“Đêm tối rực rỡ” khắc họa bi kịch của một gia đình tại tang gia. Không khí ngột ngạt dưới khung cảnh trời đêm u tối của phim đem đến nhiều cảm xúc lẫn nỗi ám ảnh.
Kịch bản sáng tạo
Được gọi là “Hạnh phúc của một tang gia” bản điện ảnh, “Đêm tối rực rỡ” khai thác những câu chuyện bi kịch của một gia đình thông qua hàng loạt mâu thuẫn bùng nổ trong đám tang. Phim mở đầu ấn tượng bằng tiếng nhạc ma chay rình rang đặc trưng của văn hóa miền Nam Việt Nam với hình ảnh tang lễ của người ông tên Sáng, người chủ của gia đình.
Đám tang trong phim được diễn tả là một sự kiện đau buồn, mất mát, tang thương nhưng vẫn rực rỡ màu sắc
Ngày tang tóc này những cũng là dịp để các thế hệ con cháu trong gia đình ông Sáng đoàn tụ, gặp lại sau khi xây dựng những cuộc sống riêng. Tuy nhiên, họ không chỉ cùng chia sẻ nỗi đau mất mát mà còn lao vào các cuộc chiến, tranh giành, đùn đẩy… căng não và dồn dập trải đều suốt hơn 100 phút phim.
80% thời lượng “Đêm tối rực rỡ” đều xoay quanh căn nhà của và lễ tang của ông Sáng. Bối cảnh ngôi nhà đơn giản thể hiện ý đồ của vợ chồng đạo diễn Aaron Toronto – Nhã Uyên là muốn khán giả tập trung hoàn toàn vào gia đình ông Sáng.
Nạn bạo lực gia đình được “Đêm tối rực rỡ” thể hiện chân thật
Bởi sự ra đi của ông Sáng hóa ra chính là bước đệm để toàn bộ góc khuất của gia đình bị phanh phui. Ngọn nguồn các bi kịch đều bắt nguồn từ con ông Sáng – Toàn (Huỳnh Kiến An đóng) là gã đàn ông chuyên bạo lực gia đình, kinh doanh thất bại và đang thiếu nợ trầm trọng. Tiền của đất đai trong nhà đều bán mất vì Toàn. Thói bạo lực vũ phu của ông khiến con cái như Xuân Thanh (Nhã Uyên), Kim Bảo (Kim B) chịu nhiều di chứng nặng nề về tinh thần lẫn thể xác từ nhỏ đến khi trưởng thành.
Huỳnh Kiến An thể hiện xuất sắc vai Toàn vừa bạo lực, ham tiền, vô trách nhiệm và “trọng nam khinh nữ”
Mặt tối và hệ luỵ của nạn bạo lực gia đình được “Đêm tối rực rỡ” truyền tải rất tốt qua từng chi tiết. Mạch phim nhanh khiến người xem phải hồi hộp, thấp thỏm. Chứng kiến từng tên giang hồ đến đòi nợ ông Toàn và hại gia đình ông, bầu không khí tác phẩm cũng thêm phần nặng trịch, tất cả nhân vật phải chạy đua với thời gian mà không biết được vào sáng ngày mai sẽ lại là rực rỡ hay đoạn trường.
“Đêm tối rực rỡ” mượn hình ảnh của một đám tang, để khơi lên những nỗi thống khổ sâu kín nhất lèn giữa những thành viên trong một gia đình. Những thước ngoài tính mỹ thuật thì điều tiên quyết chính là sự chân thật
Đám tang của ông Sáng như một ngày đoàn tụ hiếm hoi, là những phút giây bình yên của con cháu trước giông bão
Dàn diễn viên xuất sắc và hiệu ứng hình ảnh/âm thanh chỉn chu
Mỗi nhân vật trong “Đêm tối rực rỡ” đều có một “sân khấu” riêng và dàn diễn viên đều thể hiện tốt nhiệm vụ của mình. Tài tử kỳ cựu Huỳnh Kiến An đem đến một ông Toàn đáng ghét đến cùng cực, vô trách nhiệm, bạo lực và “chai mặt” ép cả gia đình phải cùng gánh số nợ khổng lồ mà hắn gây ra. Từng điệu bộ và cử chỉ đê hèn của nhân vật đều được Huỳnh Kiến An hoàn thành xuất sắc.
