Xuất hiện trong chương trình ‘Kính đa chiều’, nhà báo Lý Đợi nhận định tình hình gallery Việt Nam có sự thoái trào, nhưng đây cũng là sự thanh lọc tạo nên các gallery chuyên nghiệp và thực thụ.
Vốn là nhà nghiên cứu/giám tuyển mỹ thuật, nhà báo Lý Đợi chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về tình hình hiện tại cũng như những thách thức của thị trường gallery tranh Việt Nam đang phải đối mặt trong chương trình “Kính đa chiều”.
Chia sẻ với đạo diễn Lê Hoàng, nhà báo Lý Đợi cho biết trong suốt thế kỷ 20, gallery (phòng trưng bày và mua bán tranh) là cửa ngõ chính để tranh Việt Nam đi ra thị trường quốc tế. Thời điểm bấy giờ, trên cả nước chỉ có khoảng 50 người chơi tranh. Bước sang thế kỷ 21, số lượng người chơi tranh tăng lên đáng kể, lên đến khoảng 2.000 người. Tuy nhiên, số lượng gallery lại giảm đi.
Theo nhà báo Lý Đợi, nếu như vai trò của gallery truyền thống trong thế kỷ 20 như trạm trung chuyển tranh thì đến hiện nay đã bị thay đổi. Một trong những lý do chính cho sự suy giảm số lượng gallery là sự thay đổi trong cách thức các họa sĩ tiếp cận thị trường. Các họa sĩ ngày nay thường sử dụng các trang cá nhân trên mạng xã hội hay KOL, các nhà môi giới để tiếp cận công chúng và khách hàng, thay vì phụ thuộc vào các gallery truyền thống. Do đó, số lượng người môi giới tranh hiện nay đông hơn rất nhiều so với thế kỷ 20.
Nam nhà báo so sánh thị trường tranh Việt Nam tương tự như thị trường địa ốc khi có nhiều nhà môi giới. Những người môi giới này có thể là những người được đào tạo chuyên nghiệp hay chỉ là tài xế, trợ lý của giám đốc. Vì giúp cấp trên mua tranh nên họ có kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực này. Họ biết nên mua bán tranh ở đâu và giá cả như thế nào.
Trong khi đó, các gallery truyền thống lại phải đối mặt với những hạn chế như chi phí mặt bằng, nhân viên, và không thể giới thiệu mua bán nhanh chóng như các nhà môi giới. Hơn nữa, sự trung thành trong các thương vụ, hoạt động kinh tế của các họa sĩ Việt Nam cũng không cao. Nhiều họa sĩ ký hợp đồng với gallery nhưng lại bán tranh qua các kênh khác như Facebook, tin nhắn riêng, làm cho các gallery truyền thống gặp nhiều lao đao.
Cuối thế kỷ 20, Việt Nam có hàng trăm gallery, riêng TP.HCM và Hà Nội, mỗi nơi có khoảng 200 gallery để đáp ứng nhu cầu mở cửa chơi tranh. Tuy nhiên đến đầu thế kỷ 21, số lượng gallery giảm mạnh, chỉ còn mấy mươi gallery. Hiện nay, số lượng gallery thực thụ, có tiếng nói trên thương trường và có khả năng đưa tranh của họa sĩ ra quốc tế trên cả nước chưa đến 20. Điều này đặt ra mâu thuẫn rằng hiện nay nhà sưu tập tranh có khoảng 2.000 người nhưng số lượng gallery chưa đến 20. Trong khi đó trước đây nhà sưu tập tranh chỉ khoảng 50 người nhưng có đến hàng trăm gallery.
Nhà báo Lý Đợi tiết lộ số lượng gallery chuyên nghiệp chưa đến 20 trên cả nước Việt Nam.
