Sau khi giải thích nguồn gốc và ý nghĩa chiếc áo bà bà trong tập 45, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang tiếp tục cắt nghĩa hình ảnh khăn rằn và nón lá trong tập 54 ‘Kính đa chiều’.
Hình ảnh áo bà ba, khăn rằn và chiếc nón lá đã gắn liền với người dân Nam Bộ từ bao đời nay. Đằng sau những món đồ thân thuộc, đơn sơ này là cả một ý nghĩa văn hóa được gửi gắm từ các thế hệ đi trước.
Lý giải về nguồn gốc của khăn rằn, diễn giả Hồ Nhựt Quang cho biết chiếc khăn rằn vốn có nguồn gốc từ người Khmer. Vì Nam Bộ là nơi có nhiều dân tộc sinh sống cùng nhau như Khmer, Chăm, Hoa,… vì vậy người Việt cũng chịu ảnh hưởng từ văn hóa của các dân tộc này, trong đó có dân tộc Khmer.
Trong tín ngưỡng của người Khmer theo đạo Hindu, người dân thờ ba vị thần gồm: Thần Shiva (Thần Hủy Diệt), Thần Brahma (Thần Sáng Tạo), Thần Vishnu (Thần Bảo Hộ). Thần Vishnu luôn cưỡi trên mình rắn thần Naga. Vì lòng tôn kính thần Vishnu, người Khmer đã dệt ra chiếc khăn với những đường kẻ caro và gọi là Krama. “Người dân dùng khăn Krama này để quấn cổ khi làm ngoài đồng hoặc quấn trên đầu, khi ma quỷ nhìn thấy thì biết được rằng đây là con cháu của thần Vishnu sẽ không dám đụng vào”, diễn giả Hồ Nhựt Quang cho biết.
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang tiếp tục cắt nghĩa hình ảnh khăn rằn và nón lá.
Giải thích thêm về việc người dân quấn khăn rằn trên đầu, Hồ Nhựt Quang chia sẻ: “Do Nam Bộ có nhiều người giỏi về Nho – Y – Lý – Số nên họ biết cách chữa bệnh và vị trí các huyệt đạo trên cơ thể. Trong đó, vùng trán có huyệt Ty Trúc, sau gáy có huyệt Tân Thức, trên đỉnh đầu là huyệt Bách Hội,… Khi làm việc đồng áng, người dân quấn khăn này trên đầu thì các huyệt đạo được phong bế. Dù thời tiết thay đổi thế nào thì cơ thể cũng không nhiễm bệnh. Đối với phụ nữ thì dễ yếu nhất là huyệt Bách Hội nên người ta quấn khăn che kín trên đầu rồi đội thêm chiếc nón”.
Nhờ sự giao thoa về văn hóa, chiếc khăn rằn không chỉ là vật dụng biểu tượng của người Khmer mà bao gồm cả người Việt ở Nam Bộ. Chiếc khăn rằn dần đi vào các tác phẩm văn hóa của người dân nơi đây.
Ngoài việc dùng để che nắng mưa, chiếc khăn rằn còn được người dân Nam Bộ dùng để làm nôi đưa bé ngủ. Thời kỳ chiến tranh, người dân còn dùng khăn rằn để che kín mặt trong các cuộc họp kín.
Đi cùng khăn rằn là chiếc nón lá đơn sơ nhưng mang ý nghĩa đạo đức đầy sâu sắc. Diễn giả Hồ Nhựt Quang cho biết, chiếc nón là có tổng cộng 16 vành tre, tượng trưng cho quan niệm “nam thất nữ cửu”. Theo định nghĩa của Đông y chữa bệnh ngày xưa, “nam thất nữ cửu” nghĩa là người đàn ông có 7 lỗ thoát khí, người phụ nữ có 9 lỗ thoát khí. Đối với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt thì thờ Cửu Huyền Thất Tổ (Cửu là 9, Thất là 7). Vì vậy nón lá không chỉ dùng để che nắng mưa mà còn tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên.
“Do thờ ông bà trên đầu nên người dân không dám dùng nón lá để lót ngồi, nếu dùng vào việc khác thì chỉ để trái cây tạm thời”, diễn giả Hồ Nhựt Quang chia sẻ. Ngoài chiếc nón lá, chiếc mấn mà diễn giả Hồ Nhựt Quang đang đội cũng có 7 vành, tượng trưng cho quan niệm “nam thất nữ cửu”.
Chiếc nón lá đã trở thành biểu tượng văn hóa của người dân Nam Bộ và chinh phục cả người phương Tây. Để chứng minh điều này, diễn giả Hồ Nhựt Quang tiết lộ kiến trúc sư thiết kế Bưu điện TP.HCM đã lấy hình ảnh của chiếc nón lá để làm biểu trưng của văn hóa địa phương, đặt ở đỉnh đầu của Bưu điện thành phố với vòm cung và những đường kẻ ô vuông.
Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, hiện nay mỗi chiếc nón lá có giá khoảng 35.000 – 40.000 đồng. “Có rất nhiều món đồ truyền thống của Việt Nam nếu chúng ta thổi hồn vào đó những câu chuyện văn hóa thì giá lại khác. Vì vậy một số điểm đến du lịch quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản có những vật dụng về truyền thống thường rất đắt giá”, khách mời chương trình bày tỏ.
“Kính đa chiều” – chủ đề tiếp theo Nghệ sỹ làm mẹ đơn thân với sự tham gia của host Minh Đức và danh ca Ngọc Ánh sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 2/4 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.