‘Câu chuyện cuộc sống’ tiếp tục lên sóng chia sẻ những câu chuyện và những kinh nghiệm trong cuộc sống như: A dua – ‘căn bệnh’ cần loại bỏ, mục tiêu là động lực của thành công và phải làm gì nếu trẻ không thích đi học?
A dua –“căn bệnh” cần loại bỏ
A dua được biết đến như là một căn bệnh hùa theo người khác một cách thiếu suy nghĩ hoặc để lấy lòng một ai đó. Anh Trần Hồng Hà (Huấn luyện viên thể hình) cho biết đã được rất nhiều khách hàng chia sẻ về những cuộc tấn công tinh thần, khi nhiều người hùa nhau miệt thị ngoại hình khiến họ cảm thấy rất tổn thương. Trường hợp của bà Trần Thị Lạc vẫn nhớ như in ký ức làm dâu, ngoài phải sống để được lòng mẹ chồng, còn phải làm hài lòng hàng xóm để giữ gìn bộ mặt cho gia đình. “Ngày xưa con dâu đi làm hay ở nhà đều phải mặc đồ rất kín đáo, chỉ cần trái lời là sẽ bị hàng xóm bàn tán khiến tôi rất tủi thân”, bà kể.
Thạc sĩ Đặng Hoàng An (Chuyên gia tâm lý) cho biết. “Chạy theo số đông về lâu dài sẽ khiến bản thân đánh mất chính kiến, lập trường. Bên cạnh đó, nạn nhân của những cuộc a dua sẽ phải chịu những chấn thương tâm lý rất nặng nề”.
Chuyên gia khuyên cần loại bỏ tính a dua bằng cách giữ lập trường của bản thân, tự xây dựng tư duy phản biện trước mọi sự việc trong cuộc sống. Rèn luyện kỹ năng sàng lọc thông tin nhằm tránh sa vào những lời bịa đặt, vu khống vô căn cứ.
Phải làm gì nếu trẻ không thích đi học?
Khi bắt đầu đi học ở bậc mầm non và tiểu học, nhiều trẻ rơi vào trạng thái lo âu và rất sợ đi học. Ở trường hợp này, có những phụ huynh đồng hành và giúp con vượt qua nỗi sợ, tuy nhiên vẫn có nhiều phụ huynh la mắng, cảnh báo con mà không biết rằng con đang gặp phải nỗi sợ khi phải làm quen với môi trường mới.
Chị Nguyễn Lan Hương, sống tại TP.HCM cũng gặp phải tình trạng con khóc lóc, không muốn đến trường, chị và gia đình đã cố gắng chia sẻ với con về những điều tốt đẹp ở trường lớp, từ đó con chị dần bình tĩnh và thích được đến trường hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh (Chuyên gia tâm lý) cho biết càng gây áp lực ép trẻ đi học sẽ chỉ càng làm tâm lý trẻ trở trên nặng nề hơn. Điều này khiến con mất niềm tin vào người lớn khi bậc ba mẹ không hiểu con đang nghĩ gì, gây ra sự nhút nhát, thiếu tự tin và sợ trường lớp.
Chuyên gia cho biết tâm trạng và suy nghĩ của phụ huynh ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Hãy tạo cảm giác hào hứng bằng cách giới thiệu về trường học, thầy cô, bạn bè mà con sắp gặp gỡ qua những điều tốt đẹp, để con có một tưởng tượng về một nơi đủ an toàn, đủ thích ứng với con.
Mục tiêu là động lực của thành công
Anh Bùi Hoàng Trung sống tại TP.HCM tâm sự về khoảng thời gian mà bản thân không biết làm gì, không có mục tiêu, công việc lúc đó chỉ hoàn thành cho qua ngày. Dần dần, anh rơi vào khủng hoảng khi nhìn thấy các bạn của mình đều đã có những thành tựu riêng.
Thạc sĩ Trần Hải Nguyên cho biết những lợi ích to lớn khi con người có mục tiêu để hành động. Chẳng hạn như việc kết nối các nguồn lực xung quanh thông qua các mối quan hệ từ bạn bè, gia đình và xã hội. Mỗi ngày hoàn thành những mục tiêu nhỏ trong mục tiêu lớn, từ đó hoàn thiện bản thân theo thời gian.
Chuyên gia khuyên để đặt được mục tiêu phù hợp cho bản thân cần biết điểm mạnh và điểm yếu hiện tại, việc đặt ra mục tiêu tồn tại song song với việc xác lập rào cản cho mục tiêu đó, chuẩn bị sẵn những giải pháp và nguồn lực hỗ trợ trong tình huống cấp bách.
Để làm nên sự khác biệt bản thân ở mỗi người, chắc chắn đó là việc sống có mục tiêu, để làm được điều đó bản thân cần nhận biết khả năng của mình, không phải là kết quả cuối cùng mà mục tiêu đôi khi là hành trình chúng ta vượt qua khó khăn, thử thách.
Câu chuyện cuộc sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.