Bạn diễn của Huỳnh Kiến An là Phương Dung (vai bà Gái, vợ ông Toàn) cũng đóng tròn vai một bà vợ ít có tiếng nói trong gia đình. Nét nhẫn nhục và ham hư vinh của bà Gái được khắc họa tròn trịa, không quá lố.
Trong khi đó, diễn xuất của Nhã Uyên là điểm sáng lớn nhất của “Đêm tối rực rỡ”. Cô gây ám ảnh bởi khả năng thể hiện quá chân thật vai Xuân Thanh, một cô gái bị bệnh trầm cảm nặng nề vì từng bị bạo lực gia đình trầm trọng và trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ với Dũng (Huỳnh Đông đóng).
Huỳnh Đông xuất hiện ít nhưng vẫn gây chú ý
Những cảnh Xuân Thanh mệt mỏi với thực tại, đau đáu mỗi khi nhớ về quá khứ chịu bố ruột đánh đập hay tự hành hạ bản thân đều được Nhã Uyên thể hiện rất xuất sắc. Đáng chú ý, Nhã Uyên cũng thật sự mang bầu khi đóng “Đêm tối rực rỡ”. Sự hi sinh vì nghệ thuật của nữ diễn viên khiến khán giả thán phục.
Còn Kim B (vai Kim Bảo), Vũ Xuân Trang (vai Kim Hoàng), Diễm Phương (vai Bích Ngọc)… cũng đóng tròn vai. Riêng màn thể hiện của gương mặt mới Kim B trong “Đêm tối rực rỡ” gây bất ngờ lớn.
Kim B (phải) trong một cảnh diễn tay đôi với Huỳnh Kiến An
Các yếu tố về ánh sáng, bối cảnh… của “Đêm tối rực rỡ” đều tăng sự trải nghiệm cho khán giả khi thưởng thức. Các nhân vật cùng tề tựu trong một căn nhà có một đám tang, ánh sáng của từng khu vực đều khác nhau và có dụng ý riêng biệt. Nếu ngoài sân là nơi mà mọi ánh đèn được tập trung, đủ màu sắc, giữa màn đêm thăm thẳm của bầu trời thì mỗi không gian trong nhà, mỗi căn phòng lại được sắp đặt những ánh sáng khác nhau, tương ứng với từng nhân vật. Có người chỉ lui cui dưới bếp, người thì hay chạy ra chạy vào, người thì nổi nóng, người lại chỉ im lặng…
Cách trang điểm của nhân vật không được quá hoàn hảo, nhưng cũng không thể hời hợt. Sự vụng về cố ý trong cách nhấn nhá phấn nền, môi son của các nhân vật như Xuân Thanh (ảnh) đều là những dụng công trong việc tạo hình nhân vật
Sự chân thật nhưng vẫn duy mĩ trong từng khung hình “Đêm tối rực rỡ” rất quan trọng và khó nhằn đối với makeup, stylist vì tạo ra được sự hài hoà bằng chính những gam màu, chất liệu tự nhiên nhưng vẫn đáp ứng được tính điện ảnh.
Những điểm trừ đáng tiếc
“Đêm tối rực rỡ” có điểm trừ lớn nhất là ở phần kết. Cuối cùng, sau tất cả, bộ phim khép lại một cách lưng chừng khi cả nhà ngồi trên xe đưa tang ông Sáng, và những khúc mắt của mọi người vẫn chưa được giải quyết triệt để mà chỉ được khắc phục một cách qua loa. Ông Toàn, kẻ “đầu xỏ” gây nên hàng loạt biến cố, lại chưa có sự trừng phạt nào.
Do thường quay đêm, nên đánh sáng cũng là điều cực kỳ quan trọng.
Bên cạnh đó, một số tình huống và nhân vật còn khiến người xem khó hiểu lẫn bức xúc, như sự cứng đầu của Xuân Thanh hay nét bất cần đời, nhưng nhát gan một cách khó hiểu của Jolie (con gái của nhân vật Kim Hoàng) đều gây ức chế. Vài điểm mấu chốt như chuyện tình cảm Xuân Thanh và chồng cũ Dũng (Huỳnh Đông đóng) trước – sau khi ly hôn, cũng không được phim giải thích rõ ràng.
Đương nhiên “Đêm tối rực rỡ” không thể nào là bộ phim hoàn hảo, nhưng sự sai sót của phim nằm ở mức có thể chấp nhận được. Tác phẩm đang được khán giả khen ngợi hết lời vì kịch bản sáng tạo và thực tế.
Theo Tạ Doãn/DDVN