Trong tập 66 chương trình “Kính đa chiều”, nghệ sĩ thư pháp Mỹ Lý có những chia sẻ xoay quanh về loại hình nghệ hình thư pháp Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là nét chữ mà trong thư pháp còn chứa cả suy nghĩ nội tâm của người viết và giúp người viết rèn luyện tính kiên trì nhẫn nại.
Nghệ sĩ thư pháp Mỹ Lý là một trong những bà đồ viết thư pháp nổi tiếng ở TP.HCM. Bà tên thật là Huỳnh Thị Mỹ Lý (sinh năm 1954). Trong một lần chiêm ngưỡng triển lãm “100 chữ Mẹ”, bà đem lòng say mê loại hình nghệ thuật này và quyết tâm theo học với họa sĩ Trần Văn Hải ở tuổi ngoài 50. Chia sẻ trong chương trình “Kính đa chiều”, bà đồ Mỹ Lý cho biết bà gắn bó với thư pháp đến nay tròn 20 năm.
Dù thư pháp tồn tại từ lâu và được đông đảo người yêu mến và theo đuổi nhưng đến hiện tại vẫn chưa được công nhận là một bộ môn nghệ thuật. Nghệ sĩ thư pháp Mỹ Lý lấy làm tiếc: “Thư pháp thật sự mới có câu lạc bộ thôi, còn chưa được hội thư pháp. Mà rất nhiều người chơi thì tôi đang hối tiếc vì chưa được công nhận là hội thư pháp mà chỉ dừng lại ở mức độ câu lạc bộ. Bây giờ câu lạc bộ thư pháp cũng ít dần, đa số là chơi tự do, một số bạn trẻ có thầy dạy thì chơi theo nhóm”.
Theo bà đồ Mỹ Lý chia sẻ, thư pháp chữ Việt dùng bút lông của Trung Quốc nhưng viết chữ Latinh với hệ chữ cái A,B,C. Hiện nay, nhiều người theo đuổi loại hình nghệ thuật thư pháp nghiên cứu một số chữ, thể viết của người Trung Quốc như thể Khải, Họa, Thảo thư,… Riêng nghệ sĩ thư pháp Mỹ Lý, bà đến năm 50 tuổi mới đến với thư pháp nên chỉ viết chữ quốc ngữ.
Để nhìn nhận đánh giá một thư pháp đẹp với nghệ sĩ thư pháp Mỹ Lý là rất khó. Vì hiện nay hầu như nhiều người đang tìm tòi cách viết ấn tượng nhất. “Đương nhiên muốn viết một bức thư pháp đẹp thì phải nhìn hài hòa, bố cục cân đối, nội dung chỉn chu. Dù dùng bút lông viết chữ quốc ngữ nên cũng phải có phương bút”.
Nếu như trong hội họa có thể nhìn tranh biết tác giả thì trong thư pháp cũng tương tự như vậy. Giai đoạn trước năm 2000 khi thư pháp thịnh hành, có thể dễ dàng quan sát và biết chữ của nhà thư pháp Song Nguyên, Trụ Vũ hay sư Minh Đức, Thiền sư Thích Nhất Hạnh,… Với bà đồ Mỹ Lý, phong cách viết của bà cũng được nhiều người biết đến mà không cần xem chữ ký. Tuy nhiên, không phải ai cũng có dấu ấn riêng trong phong cách viết thư pháp mà rất hiếm để có được điều này.
Bà đồ Mỹ Lý khẳng định hiếm ai có phong cách viết thư pháp đặc trưng như nhà thơ Trụ Vũ hay Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Đạo diễn Lê Hoàng đồng tình vì ngay cả những lĩnh vực hội họa hay văn học cũng hiếm người mang dấu ấn phong cách cá nhân như vậy, đa phần sẽ bị trùng. Nghệ sĩ thư pháp Mỹ Lý nhận định không có phong cách thì chỉ là bắt chước, nghĩa là cứ học theo người khác nên không tạo được phong cách riêng.
Chia sẻ về cách nhìn và đánh giá một bức thư pháp, bà đồ Mỹ Lý cho rằng phương bút là điều quan trọng nhất. “Phương bút là hướng cầm bút sao cho có độ đậm nhạt, phi bạch, như người Trung Quốc có cả máu thịt trong đó. Có lần nhà thơ, nhà thư pháp Trụ Vũ đi ngang nên tôi hỏi xin ý kiến. Thầy Trụ Vũ khuyên viết thư pháp phải có trường độ, cường độ và cao độ. Thầy nói xong rồi thoáng đi, thế là tôi về tự luyện. Tôi nghĩ khi viết cao thì phải thẳng thớm. Viết ngang kéo dài phải ngay ngắn. Chữ phải có lực, có đậm nhạt”, nghệ sĩ thư pháp Mỹ Lý chia sẻ.
Theo bà đồ Mỹ Lý, viết thư pháp cũng có nội lực như người tập võ có nội công. Nếu như viết thư pháp trong lúc quay clip thì có thể nhìn thấy đẹp nhưng khi nhìn lại thì mới nhận định rõ xấu đẹp. Nếu như xem tranh nhìn nhiều màu sắc đã thấy đẹp thì thư pháp càng nhìn càng xấu. “Nếu tôi viết nhiều chữ tôi thấy đẹp nhưng khi lên khung hình treo, tôi đi tới đi lui nhìn thấy xấu, thế là bỏ. Một bức tranh toàn chữ để nhận xấu đẹp thì khó lắm. Chưa đến vấn đề người khác nhìn nhận. Chẳng hạn, chữ nhẫn này nhìn hiền quá hay nhục quá. Vì vậy có nhiều vấn đề trong thư pháp lắm”, bà đồ Mỹ Lý cho biết.
“Kính đa chiều” – chủ đề tiếp theo Kỹ xảo sân khấu trong cải lương với sự tham gia của host Minh Đức và nghệ sĩ Hoài Thanh sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 18/4 trên kênh VTV9.