Sáng 4/3/2024, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), đã diễn ra sự kiện ‘Rung chuông vì Bình đẳng giới’ do UN women (Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ ) tổ chức tại Việt Nam.
Đây là năm thứ 10 sự kiện “Rung chuông vì Bình đẳng giới” được UN women tổ chức toàn cầu và là lần thứ 6 Việt Nam tham gia nhằm nhấn mạnh vai trò then chốt của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hướng tới doanh nghiệp và xã hội phát triển bền vững.
Trong một thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, việc đảm bảo bình đẳng giới và tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ là cách tốt nhất để đảm bảo nền kinh tế thịnh vượng, xã hội phát triển bền vững.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên phát biểu trong phần giao lưu.
Tại phiên thảo luận “Đầu tư cho phụ nữ: Từ chính sách tới thực tiễn”, các diễn giả đến từ Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), Tổng Công ty Việt Thắng, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã trao đổi, chia sẻ các chính sách và thực tiễn của doanh nghiệp về bình đẳng giới, về nguồn ngân sách cho các hoạt động về giới sao cho không để ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, sự kiện có một số tham luận về kinh nghiệm quốc tế về doanh nghiệp thực hành bình đẳng giới và các ưu tiên đầu tư cho bình đẳng giới.
Cũng tại phiên thảo luận, Tổng Giám đốc IPPG, bà Lê Hồng Thủy Tiên cho biết: bình đẳng và hòa nhập trong hoạt động kinh doanh là một phần thể thiếu trong văn hóa của IPPG trong hơn 39 năm kinh doanh và phát triển tại Việt Nam. Việc được nhận giải thưởng Lãnh đạo cam kết bình đẳng giới cũng như việc ký kết các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ của Liên hiệp quốc nhằm thúc đẩy bình đẳng giới là một bước quan trọng của IPPG nhằm truyền tải thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ hơn cho tất cả thành viên trong tập đoàn và cả khách hàng, đối tác. Đó chính là xây dựng một môi trường làm việc gắn kết, hòa nhập, mỗi người đều có cơ hội để làm việc, thăng tiến, cùng nhau thành công, cùng nhau xây dựng và phát triển cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Các khách mời và đại diện cơ quan, tổ chức chụp ảnh lưu niệm.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc IPPG còn chia sẻ sự trăn trở của bà về việc làm sao Việt Nam có thể tính đến việc triển khai ngoại giao vì bình đẳng giới một cách bài bản trong tổng thể chính sách đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng phù hợp với nội lực quốc gia, thúc đẩy Chính sách đối ngoại vì quyền của phụ nữ (FFP: Feminist Foreign Policy), để chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam cần nhìn nhận lại chính sách đối ngoại của mình, từ đó quan tâm và đầu tư hơn đến việc bảo vệ, chăm lo, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.