Dự án Quảng bá Văn hóa Dân tộc Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam – Miss Cosmo Vietnam 2023 đang tiếp tục nhận được nhiều bài thi ấn tượng.
Ở bài thi ”Lạc thần vị lai”, NTK Bùi Hoàng Ân vừa thể hiện được nét đẹp truyền thống của dân tộc thông qua hình ảnh áo dài và chim lạc, vừa thể hiện sự hiện đại hóa qua phần đôi cánh được thiết kế theo hướng futuristic. Nhằm thể hiện sự chuyển mình phát triển của con người Việt Nam giao thoa giữa cái cũ và cái mới.
Cũng lấy cảm hứng từ chim Lạc, ”Văn Lang” của NTK Trương Huỳnh Phát lại mang đến góc nhìn mới khi kết hợp với hình ảnh rồng thiêng.
Với bài thi lấy chất liệu huyền sử, ”Âu Cơ” của NTK Giang Minh Phương Thảo, lấy cảm hứng từ câu chuyện mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng, kết hợp với hình ảnh cánh chim Lạc, tạo ra một cái nhìn cách điệu và siêu thực.
”Thiên hồn Thiêng” của NTK Lê Ngọc Thu Hà lấy ý tưởng từ hình ảnh hùng dũng, can trường và vĩ đại của Hai Bà Trưng với hướng khai thác từ bộ giáp của hai bà và phối hợp với hình tượng Trống đồng Đông Sơn – một biểu tượng vô cùng tự hào của dân tộc.
Hình ảnh người phụ nữ Việt kiên cường, bất khuất ắt hẳn truyền rất nhiều cảm hứng cho giới trẻ. Tác phẩm ”Trưng nữ vương” của NTK Trần Khánh Huyền mong muốn tôn vinh vai trò, sứ mệnh của người phụ nữ trong quá khứ, hiện và tương lai.
”Phượng Hoàng Liên Hoa” của NTK Võ Tuấn Đạt được lấy cảm hứng từ nữ thần mặt trời, nguồn sống của con người. Hình ảnh Phượng Hoàng trong mang ý nghĩa cao quý, thanh tao, tượng trưng cho sự đức hạnh của phụ nữ Việt Nam.
Tác phẩm ”Nhã nhạc 4.0” của NTK Lê Chí Hào lấy cảm hứng từ biểu tượng văn hoá nghệ thuật phi vật thể – Nhã nhạc cung đình Huế. Nhã nhạc cung đình là biểu tượng của vương quyền và sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Kết hợp với hình ảnh áo dài và những dụng cụ đặc trưng ở phần tà áo, bài dự thi mang đến một góc nhìn hiện đại hơn của loại hình nghệ thuật được xem là truyền thống.
Cũng lấy ý tưởng từ các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống, ”Hồn Nam Bộ” của NTK Trần Thái lấy cảm hứng từ đờn ca tài tử đặc trưng của miền Tây Nam Bộ.
Sự hòa hợp giữa yếu tố văn hóa phi vật thể và sự tân tiến của thời đại được thể hiện rõ qua tác phẩm ”Mẫu Thượng Thiên: Chầu Văn Tấu Phượng” của NTK Nguyễn Hoàng Sang. Trang phục được lấy cảm hứng từ tín ngưỡng thờ Tứ Phủ Đạo Mẫu Việt Nam kết hợp loại hình nghệ thuật dân gian hát Chầu Văn gắn liền với nghi thức hầu đồng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Khi thiết kế trang phục dân tộc, người làm sáng tạo cần bám sát bốn yếu tố: tính biểu trưng văn hoá, tính biểu diễn (bao gồm tính khả thi), tính hiện đại, và tính thời trang. ”Hồn đất chàng Sơn” của NTK Nguyễn Minh Hiếu thể hiện rõ những yếu tố này.
”Tình tang Hó Tơ” của NTK Lê Anh Quốc Cường lấy cảm hứng từ Hà Nhì, một trong số 54 dân tộc, cư trú tập trung tại các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam.
”Vươn cánh sếu” của NTK Võ Thị Trúc Phương lấy cảm hứng từ những chú sếu đầu đỏ hiện đang được bảo tồn tại Vườn quốc gia Tràm Chim – Đồng Tháp.
”Diệt là sinh” của NTK Phạm Vĩnh Chinh tôn vinh ý chí tôi luyện, luôn hướng về tương lai của người Việt Nam. Thiết kế được phát triển trên nền tảng chính là chiếc áo dài – nón lá truyền thống kết hợp với ngôn ngữ thời trang hiện đại như một cách để làm mới hình ảnh chiếc áo dài dân tộc.
”Thị Nở” của NTK Phạm Hoàng Bảo được thiết kế dựa trên hình ảnh quả thị, một loại quả đặc trưng trong truyện Tấm Cám.