Trải qua hai đời buôn bán, bánh mì Bà Tàu (quận Gò Vấp, TP.HCM) đã trở thành món ruột của nhiều người dân Sài thành bởi hương vị riêng và giá cả phải chăng.
Hơn 40 năm nay tiệm bánh mì Bà Tàu tại đường Lê Đức Thọ đã trở thành quán ruột của nhiều người dân cư ngụ ở quận Gò Vấp, TP.HCM.
Tầm 16h, cô Liêu Ngọc Thanh (62 tuổi) bắt đầu kéo xe bánh mì ra trước hiên nhà, chuẩn bị đón khách. Cô cẩn thận chuyển từng dĩa thức ăn, xếp bánh ngay ngắn lên kệ. Nhiều vị khách đã chờ sẵn trước cửa để đợi cô mở hàng.
Tiệm bánh mì của cô Thanh không có biển hiệu. Nhiều thực khách gắn bó lâu năm với tiệm quen gọi là “bánh mì Bà Tàu” hay “bánh mì Bà Lang” vì trước đây nhà cô mở hiệu thuốc Bắc.
Tiệm bánh mì Bà Tàu thu hút thực khách với các loại nhân đa dạng.
Theo lời kể của cô Thanh, ngày xưa, bố cô di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam để làm ăn. Ông gặp mẹ cô, bà Bùi Thị Hương (97 tuổi), hai người kết duyên và cùng nhau lập nghiệp tại Sài Gòn.
Từ khi ông mất, bà Hương mở tiệm bánh mì để mưu sinh, tiếp tục nuôi nấng 3 con gái. Vì thế, mọi người thường gọi như vậy để dễ hình dung.
Tiệm bánh mì 40 tuổi
Cô Thanh bắt đầu thay mẹ buôn bán từ năm 17 tuổi. Hồi đó, tiệm bánh nhà cô chỉ bán các món đơn giản như thịt nguội, thịt nướng, pate. Từ lúc nối nghiệp mẹ, cô bổ sung thêm nhiều món mới cho đa dạng như bò lá lốt, trứng, xíu mại.
Chỉ với 15.000 đồng/ổ, thực khách có thể thưởng thức tất cả loại nhân.
Mở hàng từ 4h chiều, quầy bánh mì của cô lúc nào cũng đông đúc. Những ngày trong tuần, cô bán một loáng đến 7-8h tối là hết bánh.
Tiệm bánh mì hơn 20 năm qua chưa bao giờ tăng giá.
Bí quyết làm nên hương vị độc lạ của bánh mì Bà Tàu là xíu mại. Thay vì dùng pate như các tiệm khác, cô sử dụng phần xíu mại để tráng ruột bánh, khiến vị lạ và mới mẻ hơn. Xíu mại được cô xay từ cà rốt và củ đậu, thêm một ít gia vị theo công thức riêng.
Chị Diễm Chi (42 tuổi, Gò Vấp) thường chở con gái nhỏ ra đây vào những buổi chiều vắng khách. Món chị thích nhất là bánh mì thịt nướng.
Tiệm bánh mì của cô Thanh được người dân Sài thành yêu thích.
“Bánh mì ở đây tuyệt vời nhưng đứng chờ rất mỏi chân. Có những hôm phải chờ nửa tiếng mới tới lượt mình mua. Tôi ăn hết các nhân bánh ở đây rồi, nhưng thấy ngon nhất vẫn là thịt nướng. Xíu mại cũng ngon, thấy lạ miệng nên ăn hoài, không muốn đổi tiệm khác”, chị Chi nói.
Ngoài ra, một trong những điểm đặc biệt khiến tiệm trở nên nổi tiếng là món bánh mì bò lá lốt kết hợp với đậu phộng băm nhuyễn.
Chỉ bán đúng 200 ổ/ngày
Tầm 17h30, khách đến dồn dập hơn, cô Thanh vừa nghe yêu cầu của khách, vừa nhanh tay làm bánh. Do đã có tuổi, chân bị đau nhức khi đứng lâu nên mỗi ngày cô chỉ bán đúng 200 ổ.
Tiệm chỉ có một mình cô quán xuyến. Phần nguyên liệu khá nhiều nên cô chuẩn bị từ sáng sớm đến tận trưa. Buổi sáng nướng thịt, làm bò lá lốt, buổi trưa chiên trứng, xắt rau củ.
Vì chỉ có một mình cô đứng bán nên khách phải đợi khá lâu mới nhận được bánh mì. Tuy nhiên, ai cũng kiên nhẫn chờ đợi, không hối thúc, nhăn nhó. Nhiều người chạy ngang thấy đông khách nên đành ghé lại sau.
Tiệm bánh mì Bà Tàu bắt đầu đông hơn từ 17h trở đi.
Có duyên bán hàng, cô được khách ủng hộ, có người còn giới thiệu cho bạn bè ở nước ngoài. Khách đến đây mua vào lúc thưa người thường hay nán lại trò chuyện với cô về gia đình, công việc.
“Từ lúc nối nghiệp mẹ đến giờ tiệm nhà cô cũng bình bình, không có khó khăn gì. Chỉ là những lúc có dịch thì bán chậm hơn một chút thôi. Cô không quan trọng tiền bạc gì, trời cho nhiêu ăn nhiêu. Khách thấy ở đây ngon, chất lượng, ghé mua ủng hộ hoài là cô vui rồi”.
“Bán một mình cũng có cái hay riêng, được nói chuyện với khách nè. Đáng lý ở tuổi của cô là phải nghỉ hưu rồi nhưng mà ở một mình cũng buồn lắm, nên lại bày ra bán, có đồng ra đồng vô”, cô Thanh tâm sự.
Nhờ hương vị mới lạ và sự giản dị của người chủ tiệm, không ít người dân ở khu vực này đã trở thành khách ruột của bánh mì Bà Tàu.
Chú Tuấn là khách ruột của bánh mì Bà Tàu hơn chục năm qua.
Chú Phạm Quốc Tuấn (49 tuổi, quận 12) là khách hàng thân thiết ở đây khoảng 15 năm. Mấy năm trước, chú Tuấn là nhân viên của xưởng sản xuất giày da gần đây nên chiều tan làm hay ghé mua.
Dù đổi sang khu vực khác sinh sống, chú vẫn thích ăn bánh mì ở đây nhất. Thấy bánh mì ngon, rẻ, chú hay giới thiệu cho bạn bè mua cùng.
“Nghề của chú phải rong ruổi khắp Sài Gòn. Nhưng mà đi đâu thì đi đến chiều là chú chạy lại đây mua bánh mì. Chú thì thường hay ăn thập cẩm tại bả bán nhiều loại quá không biết chọn cái gì nên ăn hết vậy”, chú Tuấn cười, kể.
Cô Thanh dự định bán thêm vài năm nữa rồi truyền nghề lại cho cháu gái. “Cô cũng lớn tuổi rồi, bán được thêm bao nhiêu năm thì hay tới đó. Bí quyết giữ khách thì cô không có, cô chỉ bán thật tâm, đặt chất lượng lên hàng đầu thôi”.
Theo Phương Thảo – Phụng Tiên/Zing.vn