn này. Trước đó anh cũng nhận được tin nhắn vay tiền từ chú của mình qua tài khoản Facebook. Kẻ lừa đảo đã sử dụng cách nói chuyện và tài khoản giống hệt tên người chú nên anh không nghi ngờ mà chuyển khoản ngay. Chỉ vài giờ sau khi được người nhà của chú thông báo thì anh mới biết tài khoản của chú bị hack. Anh ngậm ngùi chia sẻ: “Mặc dù tôi có biết thông tin trên mạng xã hội rất dễ bị lừa nhưng sau khi nhập số tài khoản thì tên hoàn toàn trùng khớp với chú tôi nên tôi chuyển tiền qua tài khoản đó mà không hề nghi ngờ”.
Hiện nay chỉ cẩn nhập từ khóa mua tài khoản ngân hàng, thì ngay lập tức trên mạng xã hội hiện ra hàng loạt các hội nhóm mua bán tài khoản ngân hàng xuất hiện, trong đó có nhóm hơn 12.000 thành viên, nhiều bài viết, nội dung tìm mua tài khoản ngân hàng thu hút đến 100 bình luận.
Luật sư Bùi Trọng Hiển (Giám đốc Công ty Luật Bùi Trọng Hiển) cho biết: “Hành vi này được cấu thành tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự”. Tùy theo mức độ vi phạm mà mỗi cá nhân phải chịu hình phạt phù hợp với hành vi của mình bằng hình thức phạt tiền hoặc có thể nặng hơn là phạt tù.
Đối với vụ việc này, ông Lưu Danh Đức (Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi có một kênh tiếp nhận những khiếu nại và phản hồi của khách hàng. Chúng tôi cũng đã và đang tăng cường các biện pháp truyền thông tới khách hàng theo nhiều kênh khác nhau. Chúng tôi truyền thông về các thủ đoạn, phân tích thủ đoạn của các đối tượng, đưa ra những cảnh báo về phòng tránh và về các đầu mối, trong trường hợp phát sinh những vụ việc khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi”.
Thực tế cho thấy, chính sự chủ quan của nhiều người dùng mạng xã hội khi đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân cũng là một trong những nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ cho việc lừa đảo, vì vậy người dân nên nâng cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ tài sản của chính mình. Bên cạnh đó người dân cần hết sức tỉnh táo, kiểm chứng kĩ càng trước khi thực hiện các giao dịch, cần báo cáo cơ quan quản lý về các hội nhóm mua bán tài khoản ngân hàng hoặc có dấu hiệu tiếp tay cho lừa đảo trên mạng xã hội để có biện pháp xử lý đúng đắn và kịp thời nhất.