‘Tinh lạc ngưng thành đường’ chính thức cập bến màn ảnh Việt vào tháng 12 với bản lồng tiếng.
Là tác phẩm được tác giả Nhất Độ Quân Hoa chấp bút, “Tinh lạc ngưng thành đường” có nội dung hấp dẫn, đột phá. Vẫn xây dựng một thế giới huyền ảo nhưng điểm mới lạ là bộ phim đã vẽ nên một bức tranh tứ giới: Thần – Ma – Nhân – Yêu cùng nhau tồn tại từ thuở trời đất sơ khai.
Để bảo vệ thiên hạ thái bình, cả bốn giới đã bắt tay nhau phong ấn nguồn sức mạnh có khả năng diệt thế vào Quy Khư. Nào ngờ một loài cây đã hút năng lượng này và sinh ra hoa Song Sinh có khả năng tháo giải phong ấn gây hại chúng sinh. Dù bị tiêu diệt nhưng linh thể của hoa vẫn tồn tại qua hàng trăm năm và giáng xuống nhân tộc, hạ sinh hai nàng công chúa song sinh là Thanh Quỳ và Dạ Đàm.
Tuy là tỷ muội ruột thịt nhưng từ nhỏ đã bị phụ hoàng đối xử không công bằng. Ly Quang Thanh Quỳ (Hà Tuyên Lâm) được cho là điềm lành chọn gả cho thần tộc Thiên giới, còn Ly Quang Dạ Đàm (Lý Lan Địch) lại bị xem là điềm gở đưa đến ma tộc Trầm Uyên. Thế nhưng vào ngày xuất giá kiệu hoa bị tráo đổi, dẫn đến số phận theo đó đổi thay.
Trên Thiên giới, Dạ Đàm phải học cách trở thành Thiên phi nho nhã, lễ độ chung sống hòa thuận với Thái tử thần tộc – Thiên Điển Hữu Cầm (Trần Tinh Húc). Còn ở Trầm Uyên, Thanh Quỳ phải tìm cách sống sót giữa những kẻ ma tộc man rợ và rơi vào những lời nói dối của Trào Phong (Trần Mục Trì). Cuộc sống hôn nhân dở khóc dở cười của hai nàng dâu Thiên giới và Ma giới chính thức bắt đầu kéo theo hàng loạt biến cố.
Sự đối lập thú vị giữa cặp công chúa song sinh
Có thể nói sự đối lập giữa tỷ muội Thanh Quỳ – Dạ Đàm chính là điểm nhấn đầy thu hút của “Tinh lạc ngưng thành đường”. Nếu Thanh Quỳ luôn được mọi người yêu mến bởi sự dịu dàng, thông tuệ, là hình mẫu lý tưởng của một nữ tử thời cổ đại thì Dạ Đàm lại mang tính cách mạnh mẽ, tinh nghịch và có phần ngang ngược.
Thêm vào đó sau khi kiệu hoa bị tráo cuộc đời 2 cô gái cũng thay đổi hoàn toàn. Trên Thiên giới, Dạ Đàm ngỗ nghịch phải học cách trở thành Thiên phi thanh tao, hòa hợp với Thái tử thần tộc Thiếu Điển Hữu Cầm (Trần Tinh Húc) đầy an tĩnh. Tại Trầm Uyên, Thanh Quỳ nho nhã phải thích nghi với ma tộc hung hãn và vô tình bị kéo vào vòng xoáy tranh chấp quyền thế của tam hoàng tử Trào Phong (Trần Mục Trì).
Sự tương phản thú vị này đã tạo nên điểm nhấn cho mỗi nhân vật, để lại ấn tượng và thu hút sự quan tâm của khán giả.
Lý Lan Địch bất ngờ “nên duyên” Trần Tinh Húc
Cùng xuất thân từ vị trí sao nhí, nếu Lý Lan Địch bắt đầu đóng phim năm 10 tuổi thì Trần Tinh Húc bước chân vào làng giải trí khi mới lên 3. Chính vì vậy cả 2 đều có khả năng diễn xuất tốt, ổn định và sở hữu gia tài phim đồ sộ.
Đến với “Tinh lạc ngưng thành đường”, Trần Tinh Húc rũ bỏ hình tượng “tra nam” trong Đông Cung để hóa thân thành Thái tử thần tộc Thiếu Điển Hữu Cầm điềm đạm, đĩnh đạc. Lý Lan Địch thì thành công khắc họa hình ảnh Ly Quang Dạ Đàm nghịch ngợm, đáng yêu tựa như nhân vật từ nguyên tác bước ra. Màn tung hứng nhịp nhàng, thú vị giữa cả 2 khiến khán giả đứng ngồi không yên và đó là một trong những điều mang đến thành công cho bộ phim.
Hình ảnh chỉn chu, thông điệp ý nghĩa
Tuy không phải dự án được đầu tư với kinh phí khủng nhưng “Tinh lạc ngưng thành đường” vẫn được khán giả khen ngợi về sự chỉn chu trong trang phục và ngoại cảnh. Tứ giới đều có phong cách riêng biệt còn xiêm y của nhân vật đều phù hợp đặc điểm tính cách, hình thức bắt mắt, mang hiệu ứng lỗng lẫy của một tác phẩm tiên hiệp.
Bên cạnh đó tác phẩm còn lồng ghép thông điệp ý nghĩa. Sự đối lập giữa tỷ muội Thanh Quỳ – Dạ Đàm khắc họa nên hình tượng điển hình của người phụ nữ trong xã hội. Thanh Quỳ đại diện cho mẫu phụ nữ truyền thống, dịu dàng, sống hết mình vì gia đình còn Dạ Đàm mang suy nghĩ của người con gái hiện đại, tự do độc lập. Dẫu tính cách trái ngược nhưng họ đều kiên cường, mạnh mẽ, sẵn sàng đấu tranh vì lý tưởng và chính nghĩa của bản thân.