360 độ Giải trí Văn hóa

Câu chuyện cuộc sống: Hệ lụy từ nghỉ việc theo cảm xúc

‘Câu chuyện cuộc sống’ tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống như Hệ lụy từ nghỉ việc theo cảm xúc, rèn luyện cảm xúc khi nuôi dạy con cái và quản lý thời gian rỗi của con.

Hệ lụy từ nghỉ việc theo cảm xúc

Nghỉ việc vì cảm thấy công việc quá nhàm chán, muốn tự do khám phá bản thân, hay nghỉ việc vì mâu thuẫn với quản lý, đồng nghiệp, thậm chí là nghỉ việc chỉ vì người thân thiết cùng làm với mình đã nghỉ. Trên thực tế ghi nhận, một bộ phận lao động trẻ hiện nay tuy năng động, sáng tạo nhưng thường đặt nặng cái tôi và cảm xúc trong công việc, dẫn đến nhiều quyết định nghỉ việc theo hướng cảm tính.

Nghỉ việc theo cảm xúc dễ dẫn đến tình huống không hay như nghỉ ngang, lôi kéo, kích động đồng nghiệp nghỉ theo, hay có những trường hợp nghỉ mà không bàn giao công việc, xóa hết dữ liệu của nơi mình làm việc, đa phần những hành động này đến từ cảm xúc tiêu cực và suy nghĩ chưa chín chắn.

Ông Trịnh Hồng Khánh (Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Kế toán Thuế Ba Miền TP.HCM) lo ngại vì vấn đề này đang tồn đọng ngay trong chính doanh nghiệp của mình: “Thế hệ Gen Z bị ảnh hưởng tâm lý bởi mạng xã hội và những người đồng trang lứa, khiến các bạn dễ so sánh lương thấp hay cao, môi trường làm việc áp lực hay không, đây là một thực trng đáng lo ngại cho thế hệ lao động tiếp nối”.

Hệ lụy từ nghỉ việc theo cảm xúc

Thạc sĩ Huỳnh Trần Hoài Đức (Chuyên gia tâm lý) khuyên: “Hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân nào dẫn đến cảm xúc tiêu cực này, ví dụ như nguyên nhân từ môi trường làm việc, không tìm được hứng thú đối với công việc, hay từ những mâu thuẫn, bốc đồng đối với đồng nghiệp, xem thử trong những nguyên nhân đó, nguyên nhân nào chúng ta có thể khắc phục được và nguyên nhân nào không gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc, nếu nguyên nhân đó không ảnh hưởng đến tương lai, lý tưởng nghề nghiệp của mình thì hãy tìm một lý do để lướt qua nó”.

Nhiều nhà tuyển dụng hiện nay nhìn vào thời gian làm việc và lý do nghỉ việc của ứng viên ở nơi làm cũ để xem xét họ có phù hợp hay không? Nghỉ việc theo cảm xúc cùng những hành động kém văn minh sẽ khiến chúng ta khó có thể tìm được công việc tốt hơn, và có xu hướng lặp lại hành động không hay ở nơi làm việc mới. Để không đánh mất cơ hội việc làm, hình ảnh và giá trị bản thân, hãy hành xử chuẩn mực, văn minh khi quyết định nghỉ việc ở một nơi nào đó.

Rèn luyện cảm xúc khi nuôi dạy con cái

Ba mẹ đặt kỳ vọng vào con cái là điều tốt, tuy nhiên, khi đặt niềm tin, kỳ vọng quá lớn, sẽ dẫn đến việc không ít phụ huynh không làm chủ được cảm xúc, đã trách mắng, giận dữ khi con tiếp thu bài chậm hay bị điểm thấp, hoặc không hoàn thành mục tiêu như kỳ vọng.

Em Lý Thành Đạt (TP.Thủ Đức, TP.HCM) nói:“Điều đầu tiên em mong muốn ở ba mẹ khi em bước ra ngoài phòng thi không phải là câu hỏi con làm bài tốt không, mà là con có mệt không, em hạnh phúc khi ba mẹ quan tâm tới sức khỏe của em nhiều hơn là điểm số”.

Rèn luyện cảm xúc khi nuôi dạy con cái

Sự kỳ vọng quá lớn từ ba mẹ có thể là hòn đá đè nặng lên tâm trí của con. Tùy vào tính cách, các em sẽ có những cách phản ứng khác nhau, có em bên ngoài vẫn thể hiện là một đứa con ngoan, nhưng bên trong lại là một sự ức chế khó giãi bày, có em sẽ ngay lập tức phản ứng lại. Khi tức giận, ba mẹ dễ bị mất kiểm soát trong lời nói, điều đó dễ khiến con bị tổn thương và sợi dây gắn kết giữa ba mẹ và con cái dần trở nên xa cách.

Thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa (Chuyên gia tâm lý) cho biết: “Dạy con cần phải phù hợp với tính cách của từng đứa trẻ vì hệ thần kinh và khả năng nhận thức của mỗi em đều khác nhau, điều đó mới giúp các con phát triển tốt. Chính bản thân phụ huynh cần phải làm chủ cảm xúc của mình, những cảm xúc tiêu cực sẽ làm ảnh hướng đến chính sức khỏe của phụ huynh và cả cho con cái”.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Khánh Tuấn, có 3 vấn đề mà các bậc phụ huynh cần chú ý. Thứ nhất là đồng hành với con về suy nghĩ, thứ hai là cam kết, tôn trọng và trao đổi với con hằng ngày, cuối cùng là dành thời gian thực sự có chất lượng cho các con. Nếu xử sự đúng đắn, sợi dây liên kết giữa ba mẹ và các con sẽ trở nên rất bền chặt.

Quản lý thời gian rỗi của con

Ba mẹ thường rất quan tâm đến kết quả học tập của con cái ở trường, nhưng ít khi thấy rằng những gì trẻ làm trong lúc rảnh rỗi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các em. Chính sự lơ là này của không ít bậc phụ huynh, đã khiến cho nhiều trẻ đánh mất đi quãng thời gian quý báu. Thậm chí, nhiều em còn dành hầu hết thời gian rảnh rỗi tham gia những hoạt động không tốt, nguy hiểm, không có tính giáo dục, hay chỉ để lên mạng chơi game và đam mê đến nỗi bỏ bê việc học.

Theo các chuyên gia, những gì trẻ làm trong thời gian rảnh rỗi phải dựa trên hai yếu tố cốt lõi là mang lại niềm vui và có ý nghĩa. Khi có niềm vui, những gì trẻ làm sẽ tồn tại trong thời gian dài, cuối cùng rơi vào trạng thái tự động và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.

Quản lý thời gian rỗi của con

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân (Chuyên gia tâm lý) cho biết: “Ba mẹ hãy quan sát xem con của mình có những xu hướng hoạt động theo chiều hướng nào, chúng ta có thể dựa vào đó để định hướng nghề nghiệp cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Những hoạt động đó cần đảm bảo các tiêu chí lành mạnh, an toàn và phù hợp với độ tuổi tâm lý của các em. Dĩ nhiên là chúng ta không để các con tự ý quyết định mọi thứ, tuy nhiên giữa việc chúng ta ép trẻ, thì việc trao đổi, thảo luận giữa ba mẹ và trẻ để tìm được tiếng nói chung vẫn hiệu quả hơn rất nhiều”.

“Câu chuyện cuộc sống” phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.