Trên trang Post Today, tác giả Kon Kijditthan đã có bài viết “Thứ người Thái Lan thua người Việt Nam hiện nay là lòng yêu nước” nêu góc nhìn của người Thái khi so sánh với Việt Nam.
Một số người Thái thích so sánh Thái Lan với Việt Nam nhưng có một câu chuyện là Việt Nam cao hơn Thái Lan.
Việt Nam không bằng Thái Lan về thu nhập. Nhưng Việt Nam thường được so sánh với Thái Lan về nhiều mặt, cả người Thái và người Việt đều có thói quen đó (có thể chứng kiến trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook hoặc YouTube).
Xét về thu nhập và mức độ phát triển, Thái Lan đang ở mức cố gắng thoát khỏi bẫy của các nước có thu nhập trung bình cao. Thái Lan có thể sẽ trở thành nước có thu nhập cao hoặc nước phát triển. Thái Lan có những người bạn ở một quốc gia khác đã cố gắng từ lâu nhưng không thành công, đó là Malaysia.
Vì vậy, nếu bạn định so sánh lẽ ra nên so sánh Thái Lan và Malaysia vì cùng một mô hình. Còn để so sánh với Việt Nam, đó là thước đo với vạch mốc cách nhau cả thế hệ. Khó thực hiện.
Nhưng có một số vấn đề mà Việt Nam có lợi thế hơn Thái Lan. Ví dụ, có một lượng lớn dân số trẻ, đó sẽ là sức mạnh để sản xuất và chi tiêu. Thái Lan sắp trở thành một xã hội già hóa với năng lực sản xuất kém hơn và người dân chi tiêu thấp. Nếu giải quyết được điểm này, chắc chắn Thái Lan sẽ khởi sắc vượt bậc.
Đối mặt vấn đề này, Thái Lan đã thay đổi chiến lược để tập trung vào sức mua trong nước. Nhưng nếu hầu hết người dân trong nước là những người già về hưu thì sức mua cũng sẽ kém đi. Ngân hàng Thế giới gần đây đã cảnh báo rằng “Dân số già đang gia tăng nhanh chóng ở Thái Lan. Điều đó có nghĩa là tỷ trọng của các nhóm trong độ tuổi lao động trong dân số sẽ giảm xuống. Nếu không có những thay đổi khác, điều này sẽ làm giảm mức tăng trưởng GDP trên đầu người hằng năm”.
Theo báo cáo điều tra dân số năm 2019, Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng Việt Nam cũng sớm đối mặt với tình trạng dân số già. May mắn thay, tầng lớp trung lưu, hiện là 13%, sẽ trở thành 26% vào năm 2026.
Việt Nam không chỉ là cường quốc dân số trẻ. Quan trọng là giới trẻ vẫn có sức mạnh nội tại, ý thức dân tộc được định hình từ giai cấp đến giá trị xã hội.
Lật lại một định nghĩa về lòng yêu nước phổ biến của người Việt Nam do một doanh nhân ở TP.HCM bình luận trên Nikkei Asia, anh cho rằng ở Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc là niềm tin về bản sắc dân tộc được rèn giũa hàng ngàn năm để bảo vệ Tổ quốc khỏi những kẻ xâm lược tàn nhẫn. “Làm sao bạn có thể không tự hào khi tất cả các bài học lịch sử dạy bạn rằng đất nước nhỏ bé luôn có thể đánh bại mọi kẻ xâm lược, thường là từ những đội quân hùng mạnh nhất trên thế giới vào thời điểm đó, gồm Trung Quốc, Nguyên Mông, Pháp và Mỹ”.
Vị doanh nhân trên Nikkei cho rằng, do có niềm tin như vậy nên người Việt Nam nghĩ rằng bất cứ điều gì phục vụ lợi ích quốc gia, đều là đúng.
Trong khi ở Thái Lan, mặc dù tất cả người dân Thái Lan đều yêu nước như mọi người (theo một cách khác), nhưng chúng ta không giống như cách người Việt Nam yêu nước. Nhiều trường hợp, người Thái có tâm lý chối bỏ quốc gia vì bất mãn và không biết trút bỏ bức bách đi đâu trên đất nước mình. Có vẻ như người Thái đã đánh mất sự “Tin tưởng” trên chính đất nước của mình. Chủ nghĩa dân tộc của chúng ta vì thế không nói đến sự đoàn kết vốn đã quá khan hiếm, nhất là kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng chính trị cách đây gần hai thập niên.
Vì vậy, không có chính phủ Thái Lan nào có thể đoàn kết thành công người Thái. (Và ly tán còn rõ ràng hơn). Một số chính phủ cố gắng thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc của Thái Lan nhưng họ giẫm chân lên nhau theo những cách lỗi thời và khiến một số người từ ghét chính phủ chuyển sang ghét chính đất nước của họ.
Điều này trái ngược với chính phủ Việt Nam, luôn không ngừng giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc trong lãnh đạo đất nước. Ngay cả bây giờ cũng vậy.
