Giải trí TVshow

Nghệ sĩ Thanh Hằng: ‘Diễn ác thì khán giả muốn ném cùi bắp vào mặt, diễn khổ thì họ khóc và cho tiền’

Nữ nghệ sĩ trải lòng về vai diễn bà Mùi trong vở “Duyên kiếp” khiến khán giả “vừa chửi, vừa thương” suốt hàng chục năm qua.

Giới mộ điệu cải lương mỗi khi nhắc đến nghệ sĩ Thanh Hằng không ai không biết đó là cô gái xinh đẹp, có giọng ca ngọt ngào và lối diễn xuất cuốn hút. Đặc biệt, Thanh Hằng sinh ra và trưởng thành trong đại gia tộc Hai Núi, Tư Hélène, 1 trong 5 đại gia tộc nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nền sân khấu nước nhà.

Thanh Hằng là một trong những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng cùng thời NSƯT Vũ Linh, là một ấn tượng đẹp trong lòng khán giả, vì chị ca diễn đều rất khỏe, sinh động, đóng đủ loại vai mùi – thương – độc – lẳng – hài đều nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, thời hoàng kim của cải lương, nghệ sĩ Thanh Hằng nổi tiếng nhờ chuyên đóng vai phản diện. Đặc biệt, chị đoạt giải Mai Vàng với vở Duyên kiếp của soạn giả Hoàng Song Việt vào năm 1997 vai đào độc ấn tượng.

Nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng.

Trong Duyên kiếp, bà Mùi có con trai độc nhất là Lương lại là người dở tỉnh dở mê. Con lấy vợ đã 4 năm nhưng bà Mùi vẫn chưa được hưởng niềm vui lên chức bà nội. Bà cay nghiệt, hà khắc với con dâu nhưng sự đời đổi trắng thay đen nhanh như việc trở một bàn tay. Hôm qua, bà Mùi còn là một địa chủ giàu có trong vùng, nay trắng tay và hóa điên dại. Bà vẫn còn mải miết đi tìm đứa cháu nội đã mất khi chưa kịp tượng hình.

Thanh Hằng nhớ lại: “Hoàng Song Việt sáng tác kịch bản Duyên kiếp. Năm 1996, tôi quay video đóng vai người vợ lớn trong vở diễn này, anh Vũ Linh thấy kịch bản tuyệt vời mới xin soạn giả Hoàng Song Việt dựng lên sân khấu. Tôi được anh Vũ Linh giao vai bà Mùi. Tôi diễn nhiều nhân vật phản diện nhưng đây là nhân vật kịch tính nhất.

Ba cảnh đầu bà Mùi mang đầy sự khe khắt, phong kiến khiến khán giả uất hận. Khi diễn, tôi nghe khán gi ở phía dưới sân khấu la ó, muốn chọi cùi bắp vào mặt tôi nhưng sau tới cảnh bà Mùi đổ vỡ gia đình, mất tất cả tài sản, trở nên tàn tạ. Bà mất trí, được đứa con dẫn đi đầu làng cuối xóm ăn xin.

Cảnh đó, tôi đi từ dưới sân khấu lên, khán giả lại cho tôi tiền, đồ ăn. Vở diễn khiến nhiều khán giả thương cảm, rơi nước mắt một phần vì nội dung xúc động, phần khác còn vì sự thương mến, cảm phục sự tận tâm với nghề mà các nghệ sĩ cống hiến cho khán giả. Tôi trân trọng cám ơn soạn giả Hoàng Song Việt đã tạo ra đứa con tinh thần tuyệt vời này”.

Bản thân nghệ sĩ Thanh Hằng nghiên cứu kỹ vai bà Mùi: “Bà không phải ác mà nhận một trách nhiệm nặng nề thời phong kiến, gánh vác gia đình. Đây là vai diễn tôi đặt nhiều suy nghĩ, trăn trở, với từng lời văn, cách diễn cho phù hợp bối cảnh thời đó. MC giới thiệu Thanh Hằng hóa thân bà Mùi nhưng khi bước ra sân khấu, tôi chính là bà Mùi. Bác Diệp Lang nói, tôi diễn nhân vật này khó có người thay thế. Bác nói ác gì ác quá đến khi khổ rồi, khổ ơi là khổ”.

Nữ nghệ sĩ nổi tiếng và được khán giả yêu mến nhờ những vai diễn phản diện.

Theo Thanh Hằng, những vai phản diện luôn có một sức hút mê hồn với khán giả. Một “vai ác” khác của chị gây chú ý chính là vai “bà điên Bảy Hạnh” trong Người không cô đơn của của Đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ: “Tôi diễn xong ra đường, những đứa bé chạy đến gọi tôi là bà điên. Đến hiện tại, tôi vẫn ao ước tìm một nhân vật ác khác để diễn, để ghi dấu ấn mới mẻ trong lòng khán giả”.

Dù có điêu luyện về kỹ thuật bao nhiêu thì Thanh Hằng vẫn toát lên sự chân thành trong ca diễn, thấy được sự nồng nàn trong nghề nghiệp. Trở lại làm giám khảo “Sao nối ngôi”, nhìn các hậu duệ của các gia đình nghệ thuật, như kiếp tằm suốt đời vẫn phải nhả tơ, nữ nghệ sĩ xúc động khi xem các tiết mục trình diễn trên sân khấu.

Gần đây, nghệ sĩ Thanh Hằng tổ chức liveshow. Dù nổi tiếng từ những năm 1990, hiện nay vừa đi diễn vừa làm giám khảo cho rất nhiều cuộc thi cải lương, nhưng chị vẫn ngại ngần không dám làm liveshow cho mình. Được NSƯT Hoài Linh động viên, thêm sự đốc thúc của “ông bầu” Gia Bảo, Thanh Hằng “làm liều” ra mắt, chị thổ lộ sự bất ngờ vì khán giả ủng hộ quá nhiệt tình.