Qua chia sẻ của nhà báo Lý Đợi, host chương trình là đạo diễn Lê Hoàng đặt vấn đề liệu sự phát triển của bán tranh trực tuyến dẫn đến sự thoái trào của gallery hay là sự chọn lọc của mô hình nghệ thuật này? Nhà báo Lý Đợi khẳng định câu hỏi của nam đạo diễn đúng về cả hai phương diện. Đó là vừa thoái trào về mặt số lượng và là sự chọn lọc của những gallery thực sự vững mạnh, có tiềm lực về tri thức, uy tín, bao gồm kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm. Các gallery có đủ ba yếu tố này sẽ tồn tại vững vàng và phát triển. Ngược lại, những gallery theo mô hình cũ trước đây mở ra để bán tranh kiếm lời mà không có chiến lược lâu dài sẽ khó tồn tại trong thị trường ngày càng cạnh tranh.
Những gallery lớn hiện nay thường mua đi bán lại tranh, giúp nâng giá trị của bức tranh qua mỗi lần giao dịch. Điều này tạo niềm tin cho người mua rằng họ có thể bán lại tranh với giá cao hơn trong tương lai, tùy theo tình hình thị trường. Tuy nhiên, số lượng gallery chuyên nghiệp như vậy ở Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 5 -7 đơn vị.
Đạo diễn Lê Hoàng giải thích vai trò của gallery không chỉ là nơi trưng bày mua bán mà còn là nơi bảo chứng cho thương hiệu của các họa sĩ. Khi mua tranh từ một gallery uy tín, người mua có thể yên tâm về tính xác thực và giá trị của bức tranh. Ngược lại, người mua tranh qua các kênh không chính thức như nhà môi giới có thể dẫn đến các rủi ro về chất lượng và giá trị.
Nam đạo diễn ví gallery như nhà đấu giá. Đối với những nhà đấu giá nổi tiếng trên thế giới thì không dừng lại ở việc kiếm lời mà còn có những chứng nhận cho sản phẩm vì có chuyên gia thẩm định. Vì vậy khách hàng có thể yên tâm về chất lượng món hàng. Từ đây, đạo diễn Lê Hoàng cho rằng sự suy yếu của gallery tranh Việt Nam dẫn đến bất lợi về việc phát triển mua bán tranh theo cách hàn lâm.
Đồng tình với đạo diễn Lê Hoàng, nhà báo Lý Đợi nhận mạnh việc mua tranh qua gallery sẽ đỡ phiền phức khi liên quan vấn đề tài chính và pháp lý. Sở dĩ, gallery như bộ lọc vì có giấy xác nhận sở hữu tranh vào ngày giờ rõ ràng nên có thể hỗ trợ việc xuất hóa đơn đỏ hay ký hợp đồng mua bán. Vì vậy, làm việc với các gallery chuyên nghiệp giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan. Đặc biệt đối với các tập đoàn, công ty lớn, họ thường trích 5 – 10% ngân sách để đầu tư tranh, tái đầu tư thương hiệu và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Do đó, công ty có giấy xác nhận và hóa đơn sẽ dễ dàng làm việc với các hội đồng cổ đông và thanh tra.
Theo nam nhà báo, hiện nay có nhiều nhà sưu tập tranh mới nổi nên chưa có kinh nghiệm làm việc qua trung gian như gallery. Họ nghĩ rằng chơi với họa sĩ thì có lợi hơn khi chỉ cần một chầu nhậu là có thể mua tranh với giá rẻ. Đây là tâm lý chung của các nhà tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với các nhà sưu tập lớn, tập đoàn đầu tư thì không thể làm như vậy. Do đó, sự tinh lọc tạo sức ép nên các gallery chuyên nghiệp trong tương lai là điều cần thiết. Nhà báo Lý Đợi khẳng định trong tương lai phải cần có thêm những gallery chuyên nghiệp thực thụ thì thị trường tranh Việt Nam mới có thể phát triển.
“Kính đa chiều” chủ đề tiếp theo Phía sau những lễ hội ấn tượng với sự tham gia của host Minh Đức và Đạo diễn dàn dựng Ngọc Tuấn sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 16/7 trên kênh VTV9.