Trong chương trình ‘Vali cảm xúc’, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A chia sẻ áp lực cho người phụ nữ bị áp lực muốn bỏ nghề sau 17 năm làm hộ sinh.
Trong tập 20 chương trình “Vali cảm xúc” vừa lên sóng với sự dẫn dắt của Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A. Khách mời tuần này là Vũ Thị Chinh, làm nghề hộ sinh. Chị Chinh kéo theo chiếc vali có chứa những đồ vật mang theo những kỷ niệm vui buồn trong công việc của mình.
Món đồ đầu tiên mà chị Vũ Thị Chinh mang đến chương tình là một bộ đồng phục đi làm của mình. Chị Chinh sử dụng từ “Lương y” để làm từ khóa cho bộ đồng phục hộ sinh đã gắn bó với mình nhiều năm. Chị cho biết bản thân bước vào ngành y năm 2008, đến nay đã hơn 17 năm vui buồn với nghề. Những món đồ khác có trong vali của chị Chinh lần lượt là: Một bó hoa được làm thủ công do bệnh nhân tặng, gắn với từ khóa “Trách nhiệm”; Một chiếc thiệp cảm ơn gắn với từ khóa “Hạnh phúc”,…
Chị Vũ Thị Chinh cho hay, công việc hộ sinh chị đang làm đòi hỏi phải luôn trách nhiệm, luôn biết tròn bổn phận và làm tốt công việc của mình. “Phải làm sao để bệnh nhân họ được chăm sóc tốt, xuất viện một cách tốt và an toàn nhất. Nhưng cũng có những điều khiến mình phải trăn trở, phải suy nghĩ hằng ngày. Do công việc không thể tránh khỏi sẽ có những sai sót y khoa dẫn đến trách nhiệm lớn lắm. Và mình đã phải suy nghĩ nhiều, áp lực từ nhiều phía nên mình từng không biết bản thân có nên tiếp tục công việc đang chọn không hay mình nên nghỉ ngang”, chị Chinh bộc bạch.
Chị Vũ Thị Chinh, làm nghề hộ sinh kéo theo chiếc vali có chứa những đồ vật mang theo những kỷ niệm vui buồn trong công việc của mình.
Nói về công việc hộ sinh, chị Chinh cho biết bản thân cũng là một người mẹ, cũng từng sinh con và sinh non nên hiểu được cảm giác của những người làm cha mẹ vừa có con. Đó cũng là nỗi trăn trở của các nhân viên y tế đang được gửi gắm trách nhiệm chăm sóc các bé nhỏ sinh non, được chăm sóc ở phòng đặc biệt. Chị Chinh nói: “Mình phải xem con người ta như con mình mà chăm sóc thật tốt. Phải chăm sóc các con hết khả năng để đủ sức khỏe về với mẹ, vì chỉ có mẹ mới là người có thể chăm sóc các con tốt nhất”. Và đa số công việc chính của chị Chinh là chăm sóc các bé sinh non, nhiều bé có bệnh lý nên trọng trách của hộ sinh rất lớn, đó cũng là điều trăn trở của nhiều đồng nghiệp. Chính trách nhiệm công việc, nhiều áp lực từ gia đình bệnh nhân, đồng nghiệp trong công việc cũng như chuyện “cơm áo gạo tiền” không ít lần khiến chị Chinh muốn bỏ nghề.
Song, chính những điều bất ngờ gặp phải trong cuộc sống làm cho chị Chinh quyết định tiếp tục với nghề. “Đó là bó hoa, bức thư của bệnh nhân làm tặng đã khiến mình lung lay, nó làm mình thấy cân bằng lại tâm lý. Mình nhận ra những điều mà có tiền cũng không mua được”, chị nói. Hay trong một lần chị Vũ Thị Chinh đi du lịch để thư giãn sau những mệt mỏi của công việc. Trên chuyến bay, bất ngờ có một hành khách nước ngoài bị đột quỵ cần được giúp đỡ. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành y, chị nhanh chóng hỗ trợ và sau hơn 10 phút thì cứu được vị khách. Chị Chinh nhận được sự cảm kích từ bệnh nhân, đồng thời được tổ bay tặng một chiếc thiệp cảm ơn. Những tình cảm, những điều ý nghĩa mà mình bất ngờ nhận được nhờ kinh nghiệm trong công việc đã níu chị Chinh ở lại với nghề và trân trọng những gì mình làm hơn. Chị xem những lần nhận được tình cảm của mọi người xung quanh khiến chị không từ bỏ và hiểu rằng công việc của mình rất ý nghĩa. Do đó, với 17 năm làm hộ sinh thì chị Chinh luôn cho rằng là do “nghề chọn người”.
Tiến sĩ Tô Nhi A bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn mà nhân viên y tế đang gặp phải. Cô cho rằng người làm ngành y thường gắn với sức khỏe bệnh nhân, có trách nhiệm lớn nên nhiều áp lực và thậm chí là dẫn tới việc ảnh hưởng sức khỏe tinh thần của chính mình. Tuy nhiên, nữ tiến sĩ muốn chị Chinh hãy thay đổi cách nhìn, hãy thật sự cảm nhận niềm vui của nghề chứ đừng có suy nghĩ “nghề chọn người” nữa. Cô cho rằng, nếu chỉ làm vì “phải làm” do “nghề đã chọn mình” thì chị Chinh sẽ mãi áp lực. Tô Nhi A khẳng định, với những câu chuyện mà chị Chinh chia sẻ có thể thấy nhân vật là người lành nghề, thật sự phù hợp với nghề chứ không phải do “nghề chọn người” mà làm được đến 17 năm. Nữ tiến sĩ mong nhân vật hãy thật sự vui với nghề, thay đổi cách nhìn khi làm việc để không còn chuyện thường xuyên có “áp lực” xảy ra.