360 độ

‘Ký ức lô tô’ tập 4: khóc thương các đào hát vì quá cực khổ mà không danh vọng

Tập 4 loạt phim Phóng sự thực tế Ký ức lô tô của đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời vừa lên sóng, giới thiệu đến khán giả đoàn lô tô hoạt động trên ghe hiếm hoi còn sót lại, tên đoàn cũng là tên ông chủ tràn đầy nhiệt huyết với nghề lô tô: Hoàng Huy.

Tập này, khán giả sẽ được làm quen với câu chuyện bén duyên theo nghiệp lô tô của gia đình của ca sĩ Hoàng Huy. Mở đầu là hình ảnh về cha mẹ và cậu em trai đang sống, sinh hoạt, di chuyển cùng nhau trên một chiếc ghe nhỏ. Sở dĩ chọn cách sống chung trên ghe là vì đoàn Hoàng Huy chọn điểm đến biểu diễn thường là ở các xã, huyện vùng sâu vùng xa, nơi mà đường bê tông quá nhỏ hẹp, xe tải tải không thể đến, đoàn chỉ có thể di chuyển bằng ghe dọc các con kênh rạch.

Hoàng Huy là con thứ 2 của gia đình có đến 5 anh em. Thời trẻ trai, anh từng bôn ba đi lao động phổ thông tại Sài Gòn, Bình Dương… với sự hoạt bát, nhanh nhẹn, việc gì anh cũng làm được, thu nhập ổn định. Nhưng khi cha mẹ ở quê mở đoàn hát lô tô vì “thương mấy bà bóng”, Hoàng Huy nói anh cũng bị “tổ nghiệp xui khiến”, quyết tâm bỏ hết công việc riêng để về chung tay. Bắt đầu hành trình “ăn gạo chợ, uống nước sông”, gắn bó với các đào hát 14 năm qua. Cũng vì lẽ đó, đa số các đào hát cộng tác với đoàn giờ đây cũng đều đã luống tuổi.

Nỗi lo của đoàn hát hoạt động rong rủi dọc các dòng sông, theo anh Hoàng Huy đó là nỗi lo về bến bãi. Khi tìm được bến bãi cho đoàn thì lại là nỗi lo bến mới sẽ bị vắng khách. Và khi có khách đến chơi thì lạ lo lắng không biết khách tiền để chơi lô tô chung vui hay không? Tâm sự về quá trình gây dựng đoàn từ số vốn ít ỏi, anh đã có lúc mình từng nổi điên, quăng đạo cụ xuống sông vì muốn nghỉ, dẹp đoàn hát cho khỏe… vì cái nghề này quá cực. Nhất là những đêm mưa gió mà đoàn còn gặp những sự cố xui rủi không như ý!

Nhưng niềm đam mê ca hát của bản thân, sự phấn khởi của các đào hát lô tô luống tuổi được cháy hết mình trên sân khấu mỗi đêm, lại là những động lực để Hoàng Huy cùng với cha mẹ vượt qua sóng gió. Khó khăn mấy cũng dần qua đi, đoàn lô tô Hoàng Huy dần tạo tiếng vang nhất định ở miệt sông nước. Đoàn trở thành món ăn tinh thần của bà con nông dân ở các vùng nông thôn hẻo lánh, nơi đường xá chưa hoàn thiện, chỉ có thể di chuyển bằng xuồng ghe.

Thời điểm Lộ Lộ, chủ đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời cùng nghệ sĩ lô tô La Kim Quyền cùng ekip quay phim tìm đến thực hiện phóng sự, đoàn Hoàng Huy đang trụ hát tại Thị trấn Mười Một, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Hằng đêm bến bãi này thu hút được một lượng khán giả nhất định. Thêm có sự xuất hiện hai cái tên Lộ Lộ và La Kim Quyền trong lời rao mời khán dọc theo các con kênh rạch suốt buổi, đêm đến không khí buổi diễn càng trở nên đông vui, nhộn nhịp.

Trong tập này, khán giả sẽ khó quên câu chuyện và hình ảnh về cô đào hát Mai Đình đã ngoài 50, bị bệnh mây kéo che gần kín mắt vẫn hằng đêm đứng trên sân khấu. Có bệnh nhưng không có tiền đi mổ, cũng không dám vay nợ vì sợ không thành công, đành hóa trang cho đậm hòng che đi khuyết điểm rồi vẫn bước lên sân khấu mỗi đêm, tự tin cất giọng hát, khoe vũ đạo trong tiếng nhạc xập xình. Tương lai như thế nào cô cũng không dám nghĩ!

