Trong khi ảo thuật trên thế giới được công nhận là bộ môn nghệ thuật thứ tám thì tại Việt Nam ảo thuật vẫn chưa được đánh giá đúng mực. Đây cũng chính là nỗi trăn trở mà ảo thuật gia Hoàng Nghiêm chia sẻ trong chương trình ‘Kính đa chiều’.
Chia sẻ trong chương trình “Kính đa chiều”, ảo thuật gia Hoàng Nghiêm tiết lộ anh bén duyên với ảo thuật từ khi còn là học sinh trung học. Cụ thể, trong khu phố mà Hoàng Nghiêm sinh sống có một nhà ảo thuật, vì vậy mỗi ngày anh đều đến xem biểu diễn. Thấy Hoàng Nghiêm yêu thích bộ môn này nên nhà ảo thuật đã dạy anh vài tiết mục nhỏ. Chính những tiết mục này đã truyền đam mê và đưa Hoàng Nghiêm trở thành một nhà ảo thuật tài ba.
Trong suốt thời gian học tập trên giảng đường, Hoàng Nghiêm cũng nhận lời biểu diễn ảo thuật tại các buổi giao lưu tân sinh viên hoặc đại diện trường biểu diễn ở những nơi vùng sâu vùng xa. Đến năm 2000, anh tốt nghiệp Đại học Văn hóa TP.HCM và bắt đầu chập chững theo con đường ảo thuật. Năm 2003, Hoàng Nghiêm chính thức trở thành một ảo thuật gia chuyên nghiệp và từng bước chinh phục khán giả Việt Nam.
Theo ảo thuật gia Hoàng Nghiêm, hiện nay Việt Nam chưa có trường đào tạo ảo thuật chuyên nghiệp. Những người yêu thích và muốn theo đuổi bộ môn này chỉ có thể tìm đến các câu lạc bộ nhỏ lẻ tại các trung tâm văn hóa. Do đó, vào năm 2018, ảo thuật gia Hoàng Nghiêm đã thành lập Câu lạc bộ ảo thuật Thủ Đức để giao lưu, chia sẻ kinh nghiêm với các nhà ảo thuật trẻ. Nhà ảo thuật Hoàng Nghiêm thổ lộ: “Ban đầu tôi mời các bạn đến biểu diễn và chia sẻ kinh nghiệm của tôi. Sau đó, tôi dựng bài diễn hoàn chỉnh cho các bạn để các thành viên có thể ra ngoài biểu diễn. Hiện nay, có một số bạn thành công và có chỗ đứng nhất định trong bộ môn nghệ thuật này”.
Ảo thuật gia Hoàng Nghiêm là một trong những nhà ảo thuật hàng đầu tại Việt Nam khi nắm giữ kỷ lục tiết mục Người bay trong không gian và Hai người bay ở độ cao cao nhất.
Tuy nhiên theo thời gian, sự phát triển của Internet và các phương tiện truyền thông dần ảnh hưởng đến bộ môn ảo thuật. Vì khán giả có thể tìm kiếm kỹ xảo ảo thuật thông qua Internet hoặc mạng xã hội nên những bí quyết ảo thuật thường bị lộ tẩy. Dẫu vậy, ảo thuật gia Hoàng Nghiêm tin rằng điều này không ảnh hưởng nhiều đến sự đón nhận của khán giả vì anh và các đồng nghiệp luôn cập nhật và sáng tạo những tiết mục mới. Khách mời “Kính đa chiều” cho biết: “Những tiết mục dạy trên các nền tảng mạng xã hội thì chúng tôi sẽ hạn chế và đưa vào bài diễn các tiết mục mới, chưa từng bật mí trước đó, nên ảo thuật hiện nay vẫn được khán giả đón nhận”.
Với kinh nghiệm làm nghề hơn 20 năm, nắm giữ trong tay nhiều kỷ lục đáng ngưỡng mộ, song ảo thuật gia Hoàng Nghiêm vẫn trăn trở vì bộ môn nghệ thuật này vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Nếu như trên thế giới, ảo thuật được công nhận là bộ môn nghệ thuật thứ tám thì tại Việt Nam, ảo thuật vẫn chưa có vị trí nhất định so với các bộ môn nghệ thuật khác. Trước đây, Việt Nam từng có các tour diễn ảo thuật từ Bắc chí Nam, được đông đảo khán giả đón nhận với nhân vật chính là các nhà ảo thuật, khách mời là các ngôi sao ca nhạc. Quy mô tổ chức các tour diễn này thường rất hoành tráng nhưng đến hiện nay chưa từng có thêm show diễn nào như thế nữa. Thay vào đó, khán giả xem ảo thuật như một tiết mục lót trong chương trình ca nhạc hay tạp kỹ.
Theo ảo thuật gia Hoàng Nghiêm, các nhà ảo thuật hiện nay vẫn có thể sống với nghề nhưng để trở thành ngôi sao như các bộ môn khác thì rất khó. Một trong những thách thức lớn nhất đối với ảo thuật Việt Nam là thiếu sân khấu biểu diễn chuyên biệt và không có trường lớp đào tạo bài bản. Thông qua chương trình “Kính đa chiều”, ảo thuật gia Hoàng Nghiêm bày tỏ hy vọng các cơ quan chức năng sẽ quan tâm hơn đến bộ môn nghệ thuật này bằng việc mở trường lớp dạy ảo thuật và có các sân khấu chuyên biệt để khán giả dễ dàng tìm đến xem.
Nhà ảo thuật Hoàng Nghiêm bày tỏ: “Ảo thuật không có trường lớp mà chỉ có những người thầy tự phát dạy cho học trò nên chưa thể đào tạo chuyên nghiệp. Để ảo thuật tiếp cận với khán giả, tôi nghĩ cơ quan chức năng nên quan tâm hơn về bộ môn này, có trường dạy ảo thuật, có sân khấu chuyên biệt dành cho khán giả muốn xem. Nếu như các trường nghệ thuật có thể mở khoa ảo thuật thì tôi nghĩ sẽ có rất nhiều học viên đăng ký. Chỉ có đào tạo chuyên nghiệp thì ảo thuật mới có chỗ đứng và đến gần với khán giả”, nam khách mời chia sẻ.
“Kính đa chiều” – chủ đề tiếp theo Đặc trưng văn hóa của ẩm thực Bắc Bộ với sự tham gia của host Minh Đức và Thạc sĩ Ẩm thực Minh Thủy sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 17/6 trên kênh VTV9.