Ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – là một trong 4 “tư lệnh” ngành sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội vào tuần sau. Trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, ông Hùng đề cập tới vấn đề thu hút nhân tài ngành thể thao.
“Coi trọng giáo dục đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc”
Các lĩnh vực chất vấn được xoay quanh công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật.
Việc giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm…
Phục vụ cho phiên chất vấn, ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) – đã có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội về các nội dung này.
Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng.
Liên quan đến vận động viên thể thao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, vận động viên quốc gia hiện nay có khoảng 2.500 (trong đó vận động viên trẻ 1.100; đội tuyển là 1.400). Trong khi đó, các tỉnh, thành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khoảng 22.000 vận động viên.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, tính đến tháng 5 vừa qua, thể thao Việt Nam đã thiết lập quan hệ với các cơ quan quản lý thể thao, tổ chức thể thao của hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Nhìn chung, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên thể thao trong thời gian qua đã từng bước đáp ứng yêu cầu đặt ra, góp phần nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, thể hiện qua số lượng, cơ cấu huy chương đã đạt được tại các kỳ đại hội thể thao”, ông Hùng cho hay.
Cụ thể, Việt Nam đã giành được các huy chương vàng tại Olympic và Paralympic, luôn nằm trong tốp 3 nước dẫn đầu các kỳ SEA Games, 2 lần liên tiếp dẫn đầu bảng tổng sắp tại SEA Games 31, 32… Bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ ở cả đấu trường khu vực lẫn châu lục.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên trong thời gian qua còn gặp một số tồn tại, hạn chế.
Điển hình như, đầu tư cho công tác đào tạo tài năng thể thao, tuy có tăng hàng năm, song còn thấp so với nhu cầu; chưa đảm bảo nguồn lực đầu tư đúng mức theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, dẫn đến sự hẫng hụt lực lượng vận động viên kế cận trong các đội tuyển quốc gia.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ ở cả đấu trường khu vực lẫn châu lục
Bộ trưởng VHTT&DL cho biết thời gian tới sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xác định tập trung đầu tư cho các môn, nội dung trọng điểm tham dự các kỳ ASIAD, Olympic và các kỳ SEA Games.
“Coi trọng giáo dục đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho vận động viên. Tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng các vận động viên xuất sắc và phát huy vai trò nêu gương của họ đối với lớp vận động viên kế cận và với thanh, thiếu niên nói chung”, ông Hùng nêu rõ.
Chế độ tiền lương còn thấp
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, so với nhiều nước trên thế giới, các chính sách đãi ngộ đối với vận động viên thể thao ở nước ta còn hạn chế. Điển hình là chế độ tiền lương đối với vận động viên các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP còn thấp (vận động viên đội tuyển quốc gia được hưởng 270.000 đồng/người/ngày x 26 ngày công = 7.020.000 đồng/tháng).
“Tiền lương đối với vận động viên thể thao thấp dẫn tới khó khăn trong thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao. Chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên thể thao còn thấp, khó đáp ứng đối với một số môn thể thao có cường độ tập luyện ở mức độ cao”, ông Hùng cho hay.
Theo ông Hùng, một số địa phương đã áp dụng chế độ đặc thù đối với vận động viên tài năng như hỗ trợ tiền lương đối với vận động viên đạt thành tích cao tại các kỳ Đại hội thể thao quốc tế hoặc trong chu kỳ tập luyện để chuẩn bị tham dự Đại hội Thể thao quốc tế. Tuy nhiên đa số các địa phương chưa thể ban hành cơ chế đặc thù do nguồn lực đầu tư cho thể thao còn hạn chế.
Nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới được “tư lệnh” ngành đề ra là tiếp tục tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thể dục, thể thao, trong đó bao gồm các cơ chế đặc thù đối với đối tượng là các vận động viên thể thao.
Cùng với đó là rà soát, nghiên cứu và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các danh hiệu vinh dự nghề nghiệp cho vận động viên gương mẫu, có nhiều cống hiến xuất sắc và đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp thể dục, thể thao.
Theo Luân Dũng/Tienphong.vn