360 độ Giải trí Văn hóa

Đạo diễn Lê Hoàng ngán ngẩm với cách làm sân khấu tại Việt Nam

Trong số tiếp theo của ‘Kính đa chiều’, khán giả tiếp tục được lắng nghe và bàn luận cùng host Lê Hoàng, khách mời là ông Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc điều hành Công ty Sân khấu Nghệ thuật Thái Dương và MC Phương Uyên về chủ đề Sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM.

TP.HCM được xem là cái nôi của mô hình sân khấu xã hội hóa. Sau thời gian dài “ngủ đông” với nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, tưởng chừng như sẽ “lụi tàn” nhưng một tín hiệu đáng mừng cho sự hồi sinh mạnh mẽ khi có rất nhiều sân khấu xã hội hóa sáng đèn trong năm qua. Riêng dịp Tết 2024, chỉ tính riêng sân khấu kịch nói đã có hơn 10 điểm diễn trong thành phố để phục vụ cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.

Dưới góc nhìn của một nhà sản xuất, sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM đầy tiềm năng nhưng nhiều thách thức, trước sự “đỏ đèn” liên tục của sân khấu, ông Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc công ty Sân khấu Nghệ thuật Thái Dương, một trong những người đồng hành cùng sân khấu xã hội hóa từ những ngày đầu, cho biết ông có thể tự hào và ngẩng mặt “một tí” trước thành công này. “Điều này chứng tỏ thành phố có tính giải trí cao về xem kịch nói cuối tuần”, ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết.

Đạo diễn Lê Hoàng ngán ngẩm với cách làm sân khấu tại Việt Nam

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, truyền thống hay cách sống của người dân ở TP.HCM là bất kỳ một loại hình nào đều phải mua vé: “Đây là cái hay và mang tính thương mại. Đòi hỏi khi bán vé là sản phẩm phải tương đương với yêu cầu của người mua vé. Điều này gần như kích thích và trở thành thói quen với kịch ở TP.HCM là phải mua vé vào xem. Trong cùng thời điểm đó ở Hà Nội thì các đoàn kịch đều do nhà nước thành lập và bao trọn gói đời sống của công nhân viên”.

Đến hiện tại, ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng ông không bi quan hay lạc quan về tình hình sân khấu ở TP.HCM. Ông sử dụng cụm từ “sòng phẳng”, đó là “khi ta có sản phẩm tốt thì sẽ có khán giả, khách hàng và ngược lại”. Tuy nhiên, ông Huỳnh Anh Tuấn cũng nhận định cách thức làm sân khấu ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và mang tính tự phát khi so sánh với các nền văn hóa phát triển khác trên thế giới.

Ở góc nhìn của một người làm về văn hóa, đạo diễn Lê Hoàng đánh giá điểm hạn chế lớn nhất của sân khấu tại Việt Nam chính là cảnh trí và công nghệ, kĩ thuật sân khấu còn sơ khai. Đồng tình với điều này, ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết đó là lí do ông mong muốn các sân khấu hãy làm điều “bất thường” thì khán giả mới mua vé vào xem: “Còn nếu làm quá bình thường thì khán giả ở nhà có thể tự xem được với những công nghệ hiện tại, làm điều bình thường là tự giết mình”.

Bên cạnh đó, ông Huỳnh Anh Tuấn cũng chia sẻ ở Việt Nam là nghệ sĩ đứng ra lập sân khấu, trong khi đó, ở nước khác người lập sân khấu là những doanh nhân, là những người được đào tạo qua lớp quản lý văn hóa hay nhà sản xuất. “Tất cả đều phải bài bản, học hành đầy đủ chứ không phải hứng là làm. Nếu hứng mà làm thì sân khấu hay nhà hát chỉ dừng ở mức đó thôi, không có sự tâm huyết”, ông Huỳnh Anh Tuấn lắc đầu ngao ngán.

Ông Huỳnh Anh Tuấn phản bác việc để nghệ sĩ quản lý sân khấu.

Đồng thời, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, đứng ở góc độ nhà sản xuất, ông cho rằng việc để các diễn viên làm giám đốc nhà hát hay sân khấu là không hợp lý. Bởi vì đã là diễn viên thì làm việc cảm tính và theo cảm xúc, chỉ chọn những thứ phù hợp với mình. Khác với con mắt của nhà sản xuất hay doanh nhân, họ chọn những thứ tốt nhất và đem lại lợi nhuận cao. “Nghệ sĩ bị trói buộc vào mục đích đang làm là nghệ thuật, cái thăng hoa của họ”, ông Huỳnh Anh Tuấn nhận định.

“Kính đa chiều” được phát sóng vào lúc 20h từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần trên kênh VTV9.