360 độ Đẹp Phim ảnh

Phim truyền hình Việt 2021: thời cơ vàng đã đến

Sau một thời gian khởi sắc rồi lại “giậm chân tại chỗ”, phim truyền hình Việt Nam đã dần vực lại vị thế trên chính sân nhà. Giữa những đối thủ cạnh tranh khác, mỗi bộ phim đều mang những màu sắc riêng nhưng nhìn chung đều có sự đầu tư, chỉn chu nhất định mặc dù vẫn còn ít nhiều thiếu xót.

Chiếm sóng đề tài gia đình

Kể từ khi “Về nhà đi con” trở thành bom tấn truyền hình, các bộ phim về đề tài gia đình gần như vắng bóng trong suốt một thời gian dài. Lấp vào khoảng trống này, các đề tài như tình cảm, hài hước, trinh thám, hình sự, … được dịp trưng trổ. Tuy nhiên, hiệu ứng của các bộ phim này không phủ sóng cao như kì vọng. Rút kinh nghiệm từ năm 2020, trong năm 2021, các bộ phim về đề tài gia đình đã chính thức trở lại thống trị màn ảnh nhỏ quốc gia.

Trở thành đề tài bàn tán đông đảo phải kể đến “Hương vị tình thân” (đạo diễn NSƯT Nguyễn Danh Dũng), một tác phẩm được remake từ Hàn Quốc – “My Only One”. Xuyên suốt 7 tháng phát sóng trên VTV1, “Hương vị tình thân” tạo nên sức hút khó cưỡng về hành trình tìm lại người thân của cô gái mồ côi Phương Nam. Trên hành trình đi tìm nguồn cội, Phương Nam vô tình va vào sự chú ý của Hoàng Long. Tình yêu của chàng tổng tài đẹp trai như bù đắp cho Phương Nam những mất mác nhưng đồng thời kéo theo vô vàn nguy hiểm bởi sự đố kị của những người xung quanh.

Là bộ phim được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2021, không quá ngạc nhiên khi mới đây “Hương vị tình thân” đã chiến thắng giải thưởng “VTV Awards 2021” cho hạng mục “Phim truyền hình ấn tượng”. Bên cạnh đó, vai diễn tổng tài Hoàng Long của Mạnh Trường cũng giúp anh mang về giải thưởng “Nam diễn viên ấn tượng”.

Khác với mẹ nuôi luôn lập mưu hãm hại Phương Nam trong “Hương vị tình thân”, mẹ đẻ trong “Thương ngày nắng về” (đạo diễn Vũ Tiến Huy – NSƯT Vũ Trường Khoa) lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Remake từ tác phẩm “Mother Of Mine” của Hàn Quốc, “Thương ngày nắng về” kể về bà Nga, một góa phụ với gánh bún riêu quen thuộc trở thành trụ cột kinh tế vững chắc cho 3 cô con gái và cậu em trai khờ khạo.
Dù các con đã trưởng thành, mỗi người đều có hướng đi riêng nhưng bà Nga vẫn không thể nào ngon giấc. Bà vẫn ngày ngày trăn trở, lo lắng không thôi cho các con, không phân biệt con nuôi hay con ruột. Với tình yêu thương và đức hi sinh vô bờ bến của người mẹ, “Thương ngày nắng về” đích thực là một phiên bản nữ của “Về nhà đi con” trong năm 2021.

Mặc dù cũng là phim được remake từ Hàn Quốc nhưng “Thương ngày nắng về” vẫn rất Việt Nam với hình ảnh người phụ nữ tảo tần, giàu đức hi sinh được khắc họa qua nhân vật bà Nga. Bộ phim lấy nước mắt người xem khi biết cách kết hợp giữa diễn xuất và âm nhạc tạo nên những phân đoạn đắc giá.

Cùng chung số phận mồ côi như Phương Nam trong “Hương vị tình thân”, Vân Trang trong “Thương ngày nắng về”, tác phẩm “Thương con cá rô đồng” (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) nâng cấp độ bi thương lên đỉnh điểm. Đưa người xem trở về miền quê Nam Bộ, Hai Thương bỗng chốc trở thành “người mẹ bất đắc dĩ” cho các em của mình. Vì cuộc sống mưu sinh, Hai Thương làm tất cả mọi công việc nhằm thực hiện tâm nguyện của người mẹ quá cố, cho các em ăn học đàng hoàng và tìm lại người em trai thất lạc.

Thế nhưng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, các em của Hai Thương liên tiếp đẩy cô chị vào những hệ lụy do mình gây ra. Dù có khó khăn và nghiệt ngã đến mấy, Hai Thương vẫn quyết tâm đứng ra bảo vệ các em, nhất định tìm ra em Thiệt, đưa 5 chị em Thương, Thiệt, Nhớ, Lắm, Lành về nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Tuy không chiếm sóng giờ vàng nhưng “Thương con cá rô đồng” tạo nên sức hút đặc biệt, mang đến nhiều cung bậc cảm xúc khó tả. Bên cạnh đó, dàn diễn viên từ gạo cội cho đến những gương mặt mới đều thể hiện tròn vai, phù hợp với từng nhân vật.

