Với chủ đề Thực trạng nhạc thiếu nhi Việt Nam hiện nay, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung có những quan điểm, góc nhìn mới mẻ về tình trạng nhạc thiếu nhi ngày càng ít đi.
Theo host Minh Đức, nhiều năm về trước, khi thị trường âm nhạc Việt Nam còn sơ khai đã có nhạc thiếu nhi tồn tại song song với nhạc người lớn. Các hãng băng đĩa đều sản xuất chương trình nhạc thiếu nhi và hàng năm đều có những liveshow nhạc thiếu nhi lớn như Tuổi thần tiên – liveshow luôn nhanh chóng bán hết vé. Tuy nhiên càng về sau, thị trường âm nhạc càng phát triển nhưng dòng nhạc thiếu nhi không còn huy hoàng như xưa.
Lý giải về điều này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: “Một phần là do chúng ta chưa cập nhật kịp với sự phát triển của công nghệ. Ngày xưa, trẻ con ít phương tiện để xem nên rất trân trọng những khoảnh khắc, khung giờ mà các đài phát những bài hát thiếu nhi. Bây giờ, trẻ con có thể tiếp cận được với các nền tảng như YouTube, TikTok… Trên YouTube cũng có nhiều kênh âm nhạc thiếu nhi hay của quốc tế như Mỹ, Hàn Quốc…, trẻ con có thể tiếp cận được với những loại âm nhạc như vậy và dần dần chúng ta thấy rõ ràng âm nhạc Việt Nam có khoảng cách khá xa với tiêu chuẩn của quốc tế và nhạc thiếu nhi cũng như vậy”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết nhạc thiếu nhi Việt Nam có khoảng cách khá xa với tiêu chuẩn quốc tế.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, những nhạc sĩ nên tự phổ cập kiến thức cho bản thân. Trước tiên là phổ biến bài hát trên các nền tảng mạng xã hội, thay vì nhờ các cơ quan, nhà sản xuất hay hãng băng đĩa như ngày xưa.
Một lý do khác khiến nhạc thiếu nhi ngày càng ít đi không phải vì thiếu các sáng tác mà liên quan đến các yếu tố khác. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ, hoàn thành ca khúc thiếu nhi chưa đủ vì viết xong phải có bản audio và MV cho trẻ con xem. Trong MV thì phải có hình ảnh hoạt hình, hình ảnh các bé nhảy múa sôi động thì mới thu hút khán giả nhí. Do đó, người nhạc sĩ phải đầu tư vào sản phẩm rất nhiều từ việc thu âm, quay MV đến đăng tải ca khúc lên các nền tảng. “Tôi phải học thêm về YouTube và các nền tảng nhạc số khác như Spotify, Zing, Nhạc Của Tui,… Tôi đều phải tự làm tất cả”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết.
Tác giả ca khúc Chiếc khăn gió ấm bày tỏ những nhạc sĩ trẻ hoặc những nhạc sĩ cùng lứa tuổi với Nguyễn Văn Chung cũng có thể tự tiếp thị các bài hát thiếu nhi của mình theo cách riêng nếu có cùng lý tưởng với dòng nhạc này. Đối với các cơ quan ban ngành, cơ quan lãnh đạo văn hóa cũng nên cập nhật công nghệ và có những đài, kênh âm nhạc chính thống về thiếu nhi để trẻ em và các trường học có thể truy cập. Như vậy mới có thể thúc đẩy sự phát triển của dòng nhạc thiếu nhi.
Trước thắc mắc của host Minh Đức về việc sáng tác nhạc thiếu nhi có cần thêm vào các yếu tố để bài hát không chỉ biểu diễn mà còn tranh tài hay không? Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung giải thích: “Ở góc độ nhạc sĩ, tôi nghĩ đôi khi có một vài nhạc sĩ nghĩ rất đơn giản rằng viết nhạc thiếu nhi thì viết những bài dễ nhớ, dễ hát, dễ thuộc để bé nào cũng có thể hát được. Điều đó đúng ở chỗ các bài hát thiếu nhi càng đơn giản, càng dễ nhớ, dễ hát thì dễ được phổ biến rộng rãi”.
Tuy nhiên điều đó chỉ đúng ở chỗ trên mặt bằng chung. Nhạc sĩ nên chia bài hát theo lứa tuổi, như bé 3 tuổi, 5 tuổi, 7 tuổi, 12 tuổi thì kỹ thuật bài hát được nâng lên như khi đi học kiến thức ở trường. Học hát ở trường cũng tương tự như vậy khi có những cấp độ từ dễ đến khó để trẻ con có thể luyện tập.
Với những cuộc thi âm nhạc, nếu một người giám đốc âm nhạc giỏi thì có thể dàn dựng bản hòa âm phối khí, thay đổi quãng tone, quãng giọng, thay đổi cách hát khác đi để một bản hát thiếu nhi đơn giản vẫn có thể mang đi thi. “Chúng ta đừng thấy bài Chú ếch con đơn giản, khi bài hát được chuyển thể qua một ban nhạc nước ngoài đánh thì lại là một tác phẩm nghệ thuật. Cho nên chúng ta không thể trách vì sao thiếu những bài hát thiếu nhi như vậy”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ.
“Kính đa chiều” – chủ đề tiếp theo Đào tạo trong nghệ thuật cải lương với sự tham gia của host Lê Hoàng và nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 24/4 trên kênh VTV9.