Văn hóa

Câu chuyện cuộc sống: Hướng con trẻ về nguồn cội trong ngày Tết

‘Câu chuyện cuộc sống’ tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện như: Hướng con trẻ về nguồn cội trong ngày Tết; Văn hóa xin chữ đầu năm; Mùng 3 Tết thầy – Nét đẹp truyền thống tôn sư trọng đạo.

Hướng con trẻ về nguồn cội trong ngày Tết

Tết cổ truyền là dịp mọi người quây quần, gìn giữ nét đẹp văn hóa thông qua các hoạt động như: Gói bánh chưng, đi chợ Tết, xin chữ đầu Xuân, du xuân. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm thích hợp nhất giúp các bậc phụ huynh hướng con cháu về nguồn cội.

Anh Quách Văn Khánh (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi rất mong muốn dịp Tết dẫn con cháu về quê chơi với ông bà. Bởi vì tôi muốn con cháu biết mình có nguồn gốc, ông bà là nguồn gốc, cháu phải biết ơn sinh thành, dưỡng dục đối với ông bà và cha mẹ”. Bà Nguyễn Thị Kiều (TP. HCM) chia sẻ: “Các cháu về thăm ông bà vào dịp Tết để thể hiện sự ấm cúng và hạnh phúc, nếp sống và văn hóa của mỗi gia đình”.

Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín (Chuyên gia Văn hóa) chia sẻ: “Các bậc phụ huynh áp dụng phương pháp giáo dục tổng quan bằng cách dẫn trẻ đến những nơi có đầy đủ phong tục, hoạt động ngày Tết, hoặc có thể dẫn dắt về quê hương, về ông bà để hiểu rõ về cội nguồn thông qua ngày Tết. Tết Việt không chỉ vui chơi giải trí, với phong tục “Mồng một chơi nhà, mồng hai chơi ngõ, mùng ba chơi đình” giúp các bạn hòa mình vào không khí lễ hội cũng như nâng cao sự giao tiếp người với người”.

Thạc sĩ Phan Bửu Toàn (Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn) chia sẻ: “Đối với trẻ, việc hiểu về quê hương của mình cũng là một điều quan trọng. Khi mà chúng ta hiểu về quê hương, hiểu về nét đặc sắc trong văn hóa của đất nước, điều đó được ví như thước đo của tình yêu quê hương đất nước mình, giúp cho những người đi xa luôn nhớ về”. Anh Lê Hoàng Minh Hùng (TP. HCM) chia sẻ: “Ba mẹ mình hay chở mình đi ăn Tết ở quê, đi lễ, đi đón giao thừa vào 12 giờ. Vì vậy, sau này mình có đi làm xa mình vẫn luôn nhớ về quê hương, cội nguồn”.

Hướng về nguồn cội ngày Tết là vô cùng quan trọng, để khi đi đến đâu các em luôn hướng về nguồn cội. Điều đó tạo một động lực để các em vượt qua, tranh thủ thời gian, cơ hội để có một mùa tết ấm cúng.

https://youtu.be/NzA9ZPWvYrw 

Văn hóa xin chữ đầu năm

Tết Nguyên Đán không chỉ là thời điểm gia đình sum họp, mà còn là thời điểm ta gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống. Phong tục “Xin chữ đầu năm” mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tinh thần hiếu học, khát vọng thành công, mong ước điều tốt đẹp trong năm mới. Đây là phong tục lâu đời, đến nay vẫn được gìn giữ.

Thạc sĩ Nguyễn Nữ Nguyệt Anh (Trưởng Khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Chữ gắn với tri thức. Thứ nhất, khi mà chúng ta xin được, nhận được từ những người thầy, người có tri thức cao, mang đến người nhận sự hân hoan và tự hào. Thứ hai, những chữ được cho mang ý nghĩa cao đẹp và tích cực như: Tài, Lộc, An,… Những con chữ hướng con người niềm tin mãnh liệt và thêm động lực tích cực cho năm mới”.