Về phía nữ có cô chị Hai Thương thì về phía nam có anh Hai Ngọc trong “Cây táo nở hoa” (đạo diễn Võ Thạch Thảo), thương yêu, lo lắng cho các em đến người xem cũng phải than trời nể phục. Kể từ khi bố của Ngọc qua đời, cuộc sống trong gia đình của anh và các em mình bắt đầu trở nên xào xáo. Chứng kiến sự lười biếng của em chồng, cô chị dâu vô cùng bất mãn nhưng không thể làm được gì trước sự ngăn cản từ phía chồng mình. Giữa căn nhà chật hẹp, niềm vui bỗng chốc trở thành mâu thuẫn giữa chị dâu – em chồng, chị em ruột thịt, cha và con gái, … dần tạo nên khoảng cách và những hiểu lầm không nhìn mặt nhau.

Tương tự như các tác phẩm truyền hình ăn khách trong năm nay, “Cây táo nở hoa” cũng được làm lại từ siêu phẩm đến từ Hàn Quốc – “Chuyện nhà Poong Sang”. Sở hữu dàn diễn viên tên tuổi và thực lực, “Cây táo nở hoa” trở thành một trong những bom tấn truyền hình trong năm nay. Đồng thời, bộ phim sở hữu lượt xem cùng lúc cao nhất trên nhiều nền tảng, lọt Top Thịnh hành YouTube Việt Nam và tự xô đổ nhiều kỷ lục về lượt xem trước đó.

Không chỉ thành công về mặt truyền thông, “Cây táo nở hoa” còn lập nên kỷ lục về mặt rating. Mặt khác, bộ phim còn trở thành tác phẩm truyền hình Việt bức phá nhất mọi thời đại.

Khác với các bộ phim trên, tuy mang thông điệp tình cảm gia đình nhưng “Hướng dương ngược nắng” (đạo diễn NSƯT Nguyễn Trường Khoa) nổi bật bởi yếu tố kịch tính về câu chuyện tranh quyền đoạt vị. Sử dụng câu chuyện huyết thống khơi nguồn những mối hận thù, “Hướng dương ngược nằng” tạo ra những tình tiết gay cấn như một phiên bản cung đấu thời hiện đại.

Xoay quanh nhân vật Dương Minh, một cô gái bỗng chốc thừa kế khối tài sản khổng lồ sau khi tìm lại bố ruột. Tuy nhiên, những người phụ nữ trong gia tộc họ Cao không hài lòng về điều này. Họ chính thức tuyên chiến, mở ra cuộc tranh đấu để bản thân giành lấy quyền lợi sở hữu khối tài sản đồ sộ của ông Cao Đạt để lại.

Bên cạnh câu chuyện sóng gió gia tộc nhà họ Cao, “Hướng dương ngược nắng” còn mang đến thông điệp về những người phụ nữ trong thời hiện đại. Đơn cử là nhân vật Dương Minh, một nữ cường chính hiệu, mạnh mẽ, tự thân độc lập.

Bên cạnh các bộ phim về đề tài gia đình chiếm sóng trong năm nay, một số tác phẩm với hướng đi khác biệt cũng nhận được sự quan tâm đông đảo không kém. Đơn cử là “11 tháng 5 ngày” (đạo diễn Nguyễn Đức Hiếu – Lê Đỗ Ngọc Linh), bộ phim về đề tài thanh xuân được thực hiệp bởi ekip trẻ tuổi đã khiến người xem sống lại những năm tháng sôi nổi một thời.

Bắc tiến cùng cô nàng Tuệ Nhi, khán giả được lạc vào vùng trời bình yên ở khu xóm trọ nghĩa tình. Một cô tiểu thư vốn đỏng đảnh, khó chiều với cái tôi cao đã dần chuyển hóa thành một thiếu nữ đằm tính, trưởng thành hơn từng ngày. Và cũng chính nơi xóm trọ ấy, Tuệ Nhi cũng tìm được mảnh ghép cuộc đời mình là Hải Đăng, một anh chàng tích cực, luôn truyền năng lượng cho cô.

Không sở hữu nội dung quá xuất sắc như những bộ phim trên, “11 tháng 5 ngày” vẫn để lại ấn tượng lớn bởi góc máy siêu đẹp, màu phim sáng, âm nhạc tươi trẻ, … tiệm cận với các tác phẩm truyền hình đến từ Hàn Quốc.

