360 độ Giải trí Văn hóa

Lời cảnh báo: Lừa đảo rút tiền tiết kiệm online

Chương trình ‘Lời cảnh báo’ tuần này tiếp tục chia sẻ những bài học giúp người dân phòng tránh các đối tượng lừa đảo rút tiền tiết kiệm online đồng thời giúp người dân nhận biết và phân biệt các loại nấm trong mùa sinh sôi, tránh những hậu quả đáng tiếc về sau.

Các loại nấm vào mùa sinh sôi, coi chừng nấm độc

Sau những trận mưa là thời điểm thích hợp cho những loại nấm sinh sôi và phát triển. Bên cạnh những loại nấm ăn được, có không ít những loại nấm độc và cực độc. Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc do ăn nấm xảy ra. Điều này cũng cảnh báo rằng việc tùy tiện sử dụng các loại nấm tự nhiên có thể gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tính mạng của mọi người.

Thạc sĩ Cổ Đức Trọng – Thường trực Hội Nấm học Việt Nam chia sẻ: “Ở Việt Nam, loại nấm thường dẫn đến ngộ độc nhiều nhất thuộc chi Amanita, ngoài ra các loại nấm độc còn có màu trắng muốt. Theo quan điểm của người xưa, nấm màu trắng thường sẽ không có độc, nên người dân thường hái và ăn, nấm sẽ có vị thơm ngon và ngọt nhưng có độc tính. Nếu bị ngộ độc trong vòng 6 tiếng đồng hồ trong tình trạng ói mửa vẫn có thể điều trị, nhưng nếu sau 12 tiếng khi chất độc đã ngấm vào máu khó có thể cứu chữa”.

Các loại nấm vào mùa sinh sôi, coi chừng nấm độc.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên – Trưởng Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Khi ăn phải nấm độc và có những biểu hiện như ói mửa và đi ngoài, trước tiên chúng ta cần có những biện pháp để đưa những thực phẩm vẫn còn trong dạ dày ra khỏi cơ thể, như kích thích phản xạ ói hay đưa trực tiếp đến các bệnh viện để có những can thiệp sâu hơn như rửa dạ dày, hoặc có những biện pháp điều trị liên quan đến tổn thương do nấm gây ra. Đồng thời lưu trữ thực phẩm khi sử dụng dẫn đến ngộ độc để bệnh viện hoặc các cơ sở y tế có thể đánh giá và điều trị”. 

Lừa đảo rút tiền tiết kiệm online

Trong thời đại công nghệ số, việc giao dịch tài chính trực tuyến đã trở nên phổ biến và thuận tiện hơn bao giờ hết. Tuy nhiên nếu không cẩn thận người giao dịch dễ bị kẻ xấu lấy cắp thông tin tài khoản với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Và một trong những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao gần đây được cơ quan chức năng cảnh báo đó là lừa đảo rút tiền tiết kiệm online.

Chị Đ.X.Đ (TP.HCM) cho biết khi đang sử dụng dịch vụ rút tiền tiết kiệm online thì hệ thống báo lỗi do đăng nhập sai nhiều lần. Lập tức có một cuộc gọi đến tự xưng là nhân viên của ngân hàng hướng dẫn chị cài đặt một ứng dụng khác cũng trong hệ thống. Sau khi cài đặt, chị lập tức bị rút hết số dư còn lại trong tài khoản tiết kiệm của mình. 

Luật sư Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ: “Các đối tượng lừa đảo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là khởi tố trách nhiệm hình sự về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 của Bộ Luật hình sự 2015. Tùy theo mức độ, tính chất, hành vi cũng như hậu quả mà các đối tượng gây ra, có thể sẽ phải nhận mức án phạt chung thân”.

Luật sư Trần Minh Cường nói thêm: “Chúng ta nên hạn chế cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc từ những người không rõ lai lịch. Chúng ta cần tỉnh táo đối chiếu thông tin với các số hotline tại ngân hàng để xác nhận”.

Lừa đảo rút tiền tiết kiệm online.

Để tránh việc bị lừa đảo rút tiền tiết kiệm online, người dân cần hạn chế đăng tải, chia sẻ các thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, số CCCD, số điện thoại di động, số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội. Khi tài khoản báo lỗi hoặc có giao dịch bất thường, đến ngay đến các chi nhánh ngân hàng gần nhất để được giúp đỡ giải quyết, không thông qua liên lạc gián tiếp. 

Trong mọi trường hợp, không cung cấp mã xác thực OTP và mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai. Khi thấy có dấu hiệu bất thường, người dân cần liên hệ ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.

“Lời cảnh báo” được phát sóng vào lúc 19h50 thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.