Xuất hiện trong chương trình ‘Kính đa chiều’, soạn giả Tô Thiên Kiều nhấn mạnh vai trò quan trọng của thầy tuồng trong các đoàn hát xưa. Theo nữ soạn giả, thầy tuồng không chỉ là người sáng tác vở diễn mà còn ảnh hưởng đến sự thành công của đoàn hát.
Nhà soạn giả Tô Thiên Kiều là con gái của cố soạn giả (thầy tuồng) Linh Quân nổi tiếng một thời trong giới sân khấu cải lương. Nhắc đến cha mình trong chương trình “Kính đa chiều”, soạn giả Tô Thiên Kiều cho biết, soạn giả Linh Quân từng hợp tác với các “tượng đài” nghệ thuật như cố NSND Thanh Kim Huệ, NSND Thanh Điền hay nhà hát Trần Hữu Trang,… Cha của Tô Thiên Kiều cũng từng hợp tác viết kịch bản cùng nhà soạn giả lớn như Hoa Phượng, Hà Triều. Những vở cải lương của ông như Lưu Bình Dương Lễ, Tiêu Dao Thần Chưởng hay các vở tuồng theo mô típ ngày xưa được nhiều đoàn hát biểu diễn, trở thành những tác phẩm kinh điển trong lòng khán giả.
Theo nhà soạn giả Tô Thiên Kiều, từ xưa đến hiện tại, công việc thầy tuồng chủ yếu là truyền nghề và tự tìm tòi học hỏi, trau dồi kinh nghiệm. Do đó, mỗi nhà soạn giả sẽ mang một phong cách viết khác nhau. Nữ soạn giả tiết lộ: “Tác giả viết cải lương đa phần là những người tự thân, có năng khiếu và làm việc trong sân khấu hay đoàn hát. Những người đi trước sẽ truyền dạy kinh nghiệm cho những người đi sau. Bằng cách truyền nghề, trực tiếp chỉ dạy đã có rất nhiều tác giả là các bậc tiền bối thành danh như nhà soạn giả Hoa Phượng, Hà Triều,… Phong cách viết của mỗi người sẽ khác nhau, không có rập khuôn. Tất cả đều là tư duy, cảm nhận của mỗi người để viết nên một kịch bản cải lương mang bản sắc riêng của tác giả”, soạn giả Tô Thiên Kiều chia sẻ.
Nhận xét về vai trò của thầy tuồng trong các đoàn hát xưa, Tô Thiên Kiều mô tả thầy tuồng có vị trí bất khả xâm phạm, chỉ đứng sau ông bà bầu. Thành công của đoàn hát cũng phụ thuộc rất lớn vào thầy tuồng vì đây là người nắm bắt được thị hiếu của khán giả và viết đúng sở trường của nghệ sĩ. Trong quá khứ, thầy tuồng ít khi viết kịch bản ở nhà mà luôn sống chết với sân khấu khi cùng làm việc, ăn ngủ với các nghệ sĩ trong đoàn như gia đình. Thầy tuồng cũng là người quan sát sân khấu, hiểu rõ các diễn viên, từ đó sáng tác ra những kịch bản đo ni đóng giày phù hợp từng nghệ sĩ.
Tuy thầy tuồng giữ vai trò quyền lực như thế nhưng cuộc sống lại không mấy sung túc. Theo nhà soạn giả Tô Thiên Kiều, cha của chị là một thầy tuồng nhưng không mấy khá giả vì sự chuyển biến của xã hội. Nữ soạn giả kể lại, trước đó trong thời kỳ hoàng kim của cải lương, một vở tuồng viết ra có thể mua được vài căn nhà. Người mua trả tiền cho thầy tuồng theo hai cách, một là trả một lần với số tiền rất lớn, hai là nhận phần trăm theo suất diễn. Trong khi đó, tuổi thọ của một vở diễn có thể kéo dài đến vài chục năm, tần suất diễn dày đặc, do đó số tiền tác giả nhận được cũng rất nhiều.
Soạn giả Tô Thiên Kiều tiết lộ viết một vở tuồng trong thời hoàng kim cải lương có thể mua vài căn nhà.
Về sau nghệ thuật sân khấu xuất hiện thêm thể loại cải lương Hồ Quảng không có kịch bản mà chỉ có lăng tuồng. Nhà soạn giả Tô Thiên Kiều cho rằng đây là một hình thức biến tướng của sân khấu, vì đối với một sân khấu chính quy, chuyên nghiệp thì cần phải có tuồng tích cụ thể. Riêng hình thức hát không có kịch bản cụ thể mà chỉ có lăng tuồng, đề cương thì được gọi là hát cương. Khi đó, thầy tuồng không còn xuất hiện nhiều trong đoàn hát mà thay bằng người coi tuồng. Người này nắm rõ kịch bản của thầy tuồng và có nhiệm vụ thuật lại cho các diễn viên.
Sở dĩ các đoàn hát này không có thầy tuồng vì đây là những đoàn nhỏ hay chỉ là gánh hát ráp. Khi có điểm diễn như cúng đình, mùa chầu thì mới tụ họp, ráp các nghệ sĩ ở các nơi về biểu diễn. Theo soạn giả Tô Thiên Kiều, buổi chiều trước giờ diễn, các nghệ sĩ sẽ tập trung nghe người coi tuồng hướng dẫn. Ngoài ra, người coi tuồng cũng sẽ nhắc lại thêm một lần trước khi diễn viên bước lên sân khấu.
Dựa vào lăng tuồng và sự chỉ dẫn của người coi tuồng, các nghệ sĩ phải tự đặt để lời thoại, bài hát phù hợp với tình huống diễn xuất. Điều này đòi hỏi nghệ sĩ phải có thực lực, kinh nghiệm để ứng biến linh hoạt trên sân khấu. Vì vậy dù hát cương là biến tướng khác của sân khấu cải lương nhưng ở đó vẫn có những nghệ sĩ thật sự tài năng.
Qua câu chuyện của Tô Thiên Kiều, khán giả có thêm góc nhìn sâu sắc về vai trò của thầy tuồng trong các đoàn hát xưa. Không chỉ dừng lại ở việc sáng tác những vở diễn để đời, thầy tuồng còn là người đào tạo, truyền nghề cho thế hệ sau, góp phần gìn giữ và phát triển nghệ thuật cải lương truyền thống của Việt Nam.
“Kính đa chiều” chủ đề tiếp theo Chạm ngõ môn thể hình với sự tham gia của host Lê Hoàng và vận động viên Phạm Văn Mách sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 30/7 trên kênh VTV9.