Từ những siêu phẩm trên, màn ảnh nhỏ truyền hình Việt đang dần xây dựng lại đế chế và ngày càng có những bức phá ngoạn mục trên chính sân nhà. Lựa chọn đề tài gia đình làm chất liệu, các tác phẩm này sớm chinh phục người xem với lượng rating cao, thu về phản hồi tốt trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhờ vào việc bắt kịp xu hướng và dẫn dắt cảm xúc tốt, bức tranh toàn cảnh màn ảnh nhỏ Việt trong năm qua đã bắt đầu có những biến chuyển tốt sau một thời gian dài “ngụp lặn”. Tuy nhiên, về đường dài truyền hình Việt vẫn còn nhiều thiếu xót và cần thay đổi mạnh mẽ để giữ chân khán giả lâu hơn.

Drama – Điểm trừ xấu xí

Dù năm qua là thời điểm vàng bùng nổ của truyền hình Việt nhưng phải nhìn nhận bên cạnh những điểm cộng vẫn tồn tại những điểm trừ xấu xí trong mắt người xem. Tuy luôn nỗ lực cải thiện khuyết điểm như kịch bản, lời thoại, góc máy, âm thanh, … nhưng các đạo diễn Việt vẫn còn quá tham lam trong việc kéo dài tình tiết phim. Một câu chuyện tưởng như được giải quyết gãy gọn lại thành ra lê thê nhiều tập khiến khán giả rước bực vào mình.

Đơn cử là trường hợp của “Cây táo nở hoa”, một bộ phim hứa hẹn thành công không kém “Gạo nếp gạo tẻ” của nữ đạo diễn Võ Thạch Thảo. Giữ nguyên cách Việt hóa như trước, “Cây táo nở hoa” nhân ba số tập phát sóng so với bản gốc, để mang đến cảm giác “cực đã” dành cho người xem. Việc kéo dài thời lượng phát sóng đồng nghĩa với việc tấn bi kịch đổ dồn lên các nhân vật. Anh cả Ngọc từ người đàn ông thương yêu, chăm lo cho gia đình ngày càng trở nên nhu nhược hơn, cậu Ngà vô công rỗi nghề liên tiếp gặt hái thêm nhiều tai họa hay cô Báu thay vì đáng thương hơn đáng trách lại trở thành một con người đầy tính sát thương. Trò hay không lặp lại hai lần, sự tính toán quá chi li của nữ đạo diễn vô tình phản tác dụng khiến câu chuyện “Cây táo nở hoa” chẳng biết khi nào mới nở. Đồng thời, khiến nội dung ngày càng lan man, những tập về cuối cũng dần thiếu sức hút và ngày một nặng nề hơn.

Sở hữu dàn cast tên tuổi và thực lực như Thái Hòa, Hồng Ánh, Thúy Ngân, … nhưng vì kéo dài số tập phim, “Cây táo nở hoa” gây cảm giác khó chịu khiến người xem mất dần kiên nhẫn theo dõi.

Ngoài trường hợp “Cây táo nở hoa”, “Hương vị tình thân” hay “Hướng dương ngược nắng” cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Sở hữu những cốt truyện mới mẻ và đầy kịch tính nhưng các bộ phim này chỉ làm hài lòng khán giả ở những chặng đường đầu tiên. Sự yêu thích quá đỗi từ công chúng khiến bộ phim miễn cưỡng trụ lâu hơn trên sóng truyền hình. Các nhân vật chính nhận trọng trách đẩy bi kịch lên cao trào, các tình tiết phi logic xuất hiện, tạo thêm nhiều nút thắt mới. Đi đến hồi kết thúc, bộ phim cũng không còn giữ vững độ hot trên mặt trận social. Thay vì vỗ tay tán thưởng thì người xem lại thở phào nhẹ nhõm vì thoát ra khỏi chuỗi ngày drama phim tra tấn.

Nhằm tạo nên sự kịch tính, “Hướng dương ngược nắng” khiến người xem ngã ngửa bởi chi tiết chị em sinh đôi nhưng lại cùng mẹ khác cha.

Truyền hình Việt ngày càng có nhiều bộ phim ăn khách chính là tín hiệu tốt, vực dậy phim ảnh nước nhà phát triển trước những đối thủ ngoại quốc. Tuy nhiên, việc sa đà vào yếu tố kịch tính dần hình thành nên thuật ngữ “đầu voi đuôi chuột” dành cho phim Việt. Nếu thời gian tới, điều này không được khắc phục, ắt hẳn sẽ tạo nên nhiều bộ phim đáng tiếc trong tương lai. Dẫu vậy, chúng ta cũng không thể bác bỏ thành công của những tác phẩm như “Hương vị tình thân”, “Cây táo nở hoa”, “11 tháng 5 ngày”, … đã thành công trong năm qua. Tất cả đã tạo nên tiền đề giúp các dự án truyền hình tiếp theo được quan tâm cũng như là kinh nghiệm cải thiện những điểm trừ còn sót lại.

Theo Tuấn Tuấn/DDVN