Trong thời gian bùng phát COVID-19, Việt Nam đẩy mạnh tinh thần chủ nghĩa dân tộc thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Bằng cách sử dụng những bài hùng biện khơi dậy lòng yêu nước và trách nhiệm của mỗi công dân, chẳng hạn như tuân thủ quy định giãn cách, Việt Nam có một chiến dịch “Nếu bạn yêu đất nước và đồng bào của bạn, hãy đứng nguyên tại chỗ”
Những từ khóa là “Tổ quốc” và “đồng bào”, hai từ gợi cảm giác gắn bó, hòa quyện giúp người Việt Nam như thể đang chiến đấu trong cùng một chiến hào.
Truyền thông Việt Nam tích cực quảng bá về sự thành công của việc điều trị cho người nước ngoài. Kết quả ngày càng rõ ràng và các cuộc khảo sát trên mạng xã hội sẽ cho thấy rằng người nước ngoài lạc quan với Việt Nam và họ muốn chuyển đến làm việc tại đây nếu cuộc khủng hoảng COVID-19 kết thúc. Cả thế giới đều quảng bá miễn phí cho thành công của Việt Nam. Điều đó đã giúp Việt Nam thu hút được rất nhiều nhà đầu tư.
Mặc dù Thái Lan cũng đã nhận được nhiều lời khen ngợi, nhưng trong một phạm vi hạn chế, điều đó phản ánh sự thất bại của chính phủ trong việc quảng bá tuyên truyền. Họ không hề chuẩn bị để quảng bá hình ảnh trước đó.
Còn các anh chị em Thái, một số không theo chủ nghĩa dân tộc, một số lại chế giễu chủ nghĩa dân tộc là tụt hậu, bất chấp thực tế chủ nghĩa dân tộc đang xây dựng Việt Nam trở nên lớn mạnh hơn.
Tên gọi của chiến dịch kiểm soát COVID-19 của chính phủ Thái Lan, chẳng hạn như Thái Lan thắng lần nữa và nhiều trận thắng nữa, cũng phản ánh khái niệm dân tộc chủ nghĩa, nhưng những người “chỉ trích” trong nhà chúng ta không thích thế. Một số người chỉ trích việc gọi nhân viên y tế là: “Chiến binh phòng thí nghiệm” hay “Chiến binh áo trắng” là một biểu hiện nghiêm trọng của hiếu chiến!
Chính phủ cũng bị chế giễu khi chi 30 triệu baht để làm một bộ phim yêu nước. Đối với những người được lòng chính quyền, khi xem, cảm thấy hài lòng. Nhưng những người ghét chính phủ xem xong lại nói: tiền nên được sử dụng vào việc gì đó có lợi hơn.
Ý tưởng thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc là “ổn”, nhưng cách tiếp cận của chính phủ là “sai lầm” vì nó không xét vào thực tế là nhiều người Thái cũng không thích chính phủ, và thất vọng với việc bị buộc phải yêu đất nước từ một chính phủ mà họ không hài lòng.
Người Thái không giống Việt Nam vốn chấp hành nghiêm ngay cả lệnh rẽ trái, rẽ phải. Người Thái yêu tự do hơn tất cả. Cũng như câu nói “Hãy làm những gì bạn muốn, thế mới là người Thái đích thực”.
Người Việt Nam yêu nước và làm điều đó vì trong lịch sử hàng thiên niên kỷ, người Việt Nam luôn phải đối mặt với những cuộc xâm lăng từ các cường quốc. Họ hiện vẫn luôn cảnh giác các nguy cơ từ Trung Quốc. Người Việt Nam có khẩu hiệu mà toàn dân hưởng ứng: Yêu nước và hành động hơn nữa; Cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; Phát triển công nghệ; Và làm cho đất nước trở nên hấp dẫn với đầu tư.
Hãy nhìn lại Thái Lan. Thái Lan chưa bao giờ chịu sức ép từ bên ngoài. Chúng ta chỉ có những mâu thuẫn nội bộ làm suy yếu bản thân. Không có chủ nghĩa dân tộc. Không đoàn kết. Nếu Thái Lan vẫn đang đi trên con đường này thì tương lai của chúng ta có thể đen tối.
Không chỉ vậy, ở Thái Lan dường như từ “chủ nghĩa dân tộc” còn bị nhiều người ngầm dè bỉu vì cho rằng nó là thủ phạm của các cuộc xung đột quốc tế. Họ không nghĩ rằng chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy đất nước tiến lên.
Nếu chúng ta không phổ biến tình yêu nước, chúng ta có thể cạnh tranh với ai? Bạn đã thấy hết mọi thứ khi so sánh Thái Lan với Việt Nam? Vậy chúng ta (Thái Lan) thiếu gì? Nhưng họ (Việt Nam) có đầy đủ.
Theo Anh Tú/1thegioi.vn