360 độ Giải trí

‘Ông bầu’ Huỳnh Anh Tuấn: ‘Huỳnh Lập, Lê Dương Bảo Lâm mất 12 năm mới được diễn trên sân khấu Idecaf’

Trong tập 46 của chương trình ‘Kính đa chiều’, Giám đốc Công ty Sân khấu và Nghệ thuật Thái Dương (Idecaf) Huỳnh Anh Tuấn có những chia sẻ về việc tạo điều kiện phát triển cho các diễn viên trẻ tại sân khấu kịch của mình. 

Đạo diễn Lê Hoàng nhận định, nếu như ca sĩ, diễn viên điện ảnh có thể thành công trong thời gian ngắn thì diễn viên sân khấu rất khó được như vậy vì đòi hỏi kinh nghiệm biểu diễn trực tiếp, giao lưu với khán giả và cả bản lĩnh làm chủ sân khấu. Vì vậy định nghĩa diễn viên trẻ của sân khấu cũng rất khác so với các ngành nghề nghệ thuật liên quan.

Đồng tình với đạo diễn Lê Hoàng, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn giải thích: “Với điện ảnh thì có kỹ thuật quay hình, ca sĩ thì chỉ cần hát 2 đến 3 phút, nhờ bài hit, nhưng để biểu diễn từ 2 đến 3 tiếng trên sân khấu như diễn viên kịch nói thì đòi hỏi thời gian, tâm lý diễn xuất, quá trình tiếp xúc và rèn luyện tính bằng năm”.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết hầu hết các diễn viên trẻ đều mất khoảng 10 – 12 năm va chạm thực tế bên ngoài mới được xuất hiện trên sân khấu Idecaf. Ngay cả những diễn viên nổi tiếng như Huỳnh Lập, Lê Dương Bảo Lâm, Dương Cường cũng tương tự.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết Idecaf đang tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ, đạo diễn trẻ và biên kịch trẻ có sân khấu để sáng tạo và phát triển.

Sở dĩ các diễn viên mất nhiều thời gian đến như vậy không phải vì thiếu địa điểm “tỏa sáng” mà vì cần thời gian để rèn luyện bản lĩnh sân khấu. Cách đây khoảng 5 năm, giám đốc Huỳnh Anh Tuấn đã thử cho các diễn viên trẻ cơ hội biểu diễn nhưng khán giả vẫn chưa chấp nhận vì còn “non tay”. “Kỹ thuật biểu diễn sân khấu đòi hỏi thời gian chứ không có sự hỗ trợ về mặt công nghệ. Hiện nay tôi đang có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ. Thay vì 10 năm, tôi cố gắng đào tạo một diễn viên trẻ cứng nghề trong khoảng 3 đến 5 năm”, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết. Trước khi đưa các “tân binh” đến sàn diễn chính, ông Huỳnh Anh Tuấn yêu cầu các đạo diễn trẻ tạo cơ hội cho các diễn viên tiếp xúc với sân khấu phụ.

Tuy quá trình đào tạo diễn viên trẻ cho sân khấu kịch vất vả và tốn thời gian là vậy nhưng không phải lúc nào cũng được khán giả đón nhận. Đó chính là lý do xuất hiện cụm từ “tên bán vé”, tức có nghĩa những bộ phim, vở kịch phải có diễn viên nổi tiếng mới bán được vé. Vì vậy, sự xuất hiện thường xuyên của một diễn viên nổi tiếng có thể nhàm chán đối với một bộ phận khán giả, song đó lại là một niềm tin của khách hàng, một bảo chứng cho số lượng vé được bán ra.

Đạo diễn Lê Hoàng thừa nhận: “Nếu tôi có bộ phim sắp chiếu, tôi chọn diễn viên chưa bao giờ đóng cũng được nhưng với kịch thì tôi không bao giờ dám. Diễn kịch vai chính không thể không trải qua rất nhiều vai phụ bầm dập trên sân khấu. Nên người ta hay nói diễn viên kịch đóng phim thì được nhưng diễn viên phim chưa chắc đóng kịch được”.

Đồng quan điểm với Lê Hoàng, giám đốc sân khấu kịch Idecaf bày tỏ: “Không phải ở Việt Nam mà tất cả các diễn viên nổi tiếng, sao quốc tế muốn chứng minh bản lĩnh đều phải xuất hiện trên sân khấu kịch nói hoặc nhạc kịch. Phim của họ có thể đoạt giải này giải kia nhưng thực lực giỏi hay không giỏi thì thông qua việc xuất hiện trong chương trình nhạc kịch hoặc kịch nói”.

“Kính đa chiều” – chủ đề tiếp theo Tính nhân đạo trong pháp luật Việt Nam với sự tham gia của host Lê Hoàng và Luật sư Trương Thị Hòa sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 21/3 trên kênh VTV9.