Ở thôn 3 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình có cây hoa gạo (còn gọi là hoa mộc miên) gắn liền với đời sống và được nhân dân nơi đây xem ‘báu vật’ hàng trăm năm qua. Cây cao khoảng 25m, tán vươn rộng khoảng 20m. Đường kính thân cây ở gốc 5-6m. Trong tiết xuân ấm áp, cây ra hoa màu cam rất đẹp. Thời điểm này, đàn voọc gáy trắng và nhiều loài chim tìm đến cây gạo để kiếm ăn, tạo nên khung cảnh yên bình, đẹp mắt giữa cánh đồng quê xanh bát ngát.
Năm 2024, cây gạo ở Thạch Hóa được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam” đầu tiên ở Quảng Bình và đây cũng là cây cổ thụ duy nhất ở tỉnh này được công nhận cây di sản.
Những hình ảnh sau đây được anh Nguyễn Thanh Tú, Tổ trưởng Tổ quản lý Voọc gáy trắng cộng đồng Tuyên Hóa ghi lại bằng chính thiết bị fly cam được đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức giải thưởng hành động vì cộng đồng – Human Act Prize tặng trong tháng 9/2024.
Cây gạo mọc dưới một ngọn núi đá vôi, gốc cây có đường kính rộng đến nổi 10 người ôm không xuể. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, cây gạo vẫn đứng hiên ngang, căng mình đón nắng, đón gió, trở thành “linh hồn” của làng.
Khác với cây gạo có hoa màu đỏ như ở các tỉnh phía bắc, cây gạo cổ ở Thạch Hóa (Quảng Bình) có hoa màu cam, rực rỡ giữa đất trời.
Hoa gạo thường nở vào tháng 3 đến tháng 4 hằng năm, hoa có 5 cánh dày, mùa cam, to thắm cảnh quan núi rừng xanh đẹp như tranh vẽ.
Cây gạo có nhiều nhánh rất to tỏa bóng một vùng, mỗi nhánh với nhiều bông hoa được tạo như những hình thù uốn lượn rất độc đáo giữa không trung.
Mùa hoa gạo, từng đàn voọc gáy trắng và nhiều loài chim thường tìm đến cây gạo để kiếm ăn, tạo nên khung cảnh làng quê yên bình, đẹp mắt. (Ảnh: ĐINH HUY TRÍ)
Cùng với hoa, trên các cành cây gạo có nhiều loài thực vật khác ký sinh tạo nên quần thể thực vật độc đáo trong khu bảo tồn cộng đồng voọc gáy trắng Tuyên Hóa.
Sắc cam hoa gạo điểm tô giữa nền xanh của núi đồi tạo nên khung cảnh rực rỡ, tạo môi trường sống bình yên cho các đàn voọc gáy trắng nơi đây.
Quyện trong màu xanh của đồng ruộng và núi đồi, cây hóa gạo đã tạo nên hình ảnh làng quê thân thuộc, yên bình Tuyên Hóa hôm nay.
Hương Giang – Thanh Tú/Nhân Dân