Khán giả cũng không quên hình ảnh các nghệ sĩ phải mặc nguyên áo quần khi tắm gội lộ thiên ngay trên ghe. Khi trời chiều chập choạng, dưới gầm sân khấu thấp chủn, tối tăm, các cô đào lô tô tranh thủ hóa trong trong ánh đèn leo lét… Nhưng ngay khi tiếng nhạc mở màn cất lên, chính những lời ca tiếng hát của họ đã lập tức đã xua tan vẻ hiu hắt buồn, quên đi những tạm bợ, thiếu thốn của cuộc sống mưu sinh. Sân khấu chỉ còn ánh đèn và tiếng cười nói rộn ràng với những lời chào mời khán giả cực kỳ dễ thương.

“Không đi hội chợ thì nhớ thì thương, có đi hội chợ thì vấn vương cây cầu”, “Con cá sống nhờ nước, chúng em tha phương đi cầu thực lấy sân khấu Hoàng Huy làm nhà”.. Những lời rao của các đào hát, gọi mời tình thương từ khán giả, hòng mong họ ủng hộ các đào hát khác một vài tấm lá vé lô tô được đưa đến tận tay, nghe vừa chân chất, thật thà mà cũng vừa đắn đót, rưng rưng cảm xúc.

Trong đêm diễn, sân khấu cũng gặp phải những sự cố đậm chất cây nhà lá vườn, đó là khi ca sĩ biểu diễn trên nền nhạc karaoke thì bị quảng cáo chen vào làm gián đoạn ca khúc. Hay sự cố MIC mất tiếng. Nhưng khán giả cũng chẳng mấy nề hà, thay vào đó là hình ảnh những gương mặt khán giả đủ mọi lứa tuổi háo hức, chào đón, vỗ tay sôi nổi. Nhất là khi bà bầu Lộ Lộ xuất hiện và hát ca khúc Cá sale, và khi họ được gặp gỡ “bà hoàng lô tô” La Kim Quyền thì niềm phấn khích càng hiện rõ trên nét mặt bà con.

Có thể nói đây là tập phóng sự rất đặc biệt. Người xem thực sự sẽ vỡ òa xúc động nếu xem đến cuối tập phát sóng, khi bà bầu lô tô Lộ Lộ và nghệ sĩ La Kim Quyền ngồi “chén chú chén anh” lúc nửa đêm về sáng với các thành viên đoàn lô tô Hoàng Huy, trên một chiếc ghe giữa lòng sông tịch mịch. Trong cả nụ cười và nước mắt đan xen, câu chuyện bất ngờ được dẫn dắt khiến cả hai đã phải ôm chầm lấy nhau, khóc nức nở bên khi nghĩ về thân phận nổi trôi của những kiếp cầm ca, nổi trôi theo dòng nước chảy!

“Cũng là đi hát lô tô, nhưng không phải ai cũng may mắn được như Quyền với Lộ Lộ. Khi đến quay tập này với đoàn, Quyền thực sự được sống lại những ngày tháng cơ cực theo các đoàn lô tô tỉnh”, nghệ sĩ La Kim Quyền nói và rồi cùng Lộ Lộ bật khóc nức nở.

Ký ức lô tô là loạt phim ghi lại hành trình đi thực tế tại các đoàn lô tô đang hoạt động khắp mọi miền của “bà bầu” Lộ Lộ – ca sĩ Lâm Quốc Khải – cùng ekip làm phim đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời. Những thước phim được ghi lại có tính chất hiện thực, phản ánh đời sống lô tô của các đoàn hát đang hoạt động mỗi đêm. Loạt phim đã được lên sóng 4 tập tại kênh Youtube Đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời.

Ở mỗi tập phim là mỗi câu chuyện của một đoàn lô tô khác nhau, họ đều đang sống lay lắt, chật vật, bữa được bữa mất với cái nghề đang dần mai một. Đó có thể là câu chuyện về mối lo cơm áo, gạo tiền của các ông bầu, bà bầu của các đoàn lô tô. Đó có thể là câu chuyện về tình yêu với nghề hát, yêu ánh đèn sân khấu của các cô “đào” đã dành hết tuổi thanh xuân cho nghề lô tô. Đa số họ đều luống tuổi, từng trải qua bao thăng trầm của nghề, ở tuổi xế chiều họ vẫn không thể làm gì khác ngoài cái nghề đã trở thành cái “nghiệp” cầm ca không thể rời xa.

Qua mỗi tập cũng giúp khán giả cảm nhận, thấu hiểu những khó khăn của các đoàn lô tô lưu động mỗi khi dời bến đến hoạt động ở mỗi vùng miền là lại đối mặt với những đặc điểm địa lý, thời tiết khắc nghiệt khác nhau. Qua các tập phim, cũng phần nào phản ánh được nét văn hóa thưởng thức lô tô của người dân, cho thấy được cái nhìn của người bản địa với các đào hát nói riêng, cộng đồng người chuyển giới nói chung.

AC