Bà Đặng Thị Thùy Trang (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) tiết lộ: “Ngày Tết tôi xin chữ “Phúc cho gia đình, cầu hạnh phúc, bình an”. Anh Nguyễn Minh Tuấn (Quận 10, TP.HCM) cho biết: “Khi nhận được chữ của ông Đ, mình rất vui và trân trọng. Đối với mình phong tục “Xin chữ đầu năm” là một nét đẹp văn hóa cổ truyền của người Việt”. Chị Trần Thị Thanh Xuân (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng xin chữ đầu năm, nhà tôi thường xin chữ “Bình An” cầu mong cả năm bình an, may mắn và hạnh phúc đến với gia đình”.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Khoa (Ngành Đông phương học, Trường Đại học Văn Lang TP.HCM) chia sẻ: “Từ lâu đời, người Việt Nam được biết đến với truyền thống hiếu học. Vì vậy, điều đầu tiên, việc xin chữ đầu năm mới thể hiện sự mong muốn, khát khao được học tập và học được đức tính tốt của những người thầy, ông Đồ, người cho chữ. Thứ hai, những con chữ treo trong nhà, nhắc nhở chúng ta cố gắng để thực hiện ước nguyện đã xin được”.

“Xin chữ đầu năm” là phong tục ý nghĩa, thể hiện khát vọng vươn lên, mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến. Vì thế phong tục vẫn luôn được bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện đại.

 https://youtu.be/WEqeWBW15nw

Mùng 3 Tết thầy – Nét đẹp truyền thống tôn sư trọng đạo

Câu nói dân gian “Mùng 1 Tết cha; Mùng 2 Tết mẹ; Mùng 3 Tết thầy” đã trở nên quen thuộc đối với người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về. Mùng 3 giúp học trò bày tỏ với thầy cô, gắn kết thầy trò, ôn lại kỉ niệm. Phong tục này đến nay vẫn được gìn giữ như một cách nhớ về nguồn cội.

Bạn Nguyễn Thị Mỹ Duyên (Sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: “Mùng 3 Tết Thầy mình thường đến nhà thầy cô để chúc Tết, hỏi thăm sức khỏe thầy cô, và mình biết ơn những kiến thức và bài học thầy cô đã dạy khi mình còn ngồi trên ghế nhà trường”. Bạn Phạm Hiếu Như (Sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: “Cảm ơn những người lái đò đưa em đến bến bờ thành công, chính vì điều đó em rất yêu quý thầy cô. Mùng 3 Tết hằng năm em đều đi thăm thầy cô”.

Ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) chia sẻ: “Gửi tấm thiệp bằng điện thoại, một câu chúc qua một tin nhắn điều đó rất hay, cần được giữ gìn. Dù chỉ là lời chúc dạng tin nhắn, về mặt tình cảm cho ta thấy được hình ảnh người thầy, người cô vẫn được ngự trị trong lòng học trò của mình. Không chỉ vào mùng 3 Tết, từ đêm giao thừa, mùng 1, mùng 2, mùng 3 tôi nhận được rất nhiều lời chúc Tết từ học trò, tôi cảm thấy rất vui khi học trò luôn nhớ tới thầy cô”.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Khoa (Ngành Đông phương học, Trường Đại học Văn Lang TP.HCM) chia sẻ: “Đối với văn hóa Việt Nam, đó là văn hóa của truyền thống nho học, văn hóa của hiếu học. Thầy cô là người dẫn dắt, nuôi lớn ta trong quá trình trưởng thành, nên người và thành đạt. Việc dành ngày mùng 3 tỏ lòng thành kính và tri ân thầy cô là nét đẹp trong văn hóa Việt NamChúng ta có nhiều cách để tri ân, nhớ ơn thầy cô, có thể bằng một tin nhắn, một lời chúc cũng làm thầy cô vui lòng”.

Mùng 3 Tết thầy là một nét đẹp trong văn hóa dân tộc. Phát huy phong tục này không chỉ là giữ gìn nét văn hóa truyền thông mà còn là nuôi dưỡng lòng biết ơn, sự kính trọng. Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp nối và bảo tồn giá trị văn hóa của cha ông.

 https://www.youtube.com/watch?v=D5d7IvUxvMQ&feature=youtu.be 

“Câu chuyện cuộc sống” phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.