Phim điện ảnh kinh dị kỳ ảo ‘Kẻ ăn hồn’ công bố hành trình đi tìm tính bản địa từ mặt nạ chuột đến trang phục làng Địa Ngục thuở sơ khai.
Nỗi ám ảnh âm ỉ gặm nhấm cả ngôi làng Địa Ngục luôn sống chui rúc như lũ chuột
Hình ảnh loài chuột vừa tượng trưng cho nỗi ám ảnh được biểu đạt thành hiệu ứng thị giác, rằng dân làng Địa Ngục chấp nhận sống ẩn dật, thấp hèn và xa lánh thế sự như lũ chuột gây hoạ sau tội ác từ tổ tiên vốn là nhóm cướp ô hợp. Ngoài ra, hình ảnh ấy còn thể hiện tâm thế luôn né tránh nghiệp dữ rình rập cả làng, khi đời trước đã gây hoạ. Dân làng này sống trốn tránh ẩn dật, vì họ tin rằng nghiệp xưa ông cha đã gây – đời sau khó chối. Đến cả hỷ sự ở làng, tất cả chỉ dám cử hành hôn lễ rước dâu giữa đêm u tịch.
Đám cưới chuột diễn ra còn lột tả đầy ắp hi vọng vào một khởi đầu mới như ý nghĩa của bức tranh dân gian Đông Hồ về đám cưới chuột. Tuy mang trong mình hi vọng, đoàn rước “cưới chuột” ở làng Địa Ngục cũng chỉ đốt đuốc, bước đều trong nhịp gõ của tiếng chiêng, tiếng mõ, thay vì giữa tiếng nói cười rộn rã.
Hành trình đi tìm tính bản địa cho làng Địa Ngục ở “Kẻ ăn hồn”
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: “Với tôi, dù là làm phim kinh dị, vẫn phải thể hiện tình yêu văn hoá tôn vinh văn hoá trong tác phẩm. Ở “Kẻ ăn hồn”, tôi gửi gắm sự biết ơn và tình yêu dành cho văn hoá bản địa qua phục trang của phim. Đề bài tôi đặt ra cho ê kíp mình chính là làm mọi thứ phải thuần Việt nhất trong khả năng. Vì vậy các bộ áo đều dựa trên nền Việt phục của chúng ta”.
Có thể nói với cảnh đám cưới chuột mở màn phim “Kẻ ăn hồn” trong tinh thần trọng lễ, từ bối cảnh đến con người và từng bộ phục trang, phụ kiện đều được đầu tư đến chi tiết. Hai bộ hỷ phục của tân lang Võ Điền Gia Huy (vai cậu Sang) và tân nương Hoàng Hà (vai cô Phong) là kiểu áo ngũ thân kết hợp với đối khâm. Kèm theo hỷ phục, cả hai còn mang trang sức cưới được thiết kế riêng theo quy tắc mặc lễ phục xưa: bao gồm cả kim khánh, kim bài, vòng kiềng, chuỗi hạt, vòng tay, hoa tai, xà tích…
Riêng bộ phục trang của Thập Nương (do Lan Phương thủ vai) được thiết kế dựa trên nền áo giao lĩnh, thêm vào những chi tiết sáng tạo để mang dáng dấp huyền ảo cho nhân vật từ chuỗi hạt trước trán, vòng bạc cổ, hoa tai, trâm cài, vòng tay, nhẫn, mạng che mặt, đến cả lắc chân.
Trần Hữu Tấn khá tâm huyết với các chất liệu cổ phục: “Khi từng thước phim “Kẻ ăn hồn” được hình thành, tôi tự hào vì thấy được hình ảnh dáng dấp những bộ Việt phục xuất hiện giữa chốn rừng núi Đông Bắc. Tôi hi vọng tinh thần cố gắng nhỏ nhoi này sẽ giúp cho khán giả thêm yêu giá trị văn hoá dân tộc cũng như yêu thích tác phẩm”.
Bằng BTS Bối cảnh và BTS Phục Trang, phim điện ảnh “Kẻ ăn hồn” cho thấy nỗ lực đầu tư từ chất lượng sản xuất, con người, đến nội dung. Những câu chuyện đậm chất liệu dân gian sẽ được kể giữa ngôi làng Sảo Há có địa thế hoang sơ hùng vĩ, và từng bộ phục trang được thiết kế có dụng ý từ chất vải, màu sắc, dáng áo khiến từng nhân vật trong làng Địa Ngục bước lên màn ảnh rộng được tăng phần ma mị, kỳ ảo.
Qua loạt hình tượng dân gian độc đáo, “Kẻ ăn hồn” mang đến một “vị phim” văn hoá linh dị, hứa hẹn là một tựa phim điện ảnh mới lạ tại phòng vé tháng 12 này.
Phim kinh dị kì ảo “Kẻ ăn hồn” có sự góp mặt hứa hẹn của các diễn viên tên tuổi và được yêu thích là Hoàng Hà, Lan Phương, NSƯT Chiều Xuân, Võ Điền Gia Huy, Huỳnh Thanh Trực, Nghệ sĩ Viết Liên, NSND Ngọc Thư, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Phước Lộc, Nghinh Lộc, Lý Hồng Ân, Vũ Đức Ngọc… và nhiều diễn viên khác.