Câu chuyện cuộc sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: ‘Nghệ thuật’ dạy trẻ học tại nhà; Tổn thương vì những lời đồn vô căn cứ; Phát triển những kỹ năng mới để thành công hơn.
“Nghệ thuật” dạy trẻ học tại nhà
Dạy trẻ học tại nhà chính là cơ hội quý giá để gắn kết tình cảm gia đình. Những khoảnh khắc này không chỉ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về khả năng học tập của con, mà còn tạo ra không gian để chia sẻ và kết nối.
Một học sinh tiểu học thổ lộ: “Con phải học trên trường nhưng khi về nhà ba mẹ còn bắt con đi học thêm nhiều. Cho nên con thấy rất mệt mỏi. Con mong muốn ba mẹ sẽ tạo ra cho con những trò chơi về việc học thì con sẽ thấy vui và dễ tiếp thu bài hơn”.
Thạc sĩ Phan Thị Mai Quyên (Chuyên gia Tâm lý) chia sẻ: “Phụ huynh thường gặp khó khăn trong phương pháp sư phạm. Không biết làm sao có thể truyền tải được đến con cái đúng bản chất kiến thức mà trẻ đang cần hỗ trợ. Vì vậy, cách hướng dẫn cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu của trẻ khi học tại nhà. Một số trường hợp phụ huynh thiếu kiên nhẫn trong việc hướng dẫn con học. Đôi lúc sẽ có những hành vi, ngôn từ không phù hợp tác động vào tâm trí của trẻ dẫn đến ảnh hưởng chất lượng. Ba mẹ cần phải học những bài học kết nối, kiên nhẫn và cố gắng tìm ra những phương pháp hướng dẫn phù hợp với tính cách của con cái để gia tăng hứng thú học tập của trẻ”.
Trong cuộc sống hiện đại với nhịp sống nhanh và quỹ thời gian hạn hẹp. Bên cạnh những bữa cơm chung hay những giờ sinh hoạt giải trí, khoảng thời gian dạy con học tại nhà thực sự là một cơ hội quý báu để gắn kết tình cảm gia đình. Do đó các bậc phụ huynh cần tận dụng cơ hội này để gia tăng sợi dây tình cảm với các con.
Tổn thương vì những lời đồn vô căn cứ
Sự bùng nổ của công nghệ đã tạo ra thế giới ảo với vô số các mối quan hệ ảo được thiết lập, nhất là ở trên các nền tảng mạng xã hội. Từ môi trường này, các tin đồn vô căn cứ rất dễ lan tỏa rộng rãi. Không chỉ riêng không gian mạng mà ngay cả cuộc sống đời thường, những tin đồn cũng thường xuyên xuất hiện và được bàn tán, dẫn đến vô tình tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng mà người tạo ra tin đồn không thể ngờ đến được.
Chị Nguyễn Ngọc Thanh Thảo (TP.HCM) thổ lộ: “Mình gặp phải những lời đồn ngay tại căn phòng trọ mình sinh sống. Khi mới vào sống tại căn trọ chưa quen được mọi người, có một số người bị mất đồ thì họ nghĩ là em lấy mất đồ của họ. Lúc đó em thấy khá bối rối và tổn thương. Em nghĩ lúc đó mình nên tìm cách giải quyết chứ không nên phản kháng. Vì khi phản kháng thì họ càng nghĩ rằng mình là người lấy đồ của họ”.
Chuyên gia tâm lý Cao Kim Thắm (Giám đốc trung tâm Tâm lý Trị liệu NHC Việt Nam khu vực TP.HCM) chia sẻ: “Có những tin đồn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nhân vật được nhắc đến. Vì tin đồn sẽ gây ảnh hưởng đến danh dự, công việc, mối quan hệ và ảnh hưởng đến đời sống của người đó. Nếu như người được nhắc đến không có khả năng bảo vệ bản thân, không thể bất nhiễm với những thông tin đó thì sẽ ảnh hưởng đến mặt sức khỏe và tâm lý của họ. Đôi khi sẽ gây thiệt hại kể cả mạng người”.
Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên (Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng Vtalk) khẳng định: “Con người chúng ta phải chấp nhận mỗi người sẽ có những quan điểm và nhân sinh quan khác nhau. Chúng ta cần học cách giữ bình tĩnh trước những tin đồn. Tùy theo tình huống, chúng ta có thể giải quyết bằng phương án nói lên tiếng nói của mình, nếu trường hợp không thể gặp mặt từng người để giải thích thì chúng ta chọn cách im lặng, chứng minh qua hành động và con người thật của chính mình. Tiếp theo, chúng ta cần tin vào giá trị bên trong con người mình, nhìn vào tích cực trong cuộc sống để tiếp tục cố gắng phát triển. Nên kết nối những người yêu thương và trân trọng mình vì đó là tiền đề của những mối quan hệ tốt đẹp trong tương lai”.
Mỗi người cần phải tỉnh táo và bình tĩnh trước những lời đồn của bản thân hay lời đồn về người khác. Cần phải suy xét và tìm hiểu thật kỹ khi chia sẻ thông tin lên mạng xã hội hoặc nói cho người khác. Ngoài ra, tránh bàn tán những tin đồn vô căn cứ cũng là cách để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Phát triển những kỹ năng mới để thành công hơn
Phát triển những kỹ năng mới là một trong những yếu tố quan trọng của mỗi cá nhân. Cho dù chúng ta có đang làm việc trong những lĩnh vực nào thì việc học thêm những kỹ năng mới không chỉ giúp làm việc hiệu quả hơn mà còn mở ra những cơ hội mới. Đặc biệt, khi yêu cầu công việc ngày càng cao thì việc trang bị những kỹ năng mới sẽ là tiền đề để đạt những thành công như mong đợi.
Chị Trần Thị Trà My (TP.HCM) thổ lộ: “Bản thân mình là một nhân viên văn phòng thì mình nghĩ việc phát triển những kỹ năng mềm như học thêm ngôn ngữ, chơi nhạc cụ hoặc tham gia những dự án cộng đồng sẽ giúp mình phát huy hết những kỹ năng của bản thân so với những đồng nghiệp khác. Đây cũng là một cơ hội để mình thăng tiến trong công việc và mở ra những cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ với những đối tác nước ngoài. Chúng ta nên phát triển thêm những kỹ năng mềm thay vì chỉ tập trung vào nghiệp vụ chuyên môn chính của mình”.
Thạc sĩ Cao Văn Cang (Chuyên gia tâm lý) chia sẻ: “Để phát triển, nâng cao những kỹ năng mới thì đầu tiên chúng ta nên nâng cao ý thức, vì đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Chúng ta phải tự ý thức được việc học hỏi sẽ đi theo ta suốt cả cuộc đời nên chúng ta cần phải có sự cầu thị, khiêm tốn, chịu khó tìm hiểu những khía cạnh cần đầu tư và học hỏi trong lĩnh vực mình đang theo đuổi. Chúng ta có thể tham gia các khóa học ngắn hạn đào tạo chuyên sâu về chuyên môn để có thể thích ứng với nhu cầu của xã hội ngày nay. Để khẳng định chính bản thân mình với xã hội, với giá trị bản thân cống hiến cho mọi người thì chúng ta cần nâng cao kiến thức chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp, cơ hội nghề nghiệp và học vị”.
Phát triển kỹ năng mới là cả một quá trình dài đòi hỏi sự cố gắng và quyết tâm. Thành công chỉ đến nhờ vào sự cố gắng, phấn đấu của bản thân. Vì vậy, hãy bước ra khỏi vùng an toàn, vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để trải nghiệm, học tập những điều mới mẻ. Đâu đó, chúng ta sẽ tìm thấy những khả năng mà trước đây chưa từng nghĩ đến.