Hoa hậu Ngọc Châu vừa hoàn thành và thực hiện xong những hoạt động bảo vệ môi trường nhân chiến dịch “Cùng gom nào, cho Trái Đất Xanh”. Cô đi khắp thành phố gom nylon và lội kênh bẩn nhặt rác để tái chế, tạo việc làm cho người khuyết tật.
Nhận lời mời đồng hành cùng chiến dịch “Cùng gom nào, cho Trái Đất Xanh”, Hoa hậu Ngọc Châu được giao nhiệm vụ đồng hành và thực hiện những hoạt động bảo vệ môi trường trong 2 ngày liên tục. Cô đi khắp thành phố để thu gom nylon và dọn rác thải ở một dòng kênh thuộc quận Bình Tân.
Đi thu “cá”, Ngọc Châu nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người.
Cô gọi những túi nylon là “cá”, vì tất cả chúng được cô chứa trong một chiếc lưới to để di chuyển, tập kết ở xe tải.
Trải qua ngày dài đi thu gom rác thải, Ngọc Châu có những chia sẻ thú vị: “Châu đi qua 6 điểm thu gom và có được khoảng 20kg nylon. Điều làm Châu bất ngờ khi đi đến các trạm thu gom nylon chính là mọi người đều hưởng ứng rất nhiệt tình việc mình đang thực hiện, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên ở các điểm trường.”
Nàng hậu chia sẻ mình rất hạnh phúc khi được mọi người hưởng ứng tích cực.
Điều này chứng tỏ mọi người ngày càng quan tâm những vấn đề liên quan đến môi trường, rác thải nhựa và nylon.
“Châu không e ngại gì nhiều khi bước xuống dòng kênh bẩn”, nàng hậu chia sẻ.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình dọn rác thải, nhóm Khát Vọng Xanh đã chuẩn bị cho Ngọc Châu đồ bảo hộ. Sau đó, cô cùng các bạn trẻ tình nguyện viên lội xuống kênh, thu gom những rác thải bẩn, làm sạch dòng kênh. Hình ảnh các bạn tình nguyện trẻ tuổi không ngại bẩn, ngại nguy hiểm bước xuống dòng kênh bẩn để dọn rác làm nàng hậu rất khâm phục.
“Lúc Châu đến các bạn đã bắt đầu dọn rác dưới kênh rồi nên Châu không e ngại gì nhiều khi bước xuống dòng kênh bẩn sau khi được trang bị đủ đồ bảo hội. Mình cùng chung sức với các bạn để dọn sạch rác, trả lại màu xanh cho con kênh vốn dĩ tươi đẹp”, cô nói.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 bày tỏ ý kiến: “Châu tin rằng bằng những hành động thiết thực như vậy mình có thể mang đến một cái nhìn tổng quan về thực trạng môi trường sống, khiến cho mọi người nhìn nhận về việc chúng ta có thực sự quan tâm đến môi trường sống hay chưa”.
Tái sinh nylon, Limloop giúp người khuyết tật có thêm thu nhập.
Những rác thải bẩn, túi nylon sẽ được thu gom, sàng lọc và di chuyển về trụ sở chính của Limloop để tái chế. Từ đó, nylon sẽ có một vòng đời mới, được “hô biến” thành những vật phẩm thời trang đẹp, đa năng, tiện dụng từ bàn tay khéo léo của người khuyết tật. Việc này giúp họ có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống khó khăn, cơ cực.