Sức khỏe

Người bệnh mạch vành tăng mạnh

Ông Hùng, 70 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp, các bác sĩ phải đặt ECMO và can thiệp tim mạch để cứu sống.

Ông Hùng khó thở, tức ngực bên phải khi đang ngủ ban đêm, song sợ mất giấc ngủ của vợ con nên ông nằm yên, nén chịu. Đến sáng, ông đau dữ dội vùng xương ức, được các con đưa vào một bệnh viện gần nhà.

Vừa đến cổng viện, ông ngất xỉu. Các bác sĩ đã cho ông dùng máy thở, ép tim, bước đầu xác định ông Hùng bị nhồi máu cơ tim cấp. Sau đó, ông Hùng được chuyển đến Bệnh viện Tim Hà Nội với tình trạng gọi hỏi không trả lời, mạch không bắt được.

“Tiếp nhận ông Hùng trong tình trạng tim ngừng đập ngoại viện, không có mạch, các bác sĩ đánh giá khả năng sống của bệnh nhân lúc này chỉ còn 1%”, bác sĩ Hà Mai Hương, Trưởng khoa Hồi Sức tích cực, Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết.

Đây là một trong nhiều bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim tới cấp cứu trong thời gian qua.

Phó giáo sư Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết bệnh mạch vành xảy ra khi một hay nhiều nhánh của động mạch vành bị xơ vữa, hẹp lại và bị cản trở do những mảng bám hình thành và tích tụ bên trong mạch máu.

Nguyên nhân chính của nhồi máu cơ tim là do có một cục máu đông đột ngột di chuyển tới nơi động mạch bị hẹp và cứng, nó gây tắc mạch máu và chặn nguồn cung cấp máu cho tim, gây tổn thương vĩnh viễn.

“Năm 2020, bệnh viện đã phẫu thuật 280 ca bệnh mạch vành, độ tuổi từ 60-80, nhưng nhiều ca chỉ 30-40 tuổi. Trong đó, nhồi máu cơ tim chiếm 1/3”, bác sĩ Hiền nói.

Bác sĩ Hiền cho biết, thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc bệnh vành vành có xu hướng tăng. Người bị tổn thương nhiều mạch vành nhẹ thì có thể nong bóng, đặt stent, không mổ. Tuy nhiên, khi bị hẹp nhiều nhánh, các mạch tổn thương nhiều trên nền rối loạn mỡ máu, tiểu đường, thì phải mổ mới có thể cứu sống. Số lượng bệnh nhân mạch vành phải phẫu thuật tăng 135% so với năm trước.

Ngoài ra, với người bị bệnh mạch vành, tim phải hoạt động mệt nhọc hơn để có thể lưu thông máu. Điều này sẽ làm cho tim nhanh chóng bị suy yếu và dẫn đến những nguy cơ gây suy tim, loạn nhịp tim. Đây là những biến chứng rất nguy hiểm của căn bệnh.

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội can thiệp một ca bệnh tim mạch. Ảnh: Hùng Ngô.

Theo bác sĩ Hiền, bệnh lý tăng lên do những yếu tố như ăn uống nhiều chất béo, uống rượu bia, hút thuốc lá, giảm vận động thể dục, stress,…

“Mạch vành cũng giống như ống nước, khi các mảng bám càng càng đầy lên, đến một lúc nào đó sẽ tắc, máu không thể lưu thông, dẫn đến cơ tim bị hoại tử. Có trường hợp bị thủng tim, các bác sĩ phải phải vá lại”, ông Hiền nói.

Để phát hiện bệnh sớm, mọi người cần chú ý đến cơ thể mình. Các bệnh này được báo trước bởi những triệu chứng như mệt mỏi, đau ngực. Người từng có những rối loạn như xét nghiệm mỡ máu tăng cao, gia đình tiền sử như bố mẹ, anh chị em mắc bệnh, cũng cần phải theo dõi.

Người dân hạn chế ăn mỡ động vật, uống ít bia rượu, không hút thuốc lá vì đây là nhân tố gây viêm lòng mạch. Nếu phát hiện bị xơ vữa, bệnh nhân cần uống thuốc hạ mỡ máu, điều chỉnh chế độ ăn, tăng thể dục để lưu thông khí huyết.

Theo Lê Nga/Vnexpress.net