Bên cạnh sự trở lại của Trấn Thành với Mai, đường đua đến danh hiệu Cánh diều vàng 2024 ở hạng mục Phim điện ảnh ngày càng căng thẳng với nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại lẫn đề tài, đến từ cả hai dòng phim thương mại và nghệ thuật.
Từng trượt mất Cánh diều vàng 2023 vào tay Tro Tàn Rực Rỡ và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Trấn Thành nhiều khả năng sẽ lấy lại tất cả với Mai, phim ăn khách nhất của năm và phá kỷ lục phim có doanh thu đứng đầu mọi thời đại tại Việt Nam (cũng là 1 tác phẩm khác của Trấn Thành là Nhà Bà Nữ). Nhờ vào cách thực hiện mới mẻ và sâu sắc hơn, Mai chinh phục khán giả trong nước lẫn quốc tế, tạo nên cơn sốt doanh thu “có-1-không-2” bởi câu chuyện thú vị, giàu cảm xúc và sự phối hợp ăn ý không kẽ hở từ dàn diễn viên chính lẫn phụ. Nhiều người dự đoán, Mai là ứng viên số một cho giải Cánh diều vàng năm nay.
Mai của Trấn Thành là ứng viên số một cho giải Cánh diều vàng năm nay.
Tuy nhiên, sự ra mắt gần đây của Hai Muối và việc bất ngờ tham dự Cánh diều 2024 vào phút chót ít nhiều khiến vị trí của Mai bị lung lay. Phim là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Vũ Thành Vinh, xoay quanh nhân vật ông Hai (Quyền Linh thủ vai) làm nghề muối có cuộc sống khó khăn nhưng vẫn quyết tâm nuôi con gái ăn học. Dù chỉ mới ra mắt, Hai Muối đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả và truyền thông. Diễn biến dễ theo dõi, câu chuyện dễ cảm và đậm màu dân dã được dự đoán sẽ ghi điểm với ban giám khảo của Cánh diều vàng. Nếu tính về đề tài, có thể xem Hai Muối chiếm ưu thế hơn một chút so với đối thủ nặng ký là Mai.
Hai Muối và việc bất ngờ tham dự Cánh diều 2024 vào phút chót ít nhiều khiến vị trí của Mai bị lung lay.
Xét về yếu tố được khán giả dành nhiều sự ưu ái và thảo luận trên các nền tảng xã hội, bên cạnh Hai Muối và Mai thì điện ảnh nhà nước cũng không hề kém cạnh với một số tác phẩm đáng chú ý, trong đó có Đào, Phở và Piano do NSƯT Phi Tiến Sơn làm đạo diễn. Lần đầu tiên, một bộ phim chiến tranh trở thành hiện tượng phòng vé đầy bất ngờ tại khắp các hệ thống rạp trên toàn quốc. Tựa phim này “nóng” đến nỗi trang bán vé của nhiều rạp phim bị nghẽn mạch với lượng đặt trước khổng lồ, điều chưa bao giờ xảy ra trước đây với các sản phẩm do nhà nước sản xuất. Một điều phải ghi nhận thêm là tác phẩm này còn thu hút được sự chú ý từ khán giả trẻ đối với dòng phim lịch sử, thể loại vốn được xem là khô khan và không mạnh về yếu tố giải trí.
Đào, Phở và Piano do NSƯT Phi Tiến Sơn làm đạo diễn.
Bên cạnh Đào, Phở và Piano, còn có ba cái tên khác là Hồng Hà Nữ Sĩ (đạo diễn NSƯT Nguyễn Đức Việt), Sao Xanh Nơi Biển Sóng (đạo diễn NSƯT Bùi Tuấn Dũng) và Vầng Trăng Thơ Ấu (đạo diễn Hồ Ngọc Xum) cũng lấy đề tài lịch sử và quân đội nhân dân. Thế nhưng, sự tiếp cận của các phim này với đa phần khán giả phổ thông vẫn hạn chế nên tương đối bất lợi về việc cạnh tranh với các phim còn lại. Mặc dù vậy, đây là một tín hiệu vui khi các yếu tố liên quan đến lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam ngày càng được các nhà làm phim lẫn công chúng quan tâm.
Tiếp nối thành công của Đào, Phở và Piano, NSƯT Phi Tiến Sơn đã chấp bút kịch bản cho phim Bà Già Đi Bụi dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, do đạo diễn Trần Chí Thành thực hiện. Với thông điệp nhân văn cùng những cảnh đẹp đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, phim mang lại cảm xúc chân thực và một góc nhìn mới. Chưa được công chiếu rộng rãi nên Cánh diều vàng 2024 là nơi tác phẩm này lần đầu tiếp cận khán giả đại chúng.
Có thể nói, 18 tác phẩm trong cuộc đua tranh giải Phim điện ảnh hay nhất tại Cánh diều vàng 2024 ngoài việc mang đến sự phong phú trong thể loại và đề tài, còn thể hiện rõ nỗ lực không ngừng để thay đổi, làm mới và ngày càng nâng cấp sau hơn 20 năm giải thưởng ra đời của Hội điện ảnh Việt Nam.
Những tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được vinh danh tại Lễ trao giải vào tối 10/09/2024 tại Quảng trường Nhà hát Đó thuộc Libera Nha Trang và được trực tiếp trên nhiều nền tảng trực tuyến.