360 độ Giải trí TVshow

Câu chuyện cuộc sống: Than nghèo để dạy con, nên không?

Tập 3, 4 và 5 “Câu chuyện cuộc sống” vừa phát sóng để lại ấn tượng đẹp trong lòng công chúng với những bài học quý báu về cách dạy con cũng như biết trân trọng cuộc sống và những mối quan hệ xung quanh. 

Trân trọng những người bên cạnh bạn

Con người ngày nay có xu hướng chạy theo những điều mới mẻ, hào nhoáng để rồi bỏ quên những điều gần gũi, những người thân yêu, bạn bè bên cạnh mình. Bàn luận về vấn đề này, Thạc sĩ – chuyên gia tâm lý Võ Minh Thành chia sẻ: “Trong một mối quan hệ, nếu chúng ta không quan tâm, chăm sóc thì mối quan hệ ấy sẽ nhạt dần theo thời gian”.  

Thạc sĩ – Chuyên gia tâm lý Trần Hải Nguyên bày tỏ: “Đôi khi chúng ta chỉ cần biểu hiện ra bên ngoài một lời chia sẻ, một sự động viên, một câu chuyện tích cực. Hoặc chúng ta có thể thăm hỏi, trò chuyện qua điện thoại, tạo ra nhiều cơ hội để tiếp xúc với người thân. Chúng ta cũng có thể tặng quà tạo ra niềm vui, sự khích lệ cho người thân, hay ngồi tâm sự với nhau về những câu chuyện vui, về những thành quả đã đạt được trong cuộc sống, trong công việc cũng như niềm hạnh phúc của riêng mình”. Đồng thời, chuyên gia cũng nhấn mạnh thêm: “Tình yêu thương không phải là trách nhiệm và không nhất thiết phải luôn thể hiện ra bên ngoài. Việc biểu hiện đúng lúc, đúng thời điểm là điều vô cùng quan trọng”. 

Làm cha mẹ – “nghề” cần học 

Bên cạnh việc nuôi nấng, chăm lo về dinh dưỡng cho sự phát triển của con, cha mẹ cần có những phương pháp giáo dục, hướng con đến những điều tốt đẹp, trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, làm cha mẹ được xem như một “nghề” mà mỗi con người chúng ta cần phải học. 

Thạc sĩ – chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải Uyên chia sẻ: “Nếu làm cha mẹ là một nghề thì đây sẽ là công việc được trả lương bằng niềm hạnh phúc khi chứng kiến từng ngày con mình lớn khôn. Công việc này cần phải đánh đổi cả trách nhiệm, công sức và thời gian rất nhiều. Việc làm cha mẹ khó vì bên cạnh việc làm cha mẹ, chúng ta phải kiêm nhiệm thêm những vai trò khác như một người bạn, người chăm sóc cho con từng miếng ăn giấc ngủ, và là người thầy khi con đến tuổi cắp sách đến trường”. 

Chuyên gia nhấn mạnh thêm: “Đã gọi là nghề thì mỗi chúng ta cần phải học nghề. Việc trang bị trước để đón đầu sẽ tốt hơn, có thể hạn chế được những sai lầm khó có thể thay đổi. Việc chăm sóc một đứa trẻ cũng giống như chăm sóc một cái cây. Cái cây nào được chăm sóc bởi người có kiến thức sẽ sinh trưởng và xanh tốt hơn”. 

Than nghèo để dạy con, nên không? 

Khi được hỏi về vấn đề này, chị Huỳnh Thy (Long An) bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình. Có những gia đình không có điều kiện thực sự và cho con biết rõ về gia đình để con học cách tiết kiệm, không đòi hỏi. Tôi thấy việc này hết sức bình thường”. Trong khi đó, anh Nguyễn Toàn (Đồng Tháp) lại có góc nhìn hoàn toàn khác: “Nếu dạy con theo cách than nghèo sẽ ảnh hưởng đến tính cách con cái. Con cái có thể tiết kiệm một cách quá mức không cần thiết”. 

Tiến sĩ – chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền đưa ra quan điểm: “Cha mẹ khi nuôi dạy con cái luôn muốn con mình tự lập, không dựa dẫm vào người khác. Nếu biết cha mẹ có tiền của sẽ không có nỗ lực và phấn đấu. Vì vậy, nhiều cha mẹ thường dạy con theo cách cố tỏ ra vất vả, làm lụng cực nhọc để kiếm tiền. Tôi nghĩ, không gì bằng việc cha mẹ làm gương cho con cái”. 

Song, tiến sĩ Thanh Điền cũng nhấn mạnh, không nên lạm dụng quá mức việc than nghèo vì đôi khi sẽ gây tác dụng ngược, có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý và hướng tiếp nhận vấn đề, sự việc một cách tiêu cực. Khi con trẻ có những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống, muốn trau dồi thêm kiến thức, những kỹ năng mềm trong cuộc sống, cha mẹ nên tạo điều kiện tốt nhất cho con thay vì than nghèo: “Tôi nghĩ không cần thiết phải than nghèo. Điều quan trọng là phải dạy con biết cách chi tiêu sao cho hợp lý”. 

“Câu chuyện cuộc sống” là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, “Câu chuyện cuộc sống” làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,… 

Bên cạnh đó, “Câu chuyện cuộc sống” còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

“Câu chuyện cuộc sống” phát sóng vào lúc 19h50 thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.