Mới đây, ê-kíp phim điện ảnh về dị bản kinh dị Tấm Cám tung video hậu trường đầu tiên, hé lộ hành trình tìm về các phiên bản Tấm Cám đầy đa dạng để bắt tay sáng tạo nên một dị bản kinh dị mới lạ thết đãi khán giả Việt Nam trong thời gian tới. Qua đó, nhà sản xuất Con Cám chính thức công bố tên mới của dự án là CÁM.
Hành trình từ truyện cổ tích người Việt nào cũng biết đến dị bản kinh dị trên màn ảnh
Có thể nói, Tấm Cám là một trong những câu chuyện cổ tích nổi tiếng nhất khi tồn tại vô số phiên bản độc đáo trên toàn thế giới. Tính đến nay, tuỳ vào độ phong phú của mỗi nền văn hoá và sức sáng tạo của những nhà văn, nhà làm phim, đặc biệt nhất là “các tác giả dân gian” truyền miệng qua nhiều thế hệ đã khiến câu chuyện Tấm Cám được lưu truyền trong muôn vạn phiên bản. Trong số đó, một số phiên bản Tấm Cám nổi tiếng nhất phải kể đến là cô nàng Lọ Lem Cinderella và đôi giày thuỷ tinh vốn bắt nguồn từ châu Âu và mở rộng với các phiên bản Cendrillon ở Pháp, Cenerentola ở Ý, Cenusotca ở Rumani, Cernuska hay Doluska ở Nga; hay nàng Tây An của Trung Quốc, Noọng Kảo và con cá vàng xứ Thái Lan, đến cổ tích Con rùa từ Myanmar… Ngoài ra, các quốc gia châu Á như Philippines, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng sở hữu những biến thể riêng biệt của Tấm Cám, tất cả phiên bản mỗi nước đều nổi tiếng được lưu truyền qua nhiều đời. Ngoài tồn tại dưới hình thức cổ tích truyền miệng, Tấm Cám còn liên tục được sáng tạo chuyển thể thành nhiều tác phẩm nghệ thuật từ những vở opera, phim hoạt hình, điện ảnh, sitcom, kịch nói từ quốc tế nói chung đến khu vực lãnh thổ nước Việt Nam ta nói riêng.
Tấm (Rima Thanh Vy)
Cám (Lâm Thanh Mỹ)
Hai Hoàng (Quốc Cường)
Thuý Diễm (Bà Kế)
Chỉ tính riêng Việt Nam, Tấm Cám cũng xuất hiện ở nhiều phiên bản được kể lại từ Tấm Cám miền Bắc, Trung, Nam, miền Tây với mỗi phiên bản đều mang nét đặc sắc riêng, góp phần làm phong phú kho tàng truyện cổ tích Việt Nam như cô Tấm làng Mai, giai thoại về Thái phi Ỷ Lan. Ngoài ra, trong lĩnh vực giải trí nói chung, công chúng Việt ở nhiều độ tuổi cũng có kết nối quen thuộc với Tấm Cám qua các tác phẩm giải trí lấy cảm hứng từ cổ tích nổi tiếng qua âm nhạc, kịch nghệ, phim ảnh. Điều này chính là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của Tấm Cám – câu chuyện chứa yếu tố văn hóa dân gian Việt Nam mang tiềm năng khai thác và sáng tạo to lớn.
Nói về dự án điện ảnh Cám, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: “Tấm Cám ngoài việc là một trong những câu chuyện có nhiều dị bản nhất trên toàn thế giới, phiên bản Tấm Cám ở Việt Nam còn chứa đựng nhiều chi tiết rất tiềm năng cho một phiên bản kinh dị, đó là nguồn cảm hứng to lớn đầu tiên của chúng tôi trong vai trò người kể chuyện. Tất cả chúng ta ít nhiều đều nghe nói đến các chi tiết trả đũa: gội đầu, trút tép, chặt cau, làm mắm… ở hầu hết các phiên bản nhưng chưa có dịp khắc hoạ sâu hơn về câu chuyện, tính cách và những biến cố thúc đẩy sự kiện xảy ra.”
Nhà sản xuất Hoàng Quân chia sẻ tâm huyết: “Với Cám, chúng tôi muốn cùng khán giả khám phá một góc nhìn mới lạ hơn về một câu chuyện cổ tích trên màn ảnh rộng cũng như lần nữa đưa những chất liệu văn hoá của Việt Nam thêm một lần gần gũi, lạ mà quen với công chúng trong và ngoài nước”.
Một số hình ảnh hậu trường phim dị bản Tấm Cám kinh dị
Để Cám không chỉ là một tác phẩm đơn thuần kể lại câu chuyện Tấm Cám, đạo diễn Trần Hữu Tấn và ê kíp của NSX Hoàng Quân đặt mục tiêu khai thác những góc khuất đen tối, huyền bí và mang đến một trải nghiệm kinh dị độc đáo cho khán giả đặc biệt là nhóm khán giả trẻ qua sự đầu tư kỹ lưỡng về hệ thống các nhân vật, thế giới kinh dị đậm chất Việt Nam với bối cảnh ấn tượng, dàn diễn viên có diễn xuất thuyết phục.
Vùng đất Quảng Trị lần đầu xuất hiện trong khung hình điện ảnh đầy kì bí
Để mang đến trải nghiệm chất lượng, việc đầu tư tìm kiếm bối cảnh cũng không kém phần quan trọng, đạo diễn Trần Hữu Tấn đã cùng ekip tìm ra những bối cảnh mới mẻ có tính kể chuyện, phù hợp với chất ma mị của bộ phim và tăng độ độc đáo, hấp dẫn với khán giả. Chính vì vậy, trong hành trình đi tìm bối cảnh, ekip Cám đã chọn bối cảnh chính ghi hình tại Quảng Trị nhằm đem lại những thước phim điện ảnh lần đầu tiên về vùng đất này, nơi được ban tặng nhiều vẻ đẹp thiên nhiên mới mẻ – kì lạ, vô cùng phù hợp chất kinh dị kỳ ảo – cổ trang của Cám. Còn một kỉ niệm thú vị không kém khi Cám là đoàn phim đầu tiên đến vùng đất Quảng Trị ghi hình phim điện ảnh dưới cái nóng đỉnh điểm 42 độ C. Điều kiện nhiệt độ này gần như đối lập hoàn toàn với cái lạnh dưới 5 độ C mà ekip đã từng trải qua khi ghi hình Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn tại làng Sảo Há (Hà Giang). Điều này cũng thể hiện tâm huyết đầu tư của toàn bộ ekip với mong muốn đem lại những khung hình điện ảnh hứa hẹn nhiều mới lạ cho khán giả Việt.
CÁM là dự án điện ảnh được thực hiện bởi ê-kíp Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn, từ đạo diễn Trần Hữu Tấn và NSX Hoàng Quân. CÁM là dị bản kinh dị đẫm máu từ câu truyện cổ tích nổi tiếng Tấm Cám, dự kiến khởi chiếu ngày 27.9.2024.