Chia sẻ trong chương trình ‘Kính đa chiều’, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng tiết lộ thu nhập từ nghề tò he không cao nhưng anh vẫn tiếp tục theo đuổi để giữ gìn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Nghệ sĩ tò he Lê Xuân Tùng là một trong những người hiếm hoi gìn giữ và phát triển nghệ thuật tò he, một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm tò he, Lê Xuân Tùng bắt đầu theo nghề từ khi mới 12 tuổi. Bằng tình yêu nghề và không ngừng sáng tạo học hỏi, Lê Xuân Tùng lập kỷ lục Việt Nam khi là người đầu tiên sử dụng bột tò he kết hợp ốc vít, mắt xích để biểu diễn vẽ tranh trên sân khấu vào năm 2020.
Trở lại chương trình “Kính đa chiều”, nghệ sĩ tò he Lê Xuân Tùng tiếp tục dẫn dắt khán giả khám phá thế giới đằng sau bộ môn nghệ thuật đầy màu sắc – tò he. Theo nam khách mời, nghệ thuật tò he vừa mang tính dân gian, vừa sáng tạo và thu hút cả trẻ em lẫn người lớn. Tuy nhiên, việc tìm thấy các nghệ nhân tò he biểu diễn hiện nay không còn dễ dàng vì các nghệ nhân tò he chỉ thường xuất hiện vào các dịp lễ hội Tết.
Nghệ sĩ tò he Lê Xuân Tùng là một trong những người hiếm hoi gìn giữ và phát triển nghệ thuật tò he, một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam.
Nếu như ngày trước, tò he phổ biến nên có nhiều nghệ nhân theo đuổi công việc này thì hiện tại vì thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống, các nghệ nhân đã phải chuyển nghề. Hiện, những người yêu thích nghệ thuật tò he có thể tìm thấy nghệ nhân tại các lễ hội Tết như hội Hoa xuân, chẳng hạn như đường hoa Nguyễn Huệ ở miền Nam hay Hồ Gươm ở miền Bắc.
Trước thắc mắc của host chương trình là đạo diễn Lê Hoàng, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng cho biết có những nghệ nhân tò he tóc hoa râm khoảng 80 – 90 tuổi vẫn tiếp tục làm tò he. Dù những nghệ nhân cao tuổi này không bán trực tiếp ở chợ nhưng vẫn có thể làm tại nhà để con cháu mang đi bán.
Đạo diễn Lê Hoàng tiếp tục đặt câu hỏi thú vị về tại sao chưa bao giờ gặp nữ nghệ nhân tò he? Lê Xuân Tùng tiết lộ rằng có nhiều nữ nghệ nhân tò he, chẳng hạn như bà nội của anh. Ở độ tuổi xế chiều 85, bà của nghệ sĩ Lê Xuân Tùng vẫn gắn bó với nghề tò he. Trong lần về thăm bà gần đây, Lê Xuân Tùng còn cùng ôn lại kỷ niệm tuổi thơ với bà bằng cách cùng làm tò he với bà.
Theo nam khách mời, tò he của ngày trước thường hay làm trên phên tre, để bệt trên mặt bàn hoặc mặt phẳng, về sau tò he dần được làm trên que tre để tiện cầm, nắm và di chuyển. Hiện nay, nhiều thành viên trong gia đình nghệ sĩ Lê Xuân Tùng vẫn theo nghề truyền thống này, bao gồm cả các thành viên nữ trẻ tuổi. Nam khách mời bày tỏ: “Hầu như các thành viên trong gia đình tôi đều làm nghề tò he, có cả anh chị và bố mẹ cũng làm nghề truyền thống này”.
Với tư cách là một nghệ sĩ tò he, Lê Xuân Tùng mong muốn nhà nước tạo điều kiện để hỗ trợ các nghệ nhân tò he có một không gian để hoạt động trong các lễ hội giao lưu văn hóa, nhằm gợi lại ký ức tuổi thơ của mọi người, ở mọi lứa tuổi.
Sở dĩ, Lê Xuân Tùng cùng bố mẹ vào TP.HCM lập nghiệp vào năm 12 tuổi. Những khi có thời gian rảnh rỗi, anh đến đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM) vào dịp Tết hoặc đến chùa vào ngày 30 để biểu diễn tò he. Tuy nhiên, Lê Xuân Tùng từng bị nhắc nhở về việc biểu diễn ở những nơi không được phép nên để lại trong anh cảm giác lo sợ và ngại ngùng. Qua trải nghiệm cá nhân, Lê Xuân Tùng hy vọng có những không gian, vị trí cụ thể cho phép nghệ nhân tò he có thể biểu diễn hợp pháp và thoải mái, nhằm duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống. Nghệ sĩ tò he Lê Xuân Tùng thổ lộ: “Ở miền Bắc có phố tò hè ngoài Hồ Gươm nên tôi cũng mong muốn TP.HCM có một phố tò he ở vị trí nào đó, để mọi người có thể đến tham quan, tìm hiểu thêm về nét văn hóa của Việt Nam, giúp nghệ thuật truyền thống này không bị mai một”.
Cũng theo nghệ sĩ Lê Xuân Tùng, tò he từng xuất hiện trên sóng truyền hình cũng như các chương trình gameshow, song vẫn chưa bộ phim tài liệu về nghệ thuật truyền thống này. Do đó, nam nghệ sĩ ấp ủ thực hiện giấc mơ thực hiện một bộ phim về tò he và mong muốn có một người hỗ trợ xây dựng kịch bản kể chuyện về loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Nghệ sĩ Lê Xuân Tùng cho biết thêm, việc học tò he chủ yếu là truyền nghề, không có lớp học hay trung tâm đào tạo chính thức. Đạo diễn Lê Hoàng nhận định đây là một hạn chế vì dẫn đến việc tò he chỉ có thể truyền nghề trong gia đình, khó có thể mở rộng ra bên ngoài. Để khắc phục điều này, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng tiết lộ anh đã mang tò he đến với các trường hợp để giới thiệu đến các em nhỏ, để loại hình nghệ thuật này được lan tỏa rộng rãi đến các thế hệ trẻ. Nam khách mời chia sẻ: “Gần đây, tôi đã đem tò he đến trường học để các em nhỏ có thể trải nghiệm, tìm hiểu thêm về nghệ thuật này. Tôi cũng cho các em nhồi bột và tự tay nặn ra những hình tò he theo mẫu. Sau đó, các bé sẽ tự sáng tạo thêm để ngày càng nhân rộng nghệ thuật truyền thống này”.
Theo Lê Xuân Tùng, số lượng nghệ nhân tò he hiện nay rất ít, chưa đến 100 người. Anh chia sẻ rằng có thời gian nghệ thuật tò he gần như biến mất, nhưng nhờ sự động viên của mọi người, anh đã quyết tâm theo nghề dù thu nhập không cao. “Sau này mỗi khi tôi đi làm thì nghe được mọi người nói phía sau rằng ở độ tuổi này giữ được nghệ thuật tò he là rất quý. Từ những câu nói ấy giúp tôi thêm động lực theo nghề dù có thu nhập hay không. Sau này, tôi có thể có một công việc tốt hơn thì tôi cũng dành thờ gian để làm nghề tò he này”, nghệ sĩ Lê Xuân Tùng trải lòng.
“Kính đa chiều” chủ đề tiếp theo Nghệ sĩ và thông tin tiêu cực với sự tham gia của host Phương Uyên và NSƯT Đại Nghĩa sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 25/6 trên kênh VTV9.